Vô số lùm xùm quanh chương trình rap dành cho trẻ em
Hầu hết khán giả cho rằng việc tổ chức cuộc thi rap cho độ tuổi nhí là không phù hợp. Bên cạnh đó, cách đơn vị sản xuất trả lời những thắc mắc của dư luận trên fanpage chính thức khiến khán giả chỉ trích, tẩy chay chương trình này.
Vô số lùm xùm quanh chương trình
Thành công của 2 chương trình King of Rap và Rap Việt đưa văn hóa hip hop đến gần hơn với khán giả. Công chúng đón nhận các bản nhạc rap, thậm chí yêu thích và đưa chúng lên top thịnh hành. Nhưng điều đó không có nghĩa họ đồng tình khi có một chương trình rap dành cho thí sinh nhí.
Bản chất của rap là nói lên suy nghĩ, quan điểm cá nhân một cách thẳng thắn, gai góc về nhiều vấn đề trong cuộc sống, tình yêu, thực trạng xã hội… Phần nhiều các bản rap ở Việt Nam viết về sự trải đời khi đối mặt với những góc khuất tối tăm của cuộc sống. Xem xét lịch sử phát triển và đặc trưng của rap, công chúng thắc mắc thí sinh nhí sẽ rap về điều gì. Trải nghiệm cuộc sống hay tình yêu? Dù chủ đề gì thì rap cũng là lĩnh vực khó phù hợp với đối tượng trẻ em còn thơ ngây, thiếu sự từng trải.
Hình ảnh của thí sinh trong buổi casting. Ảnh: BTC. |
“Suy nghĩ của trẻ em vẫn chưa đủ để có thể nhìn nhận kỹ càng và thấu hiểu hết các vấn đề. Nếu có thì đó chỉ là trẻ em được xem và nghe trên mạng nên bắt chước. Nếu các bạn thấy rap đang nổi mà tổ chức một chương trình cho trẻ em là hoàn toàn sai. Nó không chỉ làm thay đổi suy nghĩ đơn giản, hồn nhiên của trẻ mà có thể khiến trẻ lầm tưởng về đam mê của bản thân và có cái nhìn không đúng về rap”, một khán giả bình luận.
Lo lắng của khán giả không khó hiểu bởi lâu nay rap thường gắn liền hình ảnh gai góc, khá ngông nghênh, ngôn từ phóng khoáng, thậm chí dung tục, bạo lực. Trong buổi casting đầu tiên của Rap Kids, một thí sinh đã thể hiện ca khúc Anh em tao. Ngay từ tiêu đề, bài rap đã bị đánh giá là không phù hợp với trẻ em. Theo dõi nội dung thí sinh này thể hiện, khán giả càng tức giận và phẫn nộ.
Thực tế việc đưa rap lên truyền hình vốn đã là một thách thức. Chưa kể thí sinh nhí mà ngay cả rapper lâu năm cũng cảm thấy áp lực. ICD - quán quân King of Rap - cho biết điều khiến anh khó khăn nhất chính là việc viết lời trên truyền hình. Nhà sản xuất King of Rap là Addy Trần cho biết thậm chí có nhiều thí sinh đã muốn bỏ cuộc vì phải tuân theo các khuôn khổ của một cuộc thi, đặc biệt là lyrics. Chính vì lẽ đó, khán giả càng lo lắng về những áp lực mà đối tượng thí sinh là trẻ em sẽ phải đối mặt khi đến với cuộc thi này.
Ban tổ chức chương trình càng khiến tranh cãi bùng nổ bởi cách trả lời trên fanpage chính thức. Admin liên tục viết tắt, sai chính tả hay tên của rapper nổi tiếng Snoop Dogg. Thậm chí, ê-kíp sản xuất đáp trả những khán giả phản đối chương trình. Công chúng đánh giá hành động này thiếu chuyên nghiệp và giống đang tạo chiêu trò để gây chú ý.
Rap Kids còn bị cho là đang ăn theo King of Rap và Rap Việt một cách bất chấp. Dựa vào độ hot đang có của thể loại âm nhạc hip hop để sản xuất phiên bản nhí hòng kiếm "rating" và lợi nhuận từ quảng cáo được xem là điều không thể chấp nhận. Nhiều khán giả cho rằng, nhà sản xuất đang lợi dụng trẻ em cho phiên bản "kids" của rap.
Nhà sản xuất nói gì?
Trả lời những thắc mắc của khán giả với Zing, đơn vị sản xuất chương trình Rap Kids cho biết: “Thể loại nhạc rap đang ngày càng hot, việc em nhỏ tiếp xúc với rap là không thể tránh khỏi, đặc biệt các bài rap của anh chị lớn có ca từ không phù hợp với lứa tuổi. Do đó chúng tôi muốn thông qua chương trình Rap Kids định hướng cho các em theo một hướng đi phù hợp hơn và tạo ra những ca khúc thực sự thuộc tuổi của các em”.
Về trường hợp thí sinh nhí rap bài Anh em tao bị đánh giá không phù hợp độ tuổi, đơn vị giải thích: “Các ca khúc trong vòng casting là do thí sinh tự lựa chọn. Với những bài thi có nội dung như thế, chúng tôi cũng không chọn để đi tiếp vào vòng trong”.
Đại diện cho biết thêm: “Chúng tôi đã có ê-kíp chuyên môn để kiểm tra các bài hát từ ý tưởng, nội dung đến lyrics nhằm đảm bảo phù hợp với lứa tuổi, văn hóa và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Các bài có lyrics không phù hợp sẽ bị thay thế ngay lập tức và không được cho thi. Về mặt nội dung cụ thể, hiện tại chúng tôi chưa thể tiết lộ vì liên quan đến kịch bản của chương trình”.
Bất chấp tranh cãi, ê-kíp sản xuất quyết định casting đợt 2 vào ngày 22/11 tới. Theo đơn vị thực hiện, chương trình lên sóng một kênh truyền hình vào tháng 12 tới.
Phản hồi ý kiến cho rằng chương trình muốn gây tranh cãi để tăng thêm sự chú ý, đại diện nói: “Chúng tôi không lo lắng bị ảnh hưởng vì sự chỉ trích hay các anti-fan, bởi rap là thể loại âm nhạc thể hiện cá tính và quan điểm riêng của từng người. Nhiều người cho rằng rap không phù hợp với trẻ em do các em chưa trải đời nên việc vấp phải những chỉ trích là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ muốn khán giả hiểu rap có rất nhiều chủ đề, nội dung”.
Trước những câu hỏi về Rap Kids đang ăn theo độ hot của Rap Việt và King of Rap, việc BTC đang bị chỉ trích dữ dội vì lợi dụng trẻ em cho một chương trình chạy theo lợi nhuận, nhà sản xuất từ chối bình luận.
Đơn vị sản xuất tiếp tục casting vào ngày 22. |
Cee Jay là một giáo viên dạy tiếng Anh được mời đảm nhận vai trò giám khảo. Cee Jay cho biết chương trình nhận được 1.500 đơn đăng ký. Chia sẻ về vòng casting gây tranh cãi, Cee Jay nói: “Qua vòng casting, tôi cũng rất bất ngờ. Tôi từng phân vân trẻ con 5-15 tuổi làm sao có thể hiểu biết về rap. Thế nhưng, chúng tôi đã chọn được 45 thí sinh từ 100 bé trong buổi casting đầu tiên. Có nhiều thí sinh đáng yêu dù kỹ năng rap chưa hoàn chỉnh.
Tôi cũng là phụ huynh, do đó, tôi hiểu nhiều người sẽ ý kiến về chương trình. Tuy nhiên, thí sinh yêu rap chứ không phải do bố mẹ bắt ép. Có một bạn, khi rap sử dụng từ ngữ tục tĩu hoặc không phù hợp, chúng tôi đưa ra lời khuyên và loại luôn” - Cee Jay cho biết.
Cee Jay ghi nhận trong buổi casting, các thí sinh sử dụng 90% là hát lại một số bài đã có trên mạng. Rất ít bạn tự sáng tác. Một số sáng tác nhưng có bố mẹ hỗ trợ.
Trước câu hỏi “Tiêu chí của chương trình là gì?”, Cee Jay nói: “Tôi không dám nói tôi hiểu rõ tiêu chí của chương trình. Tôi chỉ đóng vai trò đánh giá kỹ năng rap (tiết chế cảm xúc, tự tin, thông điệp truyền tải là gì) và biểu diễn của các bạn”.
Về những câu hỏi liên quan đến việc chương trình đang bị phản ứng dữ dội, bị cho rằng ăn theo bất chấp và lợi dụng các em bé để kiếm lợi nhuận từ quảng cáo, Cee Jay từ chối bình luận.
Cee Jay là một YouTuber người Nigeria. Anh định cư ở Việt Nam tới nay đã được 7 năm. Trước khi theo đuổi lĩnh vực sản xuất nội dung, Cee Jay là giáo viên dạy tiếng Anh cho 9 trường học tại Hà Nội. Anh cũng thường xuyên chia sẻ những bản rap tự sáng tác.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/chuong-trinh-rap-danh-cho-tre-em-bi-phan-ung-post1154813.html