Victoria: Tham vấn ý kiến người dân về việc cắt giảm số lượng ngựa hoang trong rừng Barmah
21:00' 11-04-2019
Hôm 5/4, một bản dự thảo kế hoạch chiến lược bốn năm nhằm ứng phó với nguy cơ ngập lụt tại các vũng đầm lầy thuộc khu vực rừng Barmah Forest Ramsar Site và Vườn Quốc gia Barmah đã được công bố.
Photo: ABC
Mục đích của bản dự thảo là kêu gọi người dân đóng góp ý kiến và đề xuất kế hoạch loại bỏ số lượng ngựa hoang từ 500 con xuống còn 100 con đến tháng Bảy năm 2023. Mục tiêu dài hạn mà bản dự thảo hướng đến là loại trừ hẳn loài động vật này ra khỏi khu vực.
Theo như nội dung bản dự thảo, những con ngựa hoang đang sinh sống tại công viên quốc gia chính là tác nhân gây hại chính cho thảm cỏ Moira ngập nước bản địa, khiến diện tích của thảm cỏ suy giảm chỉ còn 12% như hiện nay.
Cơ quan Quản trị Công viên Victoria (Parks Victoria) cho biết thảm cỏ Moira trong khu vực công viên đã suy giảm 90% trong vòng 80 năm qua và nếu không nhanh chóng hành động, đến năm 2016, thảm cỏ sẽ hoàn toàn biến mất khỏi khu vực.
“Thảm cỏ Moira suy giảm là vì các loài động vật, trước đây là gia súc, còn hiện giờ là ngựa, liên tục gặm nhấm và giẫm đạp lên cỏ. Trong số tất cả các loài động vật ăn cỏ được biết đến, ngựa được xem là loài động vật phá hoại nhất,” một người phát ngôn cho hay.
Theo kế hoạch dự thảo, việc cắt giảm số lượng ngựa hoang sẽ được thực hiện theo hình thức bắn hoặc bẫy và đem chúng đi đến một nơi sinh sống khác.
Tuy nhiên, ông Murray Willaton, Chủ tịch Nhóm bảo tồn Ngựa hoang Barmah nói rằng ngựa hoang không phải là tác nhân duy nhất phá hoại thảm thực vật ngập nước bản địa.
Ông cho biết 90% trên tổng diện tích 28 héc ta của công viên gần đây đều bị ngập lụt, buộc các loài động vật phải di tản đến các khu vực nhỏ trong công viên và nhiều loài phải đối mặt với cái đói vì không tìm được thức ăn.
“Họ đang cố gắng nói với công chúng rằng tất cả các vấn đề đều do ngựa hoang gây ra, trong khi đó tại cuộc họp, họ đã công nhận rằng thiệt hại lớn đến từ các đợt ngập lụt trái mùa,” ông nói.
Đáp lại phản biện này, Parks Victoria chỉ ra trong báo cáo rằng “những thay đổi về chế độ ngập lụt tự nhiên do điều tiết lượng nước trên sông” đã góp phần gây ra sự suy giảm cho thảm cỏ thực vật Moira trong công viên” và ngựa hoang đã làm cho vấn đề càng trở nên nghiêm trọng.
Theo ông Willaton, ngựa hoang đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên lịch sử của công viên. “Chúng có rất nhiều ý nghĩa đối với ngành nông nghiệp, chúng là di sản to lớn của chúng ta, và nếu chính quyền nghĩ rằng người dân ở vùng này sẽ ủng hộ và cho phép tiêu diệt hoàn toàn toàn bộ loài ngựa hoang này thì họ lầm rồi,” ông nói.
Giám đốc Sở Năng lượng, Môi trường và Biến đổi khí hậu bang Victoria, bà Lily D'Ambrosio, cho biết chính quyền đã tham vấn ý kiến của các bên liên quan trong khu vực trước khi bản dự thảo kế hoạch được công bố.
“Đây là một vấn đề quan trọng đối với rất nhiều người, đó là lý do vì sao chúng tôi sẽ tham vấn ý kiến thấu đáo và lâu dài, và điều quan trọng là mọi người phải đóng góp tiếng nói của mình đối với bản dự thảo kế hoạch này,” bà nói trong một phát biểu.
Bản dự thảo kế hoạch sẽ được mở để người dân đóng góp ý kiến cho đến ngày 30 tháng Năm năm 2019.
Thuc Nu - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)
Kết quả:
3.7
/
5
bầu chọn.
7 reviews.
Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from abc.com.au.