Xóm trọ - Một góc Hà Nội

17:00' 26-09-2021
Dịch bệnh không ai mong muốn, cũng không ai có thể tránh khỏi sự phiền toái mà nó mang lại. Tôi cứ nghĩ vu vơ: “Biết đâu đây là thử thách, một cuộc sống mới dành tặng cho chính bản thân mình”.


    Nếu quay trờ về 3 tháng trước đây, tôi luôn được đón chào bằng ánh bình minh ban mai, tiếng sóng biển, hay là những bước chạy dài trền bờ đê thì nay tôi thức dậy bằng sự uể oải, lừ đừ, vớ vội lấy chiếc điện thoại để lướt xem bao nhiêu người mắc COVID trong sáng ngày nay.

    Đúng! Tôi đã mắc kẹt lại Hà Nội tròn đúng 3 tháng, điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến.Và rồi… điều viển vông này lại ập đến một cách bất ngờ mà không được định sẵn trước.

    Chẳng riêng gì tôi, khu trọ mà tôi đang ở nhờ lại có 5 cô cậu sinh viên rơi vào tình cảnh như tôi. Họ cũng khát khao được về bên vòng tay ba mẹ, về lại mái ấm mà có lẽ đêm nào họ cũng nghĩ về vào một ngày không xa. Tiếng thở dài với cụm từ “chán - mệt”, “Khi nào được về đây” luôn là câu cửa miệng khi mà chúng tôi đi sang phòng người này, người kia tám chuyện. Chúng tôi luôn vỗ về, an ủi nhau để không một ai bỏ rơi lại một mình trên mảnh đất Thủ đô này, đôi khi chỉ là cái bánh hay là hạt đậu phộng cùng đem ra lai rai và nghĩ về một ngày xa xăm được sách balo trên vai chào tạm biệt tại cánh cổng sắt khu trọ này.

    “Nay Thứ 6 phải không mày?”

    “Nhanh đấy, nhưng nay mới tuần đầu cho lượt giãn cách lần 2” - Tiếng thằng K, đứa bạn thân tôi ở đầu ngõ mới vừa đi chợ về.

    Ái chà, tôi đành tạm biệt mẹ qua màn hình điện thoại và chúc mẹ ở quê phải giữ gìn sức khỏe để nhảy xuống xem tối nay, tôi được thưởng thức cao lương mỹ vị gì? Ừ. Đúng là những thứ cao sang, chỉ ai ở trong hoàn cảnh tách biệt gia đình mới thấu hiểu. Nào là “bánh kem lướt ván” (Đậu phụ), “giò heo tẩm bột sốt chua ngọt” (Chả mỡ xào cà chua), “hoa vàng trên cỏ xanh” (Rau cải luộc) để miêu tả bữa ăn của sinh viên đang chắt chiu, tiết kiệm từng li từng tí một trong thời gian dịch bệnh này. Chỉ từng đấy nguyên liệu, cũng chẳng phải cao quý gì nhưng mà chúng tôi đều cảm thấy “đặc biệt”, đôi khi ngon đến lạ thường. Có thể không được nhiều, không được tươi, và nhiều cái không được… nhưng với tôi như vậy là đủ, là sang lắm rồi.

    Vậy đấy, thời gian này tôi biết ngoài kia nhiều gia đình đang gồng gánh lo từng bữa ăn giấc ngủ, là anh công nhân thất nghiệp 2 tháng nay đang gặm vội chiếc bánh mì trong ngày, hay là người mẹ nhịn ăn để dành sữa cho đứa con thơ… cảnh thiếu ăn, đói đủ đường cho những thân phận đang rơi vào cảnh cơ cực. Biết bao giờ mới nhìn thấy đôi môi họ mỉm cười trở lại, có hay là chỉ trông chờ vào 1 ngày được quay về như trước kia.

    Hà Nội đang chuyển mình sang Thu – nhưng vẫn còn nắng gắt. Mỗi buổi chiều, tôi lại có thú vui ra đứng ngoài sân, bên cạnh cánh cổng sắt đã hoen rỉ dần theo năm tháng. Ngước mắt lên ngắm nhìn bầu trời vẫn còn trong xanh, mặc cho những ánh nắng đang phản chiếu vào mặt tôi để làm cho tinh thần thật phấn chấn, thoải mái. Ở trong căn phòng kín mít 3 tháng nay, tôi chỉ biết làm bạn với laptop, cái gối và một ít sách để giết chết thời gian chờ ngày được giãn cách.

    Chúng tôi mỗi đứa có chuyện vui, việc làm riêng: tôi là đứa láo nháo trong nhiều việc khác nhau, thì thằng K lại là đứa bình yên nằm hóng chờ những tập “phim” ra muộn, vẻ mặt đầy háo hức của nó khiến tôi luôn phì cười cho sự háo hức kia. Lâu lâu cái N tầng trên xuống chơi, cậu ta cũng ở đây 3 tháng rồi chẳng hơn gì tôi nhưng trông vẫn còn yêu đời chán. Chúng tôi lại nằm ưỡn dài trên giường, nghe tiếng cọt kẹt của thành giường làm xao động khung cảnh tĩnh mịt cuối chiều. 3 thằng lại nghĩ về những ngày tốt đẹp trước đây như chưa từng có chuyện gì xảy ra, rồi lân la hết chuyện nọ sang chuyện kia. Có vẻ bình yên đấy, nhưng không bình yên chút nào!

    Bất chợt tiếng mời chào thân thương của cô chủ trọ vang lên:

    “Chúng bay đâuuuuuuuuuuuu?? Ra tập thể zục nào,1…2…3… lại nào”

    “Nhanh cái chân lên hộ cô, mấy cái đứa này” - “Ôi trông xem kìa, sức trẻ mà trông rõ là chán”

    Chuẩn. Đến giờ này chẳng khác gì người mẹ đang gọi chúng tôi đang còn mải chơi, để về ăn cơm như lúc bé. Với tinh thần, khẩu hiệu “Rèn luyện thể chất - Bật con COVID” do cái N đề xướng thì chúng tôi đã miễn nhiễm tiếng gọi thân thương kia. Ba đứa đành bật dậy để hóa thành những vũ công chuyên nghiệp trên nền nhạc Opera thính phòng. Cô và 2 đứa kia thi nhau nhảy dây, còn tôi đứng quan sát cổ vũ họ một cách cuồng nhiệt, dù họng tôi không được tốt đêm nào cũng phải rát hết cổ sau mỗi lần hò. Biết là vậy, nhưng thôi cũng kệ hòa chung nhịp đập trong dòng chảy thể thao nên đôi khi phải từ bỏ cái khuyết điểm để chung vui hòa mình với đời. Sân để xe máy nay thành khu thể chất bất đắc dĩ, và sân chơi này giờ đây đã sản sinh ra bao tài năng giờ tôi mới kịp chứng kiến:

    Thằng K nó có thể nhảy 400-500 cái, với tốc độ nhanh như cắt. Nước mắt tôi đầm đìa, Olympic 2020 vừa mới kết thúc không lâu nhưng họ đã bỏ sót còn 1 huy chương Vàng ở đây chưa được trao tặng.

    Thằng N - “Tại sao lắc được hông trên không với số đo 98?”. Thật là ảo diệu, nó có thể lắc mà không đánh rơi một nhịp nào. Tôi thử cố lắc theo nó nhưng khung xương tôi không cho phép nên vừa lắc, hông tôi lại lên tiếng để bảo vệ thân chủ tôi.

    Và cuối cùng đến lượt cô chủ trọ,một phen hú hồn khiến tim tôi thót ra ngoài. Để miêu tả cho nét đẹp khi cô vừa mới hạ chân xuống nền gạch bê-tông, cho tôi xin phép dùng mĩ từ “Thiên Nga”. Nếu như đó là tôi vào trường hợp đó, thì tôi có thẻ xòe lúc nào không hay nhưng với cô, cô hạ một cách điêu luyện. Ba chúng tôi há hốc mồm, khi với độ tuổi trên 50 cô có thể hạ người và kết thúc màn biểu diễn một cách tuyệt mỹ. Dù cô nhảy không được nhiều, nhưng chúng tôi thán phục cô về kỹ thuật nhảy đan chéo và 1 chân đan xen nhau. Nhìn lại bản thân mình, tôi chỉ rón rén vào uống một ngụm nước lau nhanh giọt mồ hôi vẫn còn chảy ròng trên trán. Bước đi tôi chậm lại, bẽn lẽn trong tiếng hò cộng thêm hành động vỗ tay xem đó như là 1 tài năng không hề kém cạnh với mọi người. Kết thúc một buổi chiều đầy nên thơ, đậm chất trữ tình nhưng cũng không kém phần náo nhiệt, rộn ràng.

    Dịch bệnh không ai mong muốn, cũng không ai có thể tránh khỏi sự phiền toái mà nó mang lại. Tôi cứ nghĩ vu vơ: “Biết đâu đây là thử thách, một cuộc sống mới dành tặng cho chính bản thân mình”. Tính cách tôi phóng khoáng nên những chuyện gì đã và sắp sẽ xảy ra, tôi đón nhận một cách bất ngờ biến nó thành những điều tích cực nhất.

    “Xóm trọ” đã cho tôi cảm nhận được tình người với người, sự động viên an ủi là cách để chiến thắng vượt qua giai đoạn này. Chúng tôi vẫn hướng về những điều phía trước, vẫn mong chờ đến ngày giãn cách, vẫn mong trở về bên gia đình nhỏ. Nhưng dù có thể nào, chúng tôi vẫn can đảm để đối diện với thực tại đang còn hiện hữu xung quanh mình. Tôi tin rằng: Sự đồng lòng đoàn kết của tất cả mọi người chính là cách đẩy lùi dịch COVID một cách hiệu quả, nhanh chóng. Ngày mai chính là chuỗi ngày tươi đẹp phía trước, rồi sẽ đến 1 ngày chính “Tôi và những người bạn của tôi sẽ ôm nhau cùng những cái bắt tay vội kịp cho chuyến xe đã mong đợi từ lâu…”.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?
Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from BLOGRADIO.

Original source can be found here: https://blogradio.vn/xom-tro-mot-goc-ha-noi-nw233722.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ