Vì sao người ta trả tiền để đến rạp la hét, sợ hãi, ám ảnh không dứt?

05:00' 01-11-2019
Người ta trả tiền để đến rạp la hét, sợ hãi, ám ảnh không dứt. Đó chỉ là một phần trong số những ‘niềm vui” mà phim kinh dị đem lại.


    Halloween đúng là khoảng thời gian tuyệt vời để thưởng thức các tác phẩm kinh dị. Thế nhưng trong khi có người sợ chết khiếp tới mức không bao giờ ra rạp xem phim ma, lại có những người dù... bị dọa cho dựng tóc gáy vẫn vui vẻ “cúng tiền” cho lần xem tới. Từ lâu phim kinh dị đã trở thành một món giải trí không thể thiếu trong cuộc sống con người. Một số dễ xem, dễ hiểu và dễ quên. Số khác gây chấn động sâu sắc và ở lại trong tâm trí chúng ta như những vết thương nhức nhối mỗi khi nhớ về.

    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 1.
    Chúng ta ghét cảm giác sợ hãi, nhưng mỉa mai thay, lại thích mê phim kinh dị. Tại sao người ta lại bỏ tiền ra để bị dọa chết khiếp, la hét đến khản cả cổ hoặc nhắm tịt mắt từ đầu tới cuối?
    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 2.
    Nghe thì có vẻ vô lý nhưng lại khá thuyết phục, hóa ra việc ngồi “đau khổ” trên ghế xem phim 2 tiếng lại có ích nhiều hơn bạn tưởng. Giống như chơi trò tàu lượn, phim kinh dị kích thích não bộ con người chuyển sang trạng thái “chiến hay là chết” thời nguyên thủy, giải phóng các hormone như dopamine, adrenaline và cortisol được coi là chất xúc tác cho cảm giác hạnh phúc.

    Hầu hết thời lượng phim khán giả sẽ phải co người lại, căng cứng các cơ bắp như một phản xạ tự nhiên phòng vệ trước các màn hù dọa trong phim. Chúng ta cảm thấy sợ bởi những sự đe dọa trên màn ảnh không khác nhiều những thứ ám ảnh ta hằng ngày: nỗi sợ chết, sợ bị bỏ lại, sợ rơi xuống vực, sợ bị ăn thịt... Đoạn kết khi các nhân vật được an toàn, ta thở phào, dưỡi người thư giãn và như một điều tất yếu thấy sảng khoái hơn hẳn. Còn gì tuyệt hơn cảm giác trở lại mặt đất sau những cú lộn nhào muốn... trào cơm?

    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 3.
    Thêm vào đó, phim kinh dị còn kích thích trí tưởng tượng của con người qua tạo hình và bối cảnh quái đản. Từ quái vật, ma quỷ cho tới zombie, chúng ta được đưa tới một thế giới hoàn toàn khác nơi con người bị tàn sát, phải trốn chạy hoặc phản kháng.

    Riêng dòng phim zombie vốn đã quá nổi tiếng, nhiều nhà phê bình cho rằng đây giống như thực tại giả lập khắc họa thế giới nơi các thể chế chính trị – xã hội sụp đổ (The Walking Dead) và mô phỏng hành vi của con người khi không còn bị ràng buộc về pháp luật, đạo đức nữa. Chứng kiến đồng loại, những con người bằng xương bằng thịt bỗng dung biến thành những sinh vật khát máu không biết suy nghĩ là ý tưởng gieo rắc nỗi sợ “hái ra tiền” mà Hollywood từ lâu đã tận dụng.

    Bên cạnh dòng phim zombie hài hoặc hành động, các tác phẩm kinh dị về zombie thực sự khiến người ta lạnh người khi chứng kiến dịch bệnh lan ra, biến bao người vô tội thành xác sống chỉ trong nháy mắt. Các bộ phim xuất sắc như 28 Days Later hay Train to Busan cho khán giả thời gian để hiểu và cảm thông với nhân vật, trước khi kết liễu họ bằng căn bệnh xác sống vô phương cứu chữa.

    Một thể loại phim kinh dị mà khán giả Việt Nam rất ưa chuộng là dòng phim về tâm linh, ma quỷ. Tín ngưỡng văn hóa người Việt từ lâu đã hình thành nên những truyền thuyết huyền hoặc, đặc biệt nhiều người còn tin vào cõi âm, linh hồn, chuyện đầu thai cùng những phong tục tâm linh thần bí. Vì thế, các phim lấy đề tài gọi hồn, ngoại cảm như Insidious, The Conjuring hay nhiều phim kinh dị tâm linh Thái Lan luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khán giả.

    Không chỉ các dự án nước ngoài mà điện ảnh Việt Nam trong 5 năm trở lại đây cũng đã manh nha khai thác chủ đề còn gây tranh cãi này. Đầu tiên phải kể đến bộ phim Đoạt Hồn của đạo diễn Trần Bảo Sơn ra mắt năm 2014, kế đó là một số tác phẩm tiêu biểu như Người Bất Tử, Thất Sơn Tâm Linh và Bắc Kim Thang khiến không ít người dựng tóc gáy khi ra rạp.

    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 4.
     
    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 5.
    Dù đã trấn an bản thân liên tục rằng những gì trên màn ảnh chỉ là phim, nhưng không ít trong số chúng ta vẫn không kìm lòng được mà hét ầm lên trong rạp. Đó là bởi sự kết hợp của các thủ thuật điện ảnh từ quay phim, diễn xuất, kịch bản cho tới cái chiêu ngày nay ai cũng dùng “Dựa Trên Câu Chuyện Có Thật”.

    Ánh sáng là thứ mà các nhà làm phim cực kỳ chú trọng. Các kỹ thuật khác nhau như uplighting, silhouette (chiếu bóng), spotlighting, underexposure (thiếu sáng), harsh light (ánh sáng mạnh), chiếu xuyên qua vật thể... được kết hợp tạo ra cảm giác bí ẩn, hồi hộp, căng thẳng cho người xem. Khác với ánh sáng tự nhiên của mặt trời từ trên xuống, nguồn sáng chiếu từ dưới lên trên để lại bóng tối trên khuôn mặt người bao giờ cũng khiến chúng ta cảm thấy bất an, gợi nhắc hình ảnh ánh sáng của địa ngục mở ra. Chẳng thế mà lũ trẻ hay chơi trò chiếu ngược đèn pin từ cằm lên mặt, khiến ai nấy nhìn vào đều phát khiếp.

    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 6.
    Những kỹ thuật chiếu sáng không hoàn toàn còn kích thích bộ não “tưởng tượng” ra cho đủ chân dung nhân vật trong bóng tối, kết qủa là các nhà làm phim để mặc người xem tự hình dung ra thứ trước mặt. Mà thường thì những thứ ta tưởng tượng ra lại chẳng đẹp đẽ gì cho lắm.
    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 7.
    Tương tự, các kỹ thuật quay mà đặc biệt là quay cận mặt (close-ups) được phim kinh dị “xài tới bến” nhằm bắt lấy những khoảnh khắc sợ hãi hoảng loạn nhất là trong đôi mắt của nhân vật. Một số phim kinh dị dùng đôi mắt để nói cho người xem biết nhân vật đã bị nhiễm bệnh (ký sinh trong mắt, mắt bị đổi màu, mắt mờ đục của người chết...) Qua đó, khán giả đồng cảm với nỗi sợ của các nạn nhân và cũng hoảng loạn theo. Phóng to từ một cảnh cận mặt sang cảnh cực cận đặc tả đôi mắt, khán giả chúng ta hiểu rằng bộ phim đang đi theo góc nhìn của cô gái/chàng trai ấy.

    Trong khi đó, quay phim xuyên qua vật thể hoặc các cú tracking shot (đi theo nhân vật) tạo ra cảm giác bất an, bị theo dõi. Quay từ trên xuống khiến nạn nhân trở nên nhỏ bé yếu ớt, dễ bị tổn thương. Quay từ dưới lên lại đem lại cảm giác mạnh mẽ, quyền lực thậm chí là lấn lướt đàn áp cho nhân vật. Các cảnh quay dài (long shot) lại cô lập nhân vật trong không gian rộng lớn, làm nổi bật sự cô đơn, ngờ vực.

    Những năm gần đây nổi lên các phim theo phong cách hand-held (máy quay cầm tay). Người xem phải trải qua hành trình chạy trốn đầy rung lắc và thậm chí nhân vật còn cố ý rơi máy quay, làm cho khán giả mù tịt mà phải nghe ngóng đoán xem chuyện gì đang xảy ra. Điều này khiến các bộ phim kinh dị thuyết phục người xem rằng họ đang chứng kiến một video tài liệu hơn là một phim điện ảnh, qua đó cảm giác sợ hãi ngày càng tăng lên. Hand-held cũng là một tuyệt chiêu tiết kiệm kinh phí cho nhà sản xuất phim kinh dị.

    Một trong những ví dụ đặc biệt thành công về phong cách này phải nhắc đến loạt Paranormal Activity, khi chỉ với chiếc máy quay cầm tay “cùi bắp” và vài diễn viên không chuyên, Blumhouse đã tạo nên thương hiệu có doanh thu tới 809 triệu USD.

    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 9.

    Các cảnh hù dọa (jump scares) từ lâu trở thành đặc sản của phim kinh dị nhờ hiệu quả tức thì đối với khán giả. Nhân vật đi dọc hành lang? Có ngay một xác người thì lình rơi vào mặt. Nhân vật cúi người xuống gầm giường? Một con ma từ đâu nhảy xổ ra kéo họ vào trong. Nhân vật ngồi trong ô tô và rồi nhìn vào gương chiếu hậu? Một giây sau họ thấy sát nhân ngồi lù lù ở băng ghế sau.

    Jump scare được sử dụng nhiều đến mức, chúng ta thậm chí còn đoán trước được điều gì sẽ xảy ra đối với nhân vật. Nhiều pha hành động ngu ngốc tới mức người xem chỉ biết kêu trời bởi bình thường chẳng ai làm vậy cả. Một nhóm thiếu niên chui vào nhà ma? Không vấn đề gì, hãy tách nhóm và từng người bị giết nào. Cô gái tóc vàng bị đuổi giết? Hãy chạy ngay lên tầng cao nhất và khóa cửa, biết chắc là tên sát nhân sẽ chạy lên cầu thang truy sát mình. Có dạo, các phim kinh dị trở nên dễ đoán tới mức người ta lập hẳn danh sách những điều “ngu người” mọi người hay làm trong phim kinh dị.

    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 11.
    Trong khi phim kinh dị lạm dụng jump scare vẫn được lòng khán giả, nhiều nhà làm phim đã tìm tòi nhiều hướng đi mới cải tiến cho dòng phim tưởng như chỉ để giải trí này. Tờ Vulture gọi đây là “phim kinh dị nghệ thuật” hay “kinh dị cao cấp”, chỉ các bộ phim được đầu tư khai thác nỗi sợ không đến từ sự hù dọa đơn thuần. Chúng là các dự án độc lập nhấn mạnh biểu hiện nghệ thuật, biểu tượng mang nặng dấu ấn của người làm phim. Nói chung, tính thẩm mỹ của phim kinh dị nghệ thuật thường được biểu hiện bằng các cảnh quay dài (long take), cảnh quay rộng, nhịp độ cụ thể và lựa chọn phim có chủ ý tạo ra cảm xúc phức tạp cho người xem chứ không đơn thuần chỉ là nỗi sợ. Get Out, Mother!, It Comes at Night, Hereditary, Suspiria, Midsommar hay sắp tới đây là The Lighthouse có thể không phải là những bộ phim gây sợ hãi nhất, nhưng chúng đi sâu vào tìm hiểu về tâm lý con người, mổ xẻ bản chất của nỗi sợ và khiến chúng ta phải suy ngẫm.

    Một trong những bộ phim kinh dị thành công nhất năm 2018 là Hereditary. Qua lăng kính của một gia đình đau đớn và mất mát, tác phẩm thực sự nắm bắt được nỗi kinh hoàng và cơn đau mất người thân. Bộ phim đưa tới một cảm giác khó chịu và lạnh người khi nhân vật người mẹ, Annie, vật lộn với cái chết tàn khốc và bi thảm của con gái Charlie. Trong khi đó, Annie vẫn đang phải đối mặt với cái chết của mẹ cô, một nhân vật quyền lực và là lãnh đạo một giáo phái satan. Tác phẩm đã tạo ra các nhân vật chân thực đến đáng sợ, nhấn mạnh vào mối quan hệ của họ và cách họ tương tác với nhau. Nỗ lực này rất khác so với một kịch bản của một phim kinh dị thông thường được làm ra chỉ để dọa dẫm khán giả.

    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 12.
    Phong cách làm phim cũng có nhiều sự thay đổi đột phá. Trong Midsommar, thay vì lấy bối cảnh u ám và đen tối như mọi phim kinh dị khác thì Ari Aster lại đưa nhân vật vào một thung lũng tràn đầy ánh nắng và hoa cỏ như quảng cáo nước xả vải. Thế rồi các nhân vật bắt đầu giết lẫn nhau, cứ thế bi kịch diễn ra ngay giữa ngôi làng Thụy Điển đẹp như thiên đường. Hay trong Get Out và Us, nhân vật chính là người da màu đạp lên quan niệm “anh da màu luôn chết đầu tiên” trong dòng phim kinh dị. Thay vì tìm kiếm các mối đe dọa bên ngoài (ma, quỷ, sát nhân từ đâu chạy tới), phim của Jordan Peele hướng ống kính tới các nhân vật chính và bảo họ rằng các người chính là mối đe dọa, rằng cô bạn gái xinh đẹp của các người là sát nhân, rằng chúng ta còn chẳng phải là mình.
    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 13.

    Thành công của vũ trụ điện ảnh Marvel đã khuyến khích cho nhiều hãng phim phát triển mô hình mở rộng và kết nối các phim trong tay. Một trong những ví dụ thành công của dòng phim kinh dị là vũ trụ The Conjuring của Warner Bros. Pictures. Xuất phát từ thành công của The Conjuring (2013) và Annabelle (2014), vũ trụ kinh dị này đã nhanh chóng phát triển qua các phần hậu truyện, tiền truyện, ngoại truyện, giới thiệu thêm các nhân vật mới như The Nun hay La Llorona.

    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 14.
    Các phim trong cùng vũ trụ được duy trì chất lượng giải trí vừa phải, đủ nhiều jump scare và liên kết với phần phim sau để lôi kéo khán giả đại chúng tới rạp. Tính tới nay, tổng doanh thu mà các phim của The Conjuring thu về đã lên tới gần 2 tỉ USD. Xét trên phương diện thương mại, đây là một ví dụ điển hình của mô hình vũ trụ điện ảnh có đường hướng phát triển rõ ràng. Tương tự chúng ta có các phim kinh dị chuyển thể từ “vũ trụ” văn học kinh dị của nhà văn nổi tiếng Stephen King. Sau bom tấn IT và IT: Chapter 2, chắc chắn các bản thảo chuyển thể từ sách của ông hoàng kinh dị vẫn sẽ được săn đón để đưa lên màn ảnh.

    Phim kinh dị từ trước tới nay vẫn đặc biệt hiệu quả ở chỗ chúng không cần ngân sách lớn mà vẫn có thể đem về doanh thu khủng. Trong bối cảnh các nhà sản xuất Hollywood tìm đủ mọi cách để kiếm về lợi nhuận giữa thời buổi “người khôn của khó”, phim kinh dị lại càng trở nên quan trọng. Những hãng phim như Blumhouse, dựa trên ý tưởng nếu một đạo diễn có thể làm phim với ngân sách cực kỳ nhỏ thì về cơ bản anh ta có thể làm bất kỳ thứ gì mình muốn. Kết quả là hãng phim đã sáng tạo ra vô số tác phẩm mới mẻ, tất nhiên không phải tất cả chúng đều xuất sắc nhưng điều quan trọng là Blumhouse đã trở thành một trong những nhà tiên phong với các dự án kinh dị kinh phí thấp và nội dung đa dạng.

    Đáng sợ là thế, cớ sao phim kinh dị vẫn gây nghiện? - Ảnh 15.
    Trong tương lai, bên cạnh các phim kinh dị “mì ăn liền” làm lại hoặc tái khởi động từ các thương hiệu phim kinh dị kinh điển (búp bê Chucky, Halloween...), các phim theo loạt (franchise), thì thể loại này vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các nhà làm phim mang tính thử nghiệm. Từ thể loại thuần giải trí, cho tới nay phim kinh dị đã bắt đầu tìm chỗ đứng cho mình trong các giải thưởng điện ảnh nghệ thuật. The Lighthouse của hãng A24 đang được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện tại Oscar năm nay, với diễn xuất đáng nể của Robert Pattinson và Willem Dafoe hứa hẹn sẽ đem đến đề cử hạng mục Nam chính.


    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?
Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from KENH14.

Original source can be found here: http://kenh14.vn/dang-so-la-the-co-sao-phim-kinh-di-van-gay-nghien-20191030220231363.chn


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ