Lối thoát cho già hóa dân số ở Trung Quốc

05:00' 09-10-2021
Bà Pan Guoli, 71 tuổi đã nghỉ hưu hơn 10 năm, nhưng trong khu phố của mình, bà được coi là nguồn lao động hoàn hảo.


    Quận Hồng Kiều, phía tây Thượng Hải, là một trong nhiều siêu đô thị của Trung Quốc đang phải vật lộn với dân số già. Các quan chức địa phương đang khai thác một lực lượng lao động mới để giảm bớt gánh nặng trong việc chăm sóc người cao tuổi. Họ là những người "trẻ" như bà Pan.

    Chính phủ đã chia cư dân cao tuổi thành hai nhóm: "người cao tuổi trẻ" từ 60-75 và "người cao tuổi già" trên 75 tuổi và khuyến khích những người trẻ hơn chăm sóc hàng xóm già của họ.

    Bà Pan hướng dẫn những người lớn hơn mình sử dụng máy thể dục ngày 19/8. Ảnh: Sixthtone

    Bà Pan (áo hồng) hướng dẫn những người lớn tuổi hơn mình sử dụng máy thể dục ngày 19/8 tại Trung tâm chăm sóc người già ở Hồng Kiều. Ảnh: Sixthtone

    Bà Pan bắt đầu làm việc tại một phòng tập thể dục gần nhà, giúp những người già sử dụng máy móc. Nhiều "người cao tuổi trẻ" khác làm nhiệm vụ trong lớp học máy tính hay hỗ trợ người già hơn đến các cuộc hẹn với bác sĩ...

    Mô hình được gọi là Ngân hàng Thời gian, bước đầu thành công trong thử nghiệm tại địa phương. Nó có thể sớm được triển khai trên toàn quốc, khi đất nước này phải đối phó với những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.

    Bốn thập kỷ áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình hà khắc đã khiến Trung Quốc trở thành một trong những xã hội già hóa nhanh nhất thế giới. Hiện đây là nơi sinh sống của hơn 264 triệu người từ 60 tuổi trở lên và con số này dự kiến tăng lên 402 triệu vào năm 2040.

    Các dịch vụ chăm sóc xã hội ở nhiều thành phố đã quá tải. Một thập kỷ trước, các cuộc khảo sát cho thấy Thượng Hải thiếu hơn 500.000 lao động giúp việc gia đình và vấn đề chắc chắn đã tồi tệ hơn. Chính quyền địa phương cam kết cung cấp thêm hàng nghìn giường trong viện dưỡng lão vào năm 2022, nhưng cầu vượt quá xa cung. Các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra một loạt chính sách để giảm bớt áp lực nhưng hiệu quả rất hạn chế.

    Giờ đây họ đang chuyển sang dự án Ngân hàng Thời gian để ứng phó với dân số già ngày càng tăng, theo Chen Tibiao, phó giáo sư tại Khoa Kinh tế và Quản lý của Đại học Sư phạm Hoa Đông.

    Khái niệm Ngân hàng Thời gian được phát triển bởi giáo sư luật người Mỹ Edgar Cahn vào những năm 1980 khuyến khích công dân thực hiện dịch vụ cộng đồng để đổi lại vật phẩm hoặc dịch vụ. Hơn 20 quốc gia áp dụng mô hình này. Trung Quốc nhắm đến việc sử dụng nó theo một cách rất cụ thể: thúc đẩy người cao tuổi hỗ trợ những người già hơn họ.

    "Việc người già chăm sóc người già yếu hơn chủ yếu giải quyết hậu quả chính sách kế hoạch hóa gia đình gây ra", Chen nói.

    Trung Quốc triển khai mô hình Ngân hàng thời gian để giảm tải áp lực già hóa dân số. Ảnh: Sixthtone

    Trung Quốc triển khai mô hình Ngân hàng Thời gian để giảm tải áp lực già hóa dân số. Trong ảnh những người cao tuổi tập thể dục tại Trung tâm người cao tuổi ở Hồng Kiều ngày 19/8. Ảnh: Sixthtone

    Ý tưởng này đã được Bộ Nội vụ Trung Quốc đưa ra năm 2018 và yêu cầu thí điểm trước khi được nhân rộng trên toàn quốc. Kể từ đó nhiều địa phương đã áp dụng.

    Quận Hồng Kiều của bà Pan thử nghiệm vào năm 2019. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không đơn giản. Sau hai năm ở đây chỉ có 164 người đăng ký. "Một số người nói rằng họ không cần một dịch vụ như vậy. Họ muốn làm mọi thứ một mình", Zhao Chen, lãnh đạo ở một tiểu khu cho biết.

    Bất chấp những chính sách khuyến khích của chính quyền, những "người cao tuổi trẻ" chủ yếu xem công việc này là một hình thức từ thiện. Việc tiết kiệm thời gian để dùng trong tương lai không phải là điểm thu hút họ.

    Bà Pan thích công việc này vì đam mê thể dục. Ngay khi biết đến hình thức này đầu năm nay bà đã đăng ký. Khi phóng viên đến, bà đang giúp một người ngoài 80 tuổi tập dùng máy. Người phụ nữ 71 tuổi này đã kiếm được khá nhiều "xu thời gian" nhưng không có ý định sử dụng. Lợi ích chính của công việc là giúp bà khỏe mạnh. "Tôi chủ yếu muốn cho đi, nhưng cũng có thể nhận được trợ giúp miễn phí nếu tôi cần trong tương lai", bà nói.

    Các quan chức thừa nhận có những lý do chính đáng khiến hầu hết người dân không mặn mà với "xu thời gian". Họ thường không thể sử dụng sau nhiều năm. Các xu chỉ có thể sử dụng ngay tại địa phương. Tệ hơn, những người ủng hộ dự án lo lắng rằng các thành viên có thể gặp khó khăn để đổi tiền của họ trong tương lai nếu thiếu tình nguyện viên "người cao tuổi trẻ". Vì thế họ đã phải hạn chế số lượng xu mà thành viên có thể kiếm được mỗi ngày.

    Một số người ủng hộ cho biết rằng giải pháp này nếu triển khai rộng khắp Thượng Hải sẽ thu hút hơn. Zhao nói: "Chúng tôi thực sự hy vọng những đồng tiền của Ngân hàng Thời gian có thể giống như những tiền ngân hàng phát hành. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng dự án có thể được mở rộng ra toàn quận, rồi toàn thành phố".

    Ví dụ ở Nam Kinh, cách Thượng Hải khoảng 300 km, đã tạo ra một hệ thống Ngân hàng Thời gian trên toàn thành phố vào tháng 10 năm ngoái và dự án dường như đã thành công. Chỉ sau 4 tháng, Ngân hàng Thời gian của Nam Kinh đã có hơn 45.000 người dùng đã đăng ký.

    Tuy nhiên theo Cai Jun, người sáng lập Fanglin Time Bank, Trung Quốc nên học hỏi Nhật Bản, quốc gia đã sử dụng các hệ thống tương tự trong nhiều thập kỷ. Lần đầu tiên chính phủ Nhật khởi động một dự án giống như Ngân hàng Thời gian để khuyến khích người dân hỗ trợ lẫn nhau sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Đến năm 1994, họ tạo ra một chương trình Ngân hàng Thời gian khác để giúp giảm thiểu những thách thức của xã hội đang già đi.

    Một phần lớn thành công chương trình Nhật Bản bắt nguồn từ thực tế là những tình nguyện viên cũng được đào tạo bài bản như điều dưỡng, nhờ đó đảm bảo được dịch vụ chất lượng cao và xây dựng được lòng tin với hệ thống. "Các tình nguyện viên cần hiểu nhu cầu về thể chất và tâm lý của người cao tuổi. Tất cả những điều này đòi hỏi phải được đào tạo", Cai nói.

    Quan chức Hồng Kiều cố gắng kiểm soát dịch vụ bằng cách yêu cầu "người cao tuổi già" viết đánh giá, song đa phần họ gặp khó khăn sử dụng internet nên phải gặp trực tiếp hoặc nói chuyện qua điện thoại. Theo Zhao, hầu hết họ hài lòng với các dịch vụ được nhận. Một trong những yêu cầu phổ biến nhất của họ là được "người cao tuổi trẻ" đến thăm thường xuyên hơn. "Nhưng chúng tôi nghĩ những tình nguyện viên có cuộc sống riêng của họ. Mỗi tuần một lần có vẻ thích hợp", Zhao nói.

    Chen Wenhua trả lời các câu hỏi của một cư dân địa phương khi làm lễ tân ở trung tâm người cao tuổi Hồng Kiều, ngày 19/8. Ảnh: Sixthtone

    Tình nguyện viên Chen Wenhua trả lời các câu hỏi của một cư dân địa phương khi làm lễ tân ở trung tâm người cao tuổi Hồng Kiều, ngày 19/8. Ảnh: Sixthtone

    Bất chấp tất cả những thách thức này, các thành viên của Ngân hàng Thời gian ở Hồng Kiều nhấn mạnh, dự án đã làm phong phú cuộc sống của họ. Chen Wenhua, 79 tuổi, đã sử dụng hệ thống này được hai năm, cho biết nó đặc biệt hữu ích vì bà sống một mình và các con thường không có thời gian đến thăm. "Kể từ khi tham gia dự án, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Các con tôi cũng thấy nhẹ nhõm vì chúng luôn lo tôi cô đơn", bà nói.

    Mỗi tuần, bà Chen làm lễ tân tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi của Hồng Kiều. Sau giờ làm bà thường ở lại và ăn tối với những người lớn tuổi khác trong căng tin của trung tâm. Bà kiếm thêm "xu thời gian" bằng việc đặt cơm căng tin cho các thành viên khác.

    "Trong tương lai, tôi có thể cần ai đó làm điều đó cho tôi. Sự tương trợ này giúp những người hàng xóm xích lại gần nhau hơn, vì vậy các con tôi không phải lo lắng nữa", bà nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Braybrook College Vùng: Braybrook. Phone: 9312 2900
Xem thêm

Trường có ó uy tín về chất lượng đào tạo học sinh.


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/loi-thoat-cho-gia-hoa-dan-so-o-trung-quoc-4367924.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ