19 ngày Mỹ chạy đua ngăn chiến tranh tại Trung Đông

12:00' 25-04-2024
Nguy cơ Trung Đông chìm trong chiến tranh quy mô lớn xuất hiện đầu tháng này, sau khi Tehran cáo buộc Tel Aviv tập kích đại sứ quán Iran ở Syria.


    Tối 1/4, chiến đấu cơ Israel bị tố phóng tên lửa từ Cao nguyên Golan vào thủ đô Damascus của Syria, trúng tòa nhà lãnh sự bên trong đại sứ quán Iran. Phòng không Syria không thể đánh chặn toàn bộ tên lửa.

    Cuộc tấn công khiến tòa lãnh sự sụp đổ, khiến 16 người thiệt mạng, trong đó có 7 cố vấn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang họp bên trong. IRGC xác nhận hai tướng của họ là Mohammad Reza Zahedi và Mohammad Hadi Haji Rahimi nằm trong danh sách người chết vì vụ tập kích.

    Chỉ vài phút trước đó, một quan chức Israel thông báo với Mỹ rằng một cuộc tập kích đang được tiến hành, song không nói rõ về mục tiêu hoặc địa điểm bị nhắm tới, theo các quan chức giấu tên của Mỹ.

    Nhà Trắng cũng sớm biết về cuộc tấn công bất ngờ khác của Israel xảy ra cùng ngày hôm đó. Máy bay không người lái Israel tập kích đoàn xe viện trợ ở Gaza, khiến 7 nhân viên cứu trợ thuộc tổ chức từ thiện Bếp ăn Trung tâm Thế giới thiệt mạng. Hai cuộc tập kích trong một ngày đã khởi đầu 19 ngày Mỹ chạy đua ngăn khủng hoảng Trung Đông leo thang thành cuộc chiến tổng lực ở Trung Đông.

    Không lâu sau cuộc tập kích ở Damacus, đại sứ Israel Michael Herzog và tùy viên quốc phòng nước này có mặt tại Nhà Trắng, khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và các trợ lý hàng đầu tổ chức cuộc họp trực tuyến với các quan chức ở Tel Aviv. Trong cuộc trao đổi bên lề cuộc họp, Herzog giải thích Israel đã nhắm mục tiêu vào Zahedi và các sĩ quan cấp cao khác của Iran, theo quan chức Mỹ.

    Khi Mỹ và Israel chờ đợi phản ứng từ Iran, một số người dự đoán Tehran sẽ tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của Tel Aviv, điều mà họ chưa từng làm trước đây.

    Đống đổ nát tòa nhà lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus, Syria, sau cuộc tập kích hôm 1/4 được cho là của Israel. Ảnh: Reuters

    Tòa lãnh sự trong đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus, Syria, biến thành đống gạch vụn sau cuộc tập kích hôm 1/4. Ảnh: Reuters

    Quan chức Mỹ lo ngại cuộc tập kích của Israel có khả năng kích hoạt những cuộc tấn công từ lực lượng ủy nhiệm của Iran vào các căn cứ Mỹ ở Iraq và Syria, nơi khoảng 4.500 binh sĩ và công dân Mỹ đang hiện diện. Họ cũng suy đoán Tehran có thể tấn công đại sứ quán Israel ở nước ngoài để đáp trả.

    Sau cuộc tập kích đại sứ quán ở Syria, Iran đã yêu cầu đại sứ quán Thụy Sĩ ở Tehran gửi cho Mỹ thông điệp bằng văn bản, đổ lỗi cho họ về vụ tấn công với những lời lẽ gay gắt, theo quan chức Mỹ. Washington phủ nhận liên quan.

    Hai ngày sau vụ tấn công ở Damacus, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tỏ ra tức giận trong cuộc gọi với người đồng cấp Israel Yoav Gallant, chỉ trích Gallant không đề cập tới kế hoạch này dù tới gặp ông ở Lầu Năm Góc một tuần trước đó, theo nguồn tin am hiểu vấn đề.

    Việc hai tướng IRGC thiệt mạng trong vụ tập kích khiến Iran rất phẫn nộ. Sau khi không thể khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án cuộc tấn công, Tehran báo hiệu sẽ trả đũa. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 3/4 tuyên bố "cuộc tập kích không thể không có lời đáp trả".

    Căng thẳng diễn ra khi quan hệ Mỹ - Israel đang ở mức thấp nhất. Trong cuộc điện đàm ngày 4/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng ủng hộ quốc tế dành cho Tel Aviv đang suy giảm nghiêm trọng sau vụ tập kích đoàn xe cứu trợ.

    Ông Biden thêm rằng Israel cần cho phép viện trợ nhân đạo nhiều hơn cho Dải Gaza và giảm thương vong dân thường, khẳng định sự ủng hộ của Mỹ sẽ dựa trên đánh giá hành động thực tế của Tel Aviv.

    Song ông chủ Nhà Trắng cũng nói với ông Netanyahu rằng Mỹ ủng hộ Israel đối phó với Iran. Tổng thống Mỹ lệnh cho Lầu Năm Góc tăng cường nỗ lực bảo vệ Israel và quân đội Mỹ đã kích hoạt các kế hoạch tuyệt mật để hỗ trợ Tel Aviv trong trường hợp khủng hoảng.

    Khi Tổng thống Mỹ tiếp đón Thủ tướng Nhật tại Nhà Trắng ngày 10/4, Bộ trưởng Austin đã kéo ông Biden sang một bên và xin phép cho quay đầu USS Carney, tàu khu trục đang trên đường từ Trung Đông trở về cảng nhà ở Florida. USS Carney cùng với tàu khu trục USS Arleigh Burke ở phía đông Địa Trung Hải nằm đủ gần để hỗ trợ Israel giám sát và bắn hạ tên lửa trong trường hợp bị Iran tấn công. Ông Biden đã nhất trí với yêu cầu này.

    Một nhóm nhân viên quân sự Mỹ cũng bí mật tới Tel Aviv để tham gia cùng các đối tác Israel tại một trung tâm chỉ huy phòng thủ tên lửa, vạch kế hoạch đối phó với đòn tập kích tiềm tàng.

    Dự đoán Iran sẽ triển khai máy bay không người lái (UAV) để tấn công, đội tiêm kích F-15E đã được triển khai tới khu vực để hỗ trợ Israel phòng thủ. Một đội tiêm kích F-16 đóng quân trong khu vực cũng tham gia vào chiến dịch này. Máy bay Arab Saudi và Jordan cũng chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch phòng thủ.

    Tàu sân bay USS Eisenhower, thời điểm đó đang ở Biển Đỏ ngoài khơi Yemen, đã di chuyển tới gần Israel để có thể triển khai tiêm kích đánh chặn bất kỳ UAV nào mà nhóm Houthi do Iran hậu thuẫn phóng ra.

    Song song với chuẩn bị phương án tác chiến, các trợ lý cấp cao của ông Biden cũng liên tục điện đàm với đối tác nước ngoài, đề nghị họ thuyết phục Iran không tấn công trả đũa Israel. Giám đốc CIA William Burns đã yêu cầu các cơ quan tình báo ở châu Âu, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ thúc giục Tehran giảm leo thang.

    Ngay cả khi theo dõi Iran di chuyển tên lửa khỏi kho dự trữ và đưa chúng lên bệ phóng, quy mô kế hoạch tấn công của Iran vẫn là câu hỏi lớn đối với tình báo Mỹ. Một số báo cáo tình báo dự đoán Tehran có thể chỉ nhắm mục tiêu vào các cơ sở ngoại giao của Israel hoặc địa điểm khác ở nước ngoài.

    Tuy nhiên, sau vài ngày chờ đợi mà chưa thấy Iran phóng tên lửa, giới chức tình báo Mỹ và Israel tin rằng Tehran dự định thực hiện cuộc tấn công trực diện quy mô lớn vào lãnh thổ của Israel. Câu hỏi đặt ra lúc này là khi nào nó diễn ra và mục tiêu là gì.

    Tướng Erik Kurilla, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Trung Đông, ngày 11/4 tới Israel và dự định ở lại đây cho tới khi Iran tấn công, song Bộ trưởng Quốc phòng Austin ra lệnh cho Kurilla rời đi ngay lập tức, vì lo ngại Mỹ có thể bị Iran coi là "đồng lõa" với bất kỳ phản ứng nào của Tel Aviv. Tướng Kurilla sau đó tham gia các cuộc thảo luận trực tuyến với phía Israel từ Jordan.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden họp bàn cùng các quan chức cấp cao Mỹ tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng ngày 13/4. Ảnh: Nhà Trắng

    Tổng thống Mỹ Joe Biden họp bàn cùng các quan chức cấp cao Mỹ tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng ngày 13/4. Ảnh: Nhà Trắng

    Cho tới khi ông Biden đi nghỉ cuối tuần ở thành phố Rehoboth Beach, bang Delaware vào tối 12/4, kế hoạch tập kích của Iran đã trở nên rõ ràng hơn.

    "Chúng tôi đã có thông tin tình báo rõ ràng và chắc chắn hơn về thời gian Iran dự định tấn công", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói.

    Tổng thống Biden vội vã trở lại thủ đô Washington vào chiều 13/4.

    Khi cuộc tấn công của Iran bắt đầu vào tối 13/4, các quan chức Mỹ tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã theo dõi hơn 300 UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng khỏi không phận Iran, băng qua Iraq và Jordan, lao thẳng về phía Israel. Ngay cả khi đã nắm được một số thông tin tình báo, quy mô đợt tập kích khiến giới chức Mỹ bất ngờ, theo nguồn tin thân cận.

    "Quy mô của nó vượt quá những gì chúng tôi dự đoán", một quan chức cấp cao nói.

    Hơn 150 UAV đã được Iran triển khai trong đợt phóng đầu tiên và dự kiến mất 5-7 giờ để chạm tới lãnh thổ Israel. Sau đó là hơn 30 tên lửa hành trình được phóng đi với thời gian di chuyển khoảng 2-3 giờ. Cuối cùng, Iran triển khai hơn 100 tên lửa đạn đạo có thể bay tới lãnh thổ Israel chỉ trong vài chục phút.

    Iran đã tính toán thời gian phóng vũ khí để chúng có thể chạm tới lãnh thổ Israel cùng thời điểm, nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ của Tel Aviv. Họ đã ưu tiên các mục tiêu quân sự hơn dân sự, như căn cứ Nevatim ở sa mạc Negev, nơi Israel bố trí tiêm kích tàng hình F-35.

    Kế hoạch phòng thủ được Israel và đồng minh chuẩn bị trước đó đã phát huy hiệu quả, giúp đánh chặn 99% vũ khí của Iran và bảo vệ nước này cuộc tấn công được xem dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ.

    Hệ thống phòng thủ Arrow của Israel đã đánh chặn hầu hết tên lửa đạn đạo, trong khi hai tàu khu vực Mỹ ở phía đông Địa Trung Hải bắn hạ một số tên lửa khác. Khẩu đội Patriot của Mỹ ở Erbil, Iraq đánh chặn thành công một tên lửa. Tiêm kích của Mỹ, Anh, Pháp và Israel bắn rơi các UAV Iran từ xa.

    Ngay sau khi Israel vượt qua cuộc tập kích với thiệt hại không đáng kể, Nhà Trắng đã chuyển từ chế độ bảo vệ Israel sang kiềm chế đồng minh thân cận này. Ngày 13/4 theo giờ Mỹ, ông Biden và Thủ tướng Netanyahu có cuộc điện đàm căng thẳng.

    Ông chủ Nhà Trắng khuyến ông Netanyahu, người đang tham dự cuộc họp với nội các chiến tranh sau vụ tập kích, nên cân nhắc cẩn thận về bước tiếp theo, bởi ông cho rằng Israel "đã chiến thắng" trong cuộc đối đầu với Iran. Ông đề cập tới việc Israel đã loại bỏ các chỉ huy quân sự của Iran ở Lebanon và Syria, cũng như đánh bại đòn tập kích quy mô lớn của Tehran.

    Các quan chức Mỹ lo ngại Israel có thể lập tức trả đũa Iran một cách mạnh mẽ. Iran đã cảnh báo nếu bị đáp trả, nước này sẽ không ngần ngại có những động thái ăn miếng trả miếng quyết liệt hơn, điều có thể đẩy Trung Đông đến bên bờ xung đột toàn diện.

    Mỹ cho rằng Israel đang ở vị thế chiến lược tốt hơn vì nhận được ủng hộ từ nhiều nước. Nếu Tel Aviv phản ứng hấp tấp, họ có thể một lần nữa đánh mất ủng hộ quan trọng này.

    Nhưng các thành viên cứng rắn trong chính phủ liên minh của ông Netanyahu yêu cầu phải có đòn đáp trả lớn và nhanh chóng với Iran. Sau cuộc điện đàm với ông Biden, Thủ tướng Israel và các bộ trưởng trong đảng Likud cầm quyền quyết định sẽ trả đũa một cách "hợp lý và không vô trách nhiệm".

    Sáng sớm ngày 19/4, Israel được cho là đã thực hiện vụ đáp trả "kiềm chế", chỉ nhắm vào một địa điểm quân sự ở tỉnh Isfahan của Iran. Dù cuộc tập kích diễn ra với quy mô nhỏ, nó cho thấy Tel Aviv có thể vượt qua hệ thống phòng không của Iran và xâm nhập sâu vào lãnh thổ của đối thủ.

    Khác với cuộc tập kích 19 ngày trước ở Syria, Israel lần này thông báo trước cho Mỹ vài phút. Israel cũng chọn cách giữ im lặng về cuộc tấn công, trong khi Iran cho rằng các vụ nổ chưa có bằng chứng liên quan tới Israel và không cần đáp trả. Trung Đông ít nhất nhờ vậy thoát được leo thang căng thẳng và nguy cơ rơi xuống vực sâu của một cuộc chiến khác.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/no-luc-cua-my-ngan-xung-dot-nhan-chim-trung-dong-4737222.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ