Ván bài chiến lược lớn nhất trong lịch sử của Úc
Lựa chọn của Australia
Khi ông Scott Morrison trở thành Thủ tướng Australia cách đây 3 năm, ông đã tuyên bố rằng nước này có thể duy trì quan hệ thân thiết với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất, trong khi tiếp tục hợp tác với Mỹ - đồng minh an ninh quan trọng.
"Australia sẽ không phải lựa chọn", Thủ tướng Australia khẳng định trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại.
Ảnh minh họa: Reuters
Tuy nhiên, sau đó, vào tháng 9 năm nay, Australia đã đưa ra lựa chọn của mình. Sau nhiều năm mối quan hệ với Trung Quốc lao dốc, Australia đã quyết định tham gia vào một thỏa thuận quốc phòng mới với Mỹ và Anh để được hỗ trợ phát triển tàu ngầm hạt nhân - một bước tiến lớn cho sức mạnh quân sự của Australia.
Với việc được tiếp cận công nghệ hạt nhân, Australia sẽ liên minh chặt chẽ với Mỹ trong nhiều thế hệ để trở thành mối quan hệ "đối tác vĩnh viễn” theo như nhận định của Thủ tướng Morrison. Thỏa thuận này cũng mở đường cho sự hợp tác quân sự sâu sắc và những kỳ vọng cao hơn trong trường hợp Australia tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào nhằm chống lại Trung Quốc.
"Đây thực sự là một khoảnh khắc bước ngoặt - một khoảnh khắc quyết định cho Australia và cách thức nước này nghĩ về tương lai của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Richard Maude, cựu quan chức an ninh Australia, hiện là học giả cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội châu Á cho hay.
Chuyên gia này cũng bình luận: "Điều đó đã cho thấy những lo ngại sâu sắc hiện nay trong chính quyền Thủ tướng Morrison về môi trường an ninh đang xấu đi trong khu vực, sự tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc và việc Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng các biện pháp cưỡng ép để theo đuổi các lợi ích quốc gia".
"Không có gì khiêu khích Trung Quốc hơn những thứ liên quan đến tàu ngầm và hạt nhân. Trung Quốc không mạnh trong chiến tranh chống tàu ngầm so với các khả năng khác", Oriana Skylar Mastro, học giả tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli thuộc Đại học Stanford đánh giá.
"Với tôi, điều đó cho thấy Australia đang sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro trong mối quan hệ này để đứng lên chống lại Trung Quốc", bà Mastro nhận định.
Cái giá phải trả
Các đồng minh dành sự tán thưởng cho Australia vì đã cho thấy các nước nhỏ hơn trên thế giới có thể định nghĩa lại quan hệ với Trung Quốc như thế nào. Tuy nhiên, khi lựa chọn cứng rắn với Trung Quốc, Australia cũng phải trả một cái giá nhất định.
Các chủ trang trại và các nhà sản xuất rượu ở Australia vẫn đang băn khoăn liệu Trung Quốc có dỡ bỏ phong tỏa với hàng hóa của họ hay không. Trung Quốc cho thấy họ ngày càng cứng rắn và quyết liệt với mục tiêu sẽ không lùi bước khi bị thách thức. Bắc Kinh đã gia tăng sức ép lên Australia thông qua các lệnh trừng phạt và đóng băng các cuộc đàm phán cấp cao.
Những tuyên bố được cho là "gây hấn" của chính phủ Trung Quốc, trong đó có danh sách 14 điểm bất bình với Canberra mà Bắc Kinh gửi cho các nhà báo vào cuối năm ngoái, đã khiến thái độ của công chúng Australia về Trung Quốc sụt giảm mạnh.
"Nếu ý định của họ là thay đổi việc hoạch định chính sách của chúng ta thì chắc chắn họ sẽ không làm được điều đó", James Paterson, thượng nghị sĩ Australia thuộc đảng Tự do trung hữu nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
"Những gì chúng ta cần làm là thể hiện sự kiên định của mình. Điều này không chỉ tốt cho Australia mà tốt cho cả các quốc gia khác đang theo dõi chặt chẽ việc này", thượng nghị sĩ này cho hay.
Cách đây chưa đầy 1 thập kỷ, mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc vô cùng nồng ấm. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân thúc đẩy mối quan hệ này và ký một thỏa thuận tự do thương mại.
Tuy nhiên, năm 2017, Thủ tướng Australia vào thời điểm đó - ông Malcolm Turnbull đã tuyên bố rằng nước này sẽ đứng lên chống lại sự can thiệp của Trung Quốc. Vào năm trước đó, ông Turnbull đã nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng Australia cần chống lại "những hành vi bắt nạt" của Bắc Kinh. Australia cũng ngày cảng cảnh giác về những yêu sách và quyền lực gia tăng của Trung Quốc tại khu vực, trong đó có Biển Đông.
Ở Australia, đã có những mối lo ngại trong nước ngày càng gia tăng về những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng với các công ty, trường đại học và chính trị gia. Vấn đề này bùng nổ vào năm 2017 khi các bài báo tiết lộ rằng, một thượng nghị sĩ trong đảng Lao động của Australia là Sam Dastyari đã đưa ra tuyên bố ủng hộ các yêu sách của Bắc Kinh sau khi nhận được một khoản tiền từ một thương nhân Trung Quốc.
Trước những căng thẳng hiện nay, Australia đã vượt qua được cú đánh về kinh tế và trong khi Trung Quốc chưa tìm được nguồn thay thế khả thi cho quặng sắt Australia thì Australia đã tìm kiếm được các thị trường mới cho một số mặt hàng.
Tuy nhiên, một số cựu quan chức Australia cho rằng việc mất thị phần ở Trung Quốc sẽ gây tổn thất cho nền kinh tế Australia về dài hạn và việc chính phủ gắn danh tiếng của mình như một người tiên phong dũng cảm đối đầu với Bắc Kinh đã kéo lùi những cuộc thảo luận thực tế về việc một quốc gia tầm trung như Australia nên giải quyết mối quan hệ này như thế nào.
Việc ngần ngại công khai chi tiết về việc Australia sẽ ứng phó như thế nào khi quyết định sẽ "lạnh nhạt" với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong những năm tới đã làm gia tăng những điều không chắc chắn và khiến cho rủi ro chiến tranh ngày càng gia tăng theo như nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton.
Các quan chức chính phủ Australia hiểu rõ, Trung Quốc có thể sẽ phản ứng gay gắt trước những chính sách cứng rắn của nước này, Richard Maude, một cựu quan chức ngoại giao, người hỗ trợ hoạch định chính sách đối ngoại của Australia năm 2017, đánh dấu một sự dịch chuyển về chiến lược, cho hay.
Ván bài chiến lược lớn nhất trong lịch sử
Một số chuyên gia an ninh cho rằng những hành động đáp trả gần đây của Trung Quốc nhằm vào Australia đã đẩy Canberra về phía Washington. Australia dường như đã tính toán rằng Trung Quốc không mấy hứng thú về việc cải thiện mối quan hệ này.
Sam Roggeveen, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy - một trung tâm nghiên cứu ở Sydney cho rằng về dài hạn, Mỹ có lẽ phải quyết định rằng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc quá tốn kém, buộc phải chia sẻ quyền lực và ảnh hưởng ở một mức độ nào đó.
"Khi đối đầu Mỹ - Trung leo thang, Mỹ sẽ mong đợi Australia làm nhiều hơn", Hugh White, một nhà phân tích quốc phòng tại Đại học Quốc gia cho hay.
"Nếu Mỹ để Australia tiếp cận công nghệ hạt nhân thì đó là bởi Mỹ muốn Australia triển khai lực lượng này nếu xảy ra cuộc chiến với Trung Quốc", chuyên gia này nhận định.
Hiện nay, chính phủ Australia dường như coi "cái giá" này là hợp lý. James Curran, một nhà sử học về đối ngoại của Australia tại Đại học Sydney đã gọi quyết định này là "ván bài chiến lược lớn nhất trong lịch sử Australia".
"Australia đã đặt cược 'một ăn cả, ngã về không' vào Mỹ nhằm duy trì ý chí và quyết tâm của mình", chuyên gia này đánh giá./.
Xem thêm
Article sourced from VOV.