Xu hướng "thắt lưng buộc bụng" thời Covid-19

13:00' 09-10-2021
Cố bóp mà tuýp kem chống nắng không ra thêm chút nào, Khanh lấy kéo cắt đôi, thò ngón tay vào trong, vét tới vệt kem cuối cùng.


    Đây là điều chưa từng xảy ra với Nguyễn Khanh, 31 tuổi, giáo viên tiếng Anh của một trường cấp 3 ở TP Vinh (Nghệ An). "Chẳng còn cách nào khác khi thu nhập của hai vợ chồng đang từ mức 35 triệu giảm xuống còn chưa đến một phần ba", cô cười, giải thích cho hành động của mình.

    Khanh kể thêm, hôm qua cô bước chân vào một shop quần áo, ngắm nghía hai món đồ nhưng khi xem giá thì lập tức thay đổi ý định, cuối cùng bước ra với một chiếc váy có giá hơn ba trăm nghìn đồng. "Đây là món đồ mới đầu tiên trong 6 tháng qua", cô cho biết.

    Người Sài Gòn đi siêu thị Mega Market ở TP Thủ Đức sau khi có lệnh giãn cách xã hội, ngày 30/5/2021. Ảnh: Quỳnh Trần.

    Người Sài Gòn đi siêu thị Mega Market ở TP Thủ Đức sau khi có lệnh giãn cách xã hội, ngày 30/5/2021. Ảnh: Quỳnh Trần.

    Trước khi Covid-19 xuất hiện, Nguyễn Khanh coi mua sắm là một thú vui, là "liệu pháp giảm stress". Cô có niềm đam mê với quần áo và những món đồ điện tử gia dụng. Nhưng khi thu nhập của chồng làm du lịch giảm hơn một nửa trong năm ngoái và đứt hẳn từ đầu năm nay, khoản dạy thêm của vợ cũng không còn, Khanh buộc phải "cắt giảm mua sắm những thứ không cần thiết".

    Những thứ không cần thiết với Khanh hiện tại chính là những thứ trước đây cô hay mua nhất. "Điều đầu tiên mình làm là tải một app quản lý chi tiêu, đều đặn thống kê giá tiền của từng khoản đã chi trong ngày", Khanh cho biết. Cũng nhờ app mà những món tiền lẻ để quên trong túi áo hay trong cốp xe máy cũng được "truy nã" ngay trong ngày.

    Để tiết kiệm tiền điện, nước, Khanh tự rửa bát, thay vì dùng máy rửa bát như trước đây. Những hôm trời mưa, vợ chồng cô cũng tắt luôn điều hòa.

    "Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thay đổi thói quen mua sắm là do người dân đang trải qua cú sốc thu nhập", tiến sĩ Phạm Khánh Nam, Trưởng khoa Kinh tế ĐH Kinh tế TP HCM nhận xét. Nguyễn Khanh là ví dụ điển hình nhất. Hai năm qua, đại dịch đã khiến số người thất nghiệp, hay giảm lương gia tăng. Điều đó dẫn đến thu nhập khả dụng trong dân chúng giảm mạnh, mọi người có xu hướng giảm chi tiêu, mua sắm. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8 giảm hơn 10% so với tháng trước. Tính chung cả 8 tháng, mức giảm khoảng 6,2%.

    "Sau nhiều tháng giãn cách xã hội, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng mua sắm theo cách khác, thận trọng hơn và định vị lại những gì thực sự cần thiết với họ", ông Nam cho biết. Một nghiên cứu do hãng tư vấn toàn cầu McKinsey & Company thực hiện cho thấy, người Mỹ chi tiêu ít hơn 50% so với bình thường cho hàng may mặc và điện tử tiêu dùng sau thời gian giãn cách.

    Lê Hoàng Vy, 28 tuổi, chủ một cửa hàng quần áo trẻ em ở quận Bình Thạnh, TP HCM thừa nhận "dịch khiến người ta không có nhu cầu mua bán gì hết". "Doanh thu giảm 70% so với trước dịch, dù cũng đẩy mạnh quảng cáo hay bán online", Vy cho biết và dự báo sắp tới sức mua cũng chưa tăng trở lại vì mọi người mới đi làm lại, có nhiều nhu cầu thiết yếu hơn là quần áo.

    Chị Dương Thủy, ở huyện Nhà Bè, TP HCM đang nấu ăn tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Chị Dương Thủy, ở huyện Nhà Bè, TP HCM đang nấu ăn tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Xu hướng giảm chi tiêu, mua sắm thận trọng còn phát sinh bởi việc giá cả các mặt hàng chưa ổn định do nguồn cung bị xáo trộn trong thời dịch bệnh, theo tiến sĩ Nam.

    "Nhà mình không bị giảm thu nhập nhưng tiền thức ăn hàng ngày đã tăng 30% đến 40% trong vài tháng qua", chị Dương Thủy, 35 tuổi, sống tại huyện Nhà Bè, TP HCM cho biết. Chính vì giá cả thị trường bất ổn khiến chị phải cắt giảm chi tiêu, cân đo đong đếm từng chút một.

    Bí quyết mua sắm trong thời điểm "chi tiêu phòng thủ" này của chị Thủy là chọn những thứ cảm thấy muốn mua, bỏ vào giỏ hàng trên app thương mại điện tử nhưng không thanh toán ngay mà đợi vài ngày sau xem lại. "Lúc đó mình sẽ nhận ra có những món không cần thiết nữa, xóa đi và chỉ còn lại món thực sự cần", nữ nhân viên ngân hàng tiết lộ.

    Tâm lý sau đại dịch cũng là nguyên nhân dẫn tới xu hướng giảm chi tiêu của người dân. Theo chuyên gia Phạm Khánh Nam, thái độ và nhận thức về rủi ro ảnh hưởng rất lớn đến hành vi tiêu dùng. "Trước đây họ có thể không sợ, nhưng sau khi chứng kiến những cú sốc lớn, dịch bệnh và chết người, khi thu nhập khả dụng giảm cùng tâm lý sợ hãi tăng, người ta có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn", ông Nam cho biết. Ngoài ra, một trong những yếu tố tâm lý phổ biến ảnh hưởng đến thói quen mua sắm sau đại dịch là sự thiếu kiên nhẫn, không muốn nhìn xa, không quan tâm đến những mặt hàng lâu bền.

    "Vì tương lai không biết trước, nên người ta sẽ giảm chi tiêu lâu dài", tiến sĩ cho biết.

    Chị Dương Thủy cũng là một trường hợp thay đổi ý thức về tiết kiệm sau khi trải qua nỗi sợ hãi về dịch bệnh. "Khi trải qua biến cố hết tiền, bạn sẽ tự động hiểu được tầm quan trọng của tiết kiệm", Thủy nói. "Những tháng dịch bệnh, giá cả đắt đỏ, nhiều khoản chi tăng lên. Gia đình tôi còn phải trả nợ ngân hàng 8,5 triệu đồng hàng tháng. Khi lâm cảnh kẹt tiền, xoay xở khó khăn, tôi đã thức tỉnh".

    Từ tháng 9, chị Thủy bắt đầu lập kế hoạch tiết kiệm. Ngày nhận lương, chị bỏ một khoản vào sổ tiết kiệm online dưới dạng gửi góp, "tuyệt đối không động đến". Chị khống chế mức chi tiêu hàng tháng, nếu dư, tiếp tục lại cất vào sổ. Những khoản chi tiêu lâu dài, vợ chồng chị Thủy cũng thống nhất trì hoãn.

    "Trước đây có tiền thưởng thì muốn đổi điện thoại, hoặc sắm sửa đồ nội thất cho xịn hơn. Nhưng dịch xảy ra, thấy không cần nữa, phải có một khoản dự phòng lỡ ốm đau còn lo được", Thủy nói.

    Nhiều tiểu thương trong chợ Bến Thành đã phải đóng các sạp hàng vì ế ẩm, ngày 27/3. Ảnh: Quỳnh Trần

    Nhiều tiểu thương trong chợ Bến Thành đã phải đóng các sạp hàng vì ế ẩm, ngày 27/3. Ảnh: Quỳnh Trần

    Tiến sĩ Phạm Khánh Nam dự đoán bức tranh về tình hình mua sắm, tiêu dùng của người Việt Nam sẽ chưa thể thay đổi nhiều, trong ít nhất 6 tháng tới. "Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, các chính sách có thể thay đổi liên tục. Xu hướng chi tiêu của người dân phụ thuộc vào hành trình mở cửa của nền kinh tế, nên điều đó khó hồi phục lại một sớm một chiều", ông nói.

    Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng nếu dịch bệnh kết thúc, kinh tế sáng sủa hơn, thì hành vi tiêu dùng cũng sẽ thay đổi theo hướng tích cực.

    "Những yếu tố tâm lý tác động đến hành vi mua sắm, đều là tâm lý ngắn hạn. Thực ra con người ta rất dễ quên, dù sợ rủi ro thay thiếu kiên nhẫn, cũng chỉ là tâm lý nhất thời. Khi mọi thứ trở lại bình thường, họ sẽ trở lại thói quen cũ", ông Nam cho biết.

    Tại căn hộ chung cư ở phường Trường Thi, TP Vinh, Nguyễn Khanh thở dài khi nhìn những chai, lọ mỹ phẩm thi nhau hết cùng lúc. "Bây giờ thì một tuýp kem chống nắng giá 300.000 đồng cũng phải đắn đo", cô nói.

    Khanh vẫn hy vọng sớm được trở lại với những ngày "tiêu xài thả ga". Ông xã đã đi làm sau 4 tháng thất nghiệp. Học sinh thành phố cũng sắp được đến trường.

    "Mình vẫn mơ ước về một bộ mỹ phẩm chăm sóc da 18 triệu. Có lẽ năm sau mình sẽ mua được", Khanh nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/that-lung-buoc-bung-thoi-covid-19-4366313.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ