Vaccine Covid-19 có thể cần tiêm hàng năm

16:00' 19-04-2021
Giám đốc điều hành Pfizer cho biết mọi người có thể cần tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 trong vòng 12 tháng kể từ khi được tiêm chủng đầy đủ.


    Thế giới đã ghi nhận 140.479.004 ca nhiễm nCoV và 3.010.671 ca tử vong, tăng lần lượt 804.070 và 11.681, trong khi 119.373.473 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

    "Một kịch bản có khả năng xảy ra là cần tiêm liều thứ ba sau khi tiêm chủng đầy đủ 6-12 tháng và sau đó cần tiêm nhắc lại hàng năm, nhưng tất cả những điều này cần phải được xác nhận. Các biến thể sẽ có tác động quan trọng", Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla nói trong một chương trình của CNBC ngày 1/4 nhưng bình luận được công khai hôm 15/4.

    Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết con người được bảo vệ trước nCoV bao lâu sau khi được tiêm phòng đầy đủ. Đầu tháng này, Pfizer cho biết vaccine Covid-19 của họ có hiệu quả hơn 91% trong việc bảo vệ con người trước nCoV và hơn 95% chống lại bệnh nặng lên đến 6 tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Vaccine Moderna, sử dụng công nghệ tương tự Pfizer, cũng được chứng minh là giữ hiệu quả cao sau 6 tháng.

    Dữ liệu của Pfizer dựa trên hơn 12.000 người đã tiêm chủng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết vẫn cần thêm dữ liệu để xác định liệu khả năng bảo vệ có kéo dài sau 6 tháng hay không.

    Các lọ vaccine Pfizer/BioNTech tại một điểm tiêm chủng ở Pháp ngày 15/4. Ảnh: AFP.

    Các lọ vaccine Pfizer/BioNTech tại một điểm tiêm chủng ở Pháp ngày 15/4. Ảnh: AFP.

    Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 32.300.759 ca nhiễm và 579.891 ca tử vong do nCoV, tăng 76.620 ca nhiễm và 833 ca tử vong so với một ngày trước đó.

    Theo dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hôm 15/4, 198.317.040 liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng tại nước này, chiếm khoảng 78% trong số 255.400.665 liều đã được phân phối. Số liều vaccine được tiêm trung bình 7 ngày qua là khoảng 3,3 triệu liều/ngày.

    Hơn 30% người trưởng thành ở Mỹ hoàn thành tiêm chủng và khoảng 48% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Khoảng 64% người cao tuổi được tiêm đủ mũi và 80% được tiêm ít nhất một liều.

    Nhìn chung, khoảng 78,5 triệu người ở Mỹ được tiêm chủng đầy đủ và gần 126 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi, theo dữ liệu của CDC.

    Một hội đồng chuyên gia sẽ họp vào tuần tới để thảo luận xem có nên tiếp tục sử dụng vaccine Johnson & Johnson hay không, sau khi có lo ngại vaccine này gây đông máu.

    Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 14.521.683 ca nhiễm và 175.673 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 233.943 và 1.338 ca.

    Hàng loạt lễ hội tôn giáo, các cuộc biểu tình chính trị và những trận đấu cricket mở cửa đón khán giả là nguyên nhân khiến Ấn Độ đang phải trải qua sóng Covid-19 khủng khiếp với gần hai triệu ca nhiễm chỉ trong nửa đầu tháng này.

    Sau đợt phong tỏa cách đây một năm gây tình trạng khốn cùng trên diện rộng và dẫn đến đợt suy thoát lớn nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào, chính phủ Ấn Độ đang liều lĩnh tránh đợt phong tỏa lần hai. Đa phần người dân Ấn Độ cũng phản đối phong tỏa.

    Tuy nhiên, nhiều bang đang thắt chặt các biện pháp hạn chế. Maharashtra, bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và chiếm 1/4 ca nhiễm cả nước, cùng thủ phủ Mumbai tuần này đưa ra những hạn chế khắt khe hơn đối với 125 triệu dân. Ở vùng thủ đô Delhi, ca Covid-19 hàng ngày đang đạt kỷ lục mới, khiến thủ hiến bang phải thông báo áp lệnh giới nghiêm vào cuối tuần. Các bác sĩ cảnh báo sự gia tăng có thể còn nguy hiểm hơn năm 2020.

    Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 13.832.455 ca nhiễm và 368.749 ca tử vong, tăng lần lượt 74.362 và 2.795.

    Brazil đang phải trải qua đợt bùng phát Covid-19 mới, khiến các bệnh viện trên cả nước đều sắp bị quá tải. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đang vật lộn để đảm bảo đủ vaccine cho dân số 212 triệu người.

    Sao Paulo, trung tâm công nghiệp của Brazil, là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi ghi nhận hơn 85.000 ca tử vong trong 45,9 triệu dân. Các bệnh viện công tại bang này đang bị thiếu trầm trọng thuốc cần thiết để đặt nội khí quản cho bệnh nhân Covid-19.

    Hai bang lớn khác là Rio de Janeiro và Minas Gerais cũng ghi nhận tình trạng thiếu thuốc đặt nội khí quản.

    Bất chấp ca nhiễm tăng, Tổng thống Jair Bolsonaro tiếp tục phản đối phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác, đồng thời chỉ trích thống đốc và thị trưởng vì đã thực hiện chúng.

    Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.224.321 ca nhiễm và 100.404 ca tử vong. Pháp là quốc gia thứ ba ở châu Âu báo cáo hơn 100.000 ca tử vong do Covid-19, sau Anh và Italy.

    Pháp từ đầu tháng bắt đầu một đợt phong tỏa, hạn chế mới trên toàn quốc để đối phó tình trạng ca Covid-19 gia tăng. Việc mở rộng triển khai vaccine đã mang lại sự lạc quan cho những người dân đã mệt mỏi vì phong tỏa. Tất cả người trên 55 tuổi hiện đủ điều kiện để tiêm vaccine.

    Anh, báo cáo 4.383.572 người nhiễm và 127.225 người chết, tăng lần lượt 2.596 và 34 trường hợp.

    Anh, một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, hé mở tia hy vọng khi các quán rượu và nhà hàng được phép phục vụ ngoài trời từ ngày 12/4. Các tiệm làm tóc, phòng tập thể hình và bể bơi cũng được mở cửa trở lại.

    Từng là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu, Anh đã khởi động chiến dịch tiêm chủng thành công cùng với các biện pháp ngăn chặn, giúp giảm 95% ca tử vong và 90% ca bệnh từ tháng một.

    Cơ quan tư vấn tiêm chủng Anh khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất vì có nhiều dữ liệu thực tế hơn cho thấy chúng an toàn.

    Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.594.722 ca nhiễm, tăng 5.363, trong đó 43.196 người chết, tăng 123.

    Jakarta hôm 10/4 cảnh báo 100 triệu liều vaccine AstraZeneca có thể không được chuyển giao cho Indonesia đúng hạn, do những hạn chế xuất khẩu ở Ấn Độ.

    Jakarta có kế hoạch đầy tham vọng là tiêm chủng 181 triệu trong tổng số gần 270 triệu dân trong vòng một năm, chủ yếu dựa vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine AstraZeneca. Quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm chủng ít nhất 15,6 triệu liều.

    Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 914.971 ca nhiễm và 15.738 ca tử vong, tăng lần lượt 10.726 và 145 ca.

    Philippines đã đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi sau khi EU xác định đông máu là tác dụng phụ của vaccine, khiến chiến dịch tiêm chủng vaccine chống Covid-19 của nước này bị đình trệ.

    Philippines đã nhận được khoảng 2,5 triệu liều vaccine Covid-19, phần lớn từ công ty Sinovac của Trung Quốc. Họ cũng nhận được 525.600 liều AstraZeneca thông qua chương trình Covax, hầu hết đã được tiêm. Nước này dự kiến nhận thêm ba triệu liều AstraZeneca trong những tháng tới.

    Campuchia ghi nhận thêm 262 ca nhiễm nCoV và 2 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 5.480, trong đó 38 người đã tử vong.

    Campuchia ra lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thị trấn Takmao từ 15/4 - 28/4, người dân không được rời khỏi nhà trừ vì mục đích thiết yếu, mọi cuộc tụ tập đều bị cấm, chỉ cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở cửa. Người dân được phép đi mua thực phẩm và nhu yếu phẩm ba ngày một tuần.

    Ca nhiễm tại Campuchia tăng mạnh từ cuối tháng hai khi một ổ dịch được phát hiện trong cộng đồng người Trung Quốc ở nước này. Các bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh sắp quá tải và giới chức đang chuyển đổi trường học, hội trường tiệc cưới thành trung tâm điều trị cho những bệnh nhân gặp triệu chứng nhẹ.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/pfizer-noi-co-the-can-tiem-vaccine-covid-19-hang-nam-4264227.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ