5 lời đồn thổi về vắc xin ngừa COVID-19 và sự thật cần biết
Hiểu lầm 1: Do vắc-xin COVID-19 được sản xuất trong thời gian ngắn nên khó tin tưởng vào sự an toàn
Sự thật là: Từ trước đến nay, chưa bao giờ có thể tạo ra vắc-xin trong một thời gian ngắn như vắc-xin COVID-19. Tuy nhiên, việc nghiên cứu vắc-xin COVID-19 đã trải qua quy trình nghiêm ngặt giống như các loại vắc-xin khác, bao gồm nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm tiền lâm sàng, 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sau đó được các cơ quan chức năng cấp phép.
Các nghiên cứu thực tế cũng cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 an toàn như kết quả trong thử nghiệm lâm sàng.
Hiểu lầm 2: Tôi có khả năng miễn dịch tốt nên không cần tiêm vắc xin
Sự thật là: Có hệ miễn dịch tốt sẽ nâng cao khả năng chống đỡ bệnh tật. Nhưng thực tế nhiều người khỏe mạnh vẫn nhiễm COVID-19 và có triệu chứng nặng, thậm chí tử vong.
Ngoài ra, việc tiêm vắc xin không phải chỉ vì bạn. Bạn có thể không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ khi mắc COVID-19 nhưng vẫn có khả năng lây cho người khác. Sẽ thế nào nếu bạn nhiễm bệnh mà không biết, rồi tiếp xúc với người thân già yếu, có bệnh nền? Tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe của chính bạn và cả mọi người xung quanh.
Hiểu lầm 3: Tôi đã mắc COVID-19 rồi thì không cần tiêm vắc xin ngừa bệnh nữa.
Sự thật là: Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, bạn nên được tiêm chủng bất kể đã mắc Covid-19 hay chưa. Hiện chưa đủ dữ liệu nghiên cứu để biết bệnh nhân Covid-19 được bảo vệ bao lâu để không nhiễm virus trở. Ngay cả khi đã khỏi, bạn vẫn có khả năng mắc Covid-19, mặc dù rất hiếm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêm chủng giúp tăng cường khả năng bảo vệ ở những người đã khỏi bệnh.
Mỹ khuyến cáo người đã mắc COVID-19 nên đợi 90 ngày trước khi chủng ngừa. Còn theo quy định Bộ Y tế hiện nay, những ai đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng sẽ tạm hoãn tiêm vắc xin.
Hiểu lầm 4: Vắc xin không an toàn cho phụ nữ mang thai
Sự thật là: Vắc xin COVID-19 được khẳng định an toàn cho phụ nữ mang thai và thai nhi đang lớn. Phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa vì lỡ nhiễm Covid-19 thì họ có nhiều nguy cơ bệnh nặng hơn.
Tới nay, tại Anh và Mỹ đã tiêm ngừa COVID-19 cho hằng trăm nghìn phụ nữ mang thai và chưa phát sinh vấn đề đáng lo ngại nào về độ an toàn.
Tại Việt Nam, theo hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 10/8, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên có thể tiêm vắc xin ngừa COVID-19, trừ vắc xin Sputnik V.
Hiểu lầm 5: Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 xong không đau cơ, không sốt là không tốt
Sự thật là: Các chuyên gia cho biết, hệ thống miễn dịch phản ứng với thành phần kháng nguyên và những tá dược, chất bổ trợ có trong vắc xin, được thể hiện dưới dạng các triệu chứng, với những biểu hiện khác nhau. Một số người có thể đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, chóng mặt, đau cơ… nhưng một số khác không hề có triệu chứng gì.
Cùng một loại vắc xin nhưng phản ứng phụ thường không giống nhau. Các loại vắc xin khác nhau cũng sẽ có các tác dụng phụ khác nhau. Ngoài ra, các yếu tố như tuổi tác, giới tính, khả năng miễn dịch, tình trạng sức khỏe... cũng có thể ảnh hưởng đến các tác dụng phụmà người tiêm gặp phải.
Do đó, không thể khẳng định nếu không gặp tác dụng phụ nào đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch không hoạt động. Giá trị quan trọng nhất của vắc xin là hiệu lực sau tiêm chủng, hệ miễn dịch sản xuất đủ lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ cơ thể.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/5-loi-don-thoi-ve-vac-xin-ngua-covid-19-va-nhung-su-that-ban-can-biet-c131a487002.html