Ukraine khó thay đổi cục diện dù đã được Mỹ gỡ rào vũ khí

06:00' 21-11-2024
Ukraine nói việc Mỹ gỡ hạn chế về vũ khí tầm xa là động thái thay đổi cuộc chơi, nhưng giới chuyên gia cho rằng điều này khó thay đổi cục diện chiến trường.


    Truyền thông Mỹ hôm 17/11 đồng loạt đưa tin Tổng thống Joe Biden đã quyết định xóa bỏ hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ viện trợ để tập kích mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Cuộc tấn công đầu tiên có thể diễn ra trong những ngày tới, sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS với tầm bắn tối đa 300 km.

    Đây có thể là bước thay đổi lớn về chính sách của Tổng thống Biden vào những tháng cuối nhiệm kỳ, do Washington lâu nay luôn từ chối gỡ rào vũ khí tầm xa vì lo ngại căng thẳng gia tăng với Moskva, bất chấp lời kêu gọi của Kiev.

    Ukraine và một số đồng minh châu Âu của Mỹ tỏ ra hào hứng với thông tin này. Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiga ngày 18/11 nhấn mạnh đây là động thái mang tính quyết định và có thể "thay đổi cuộc chơi", giúp tăng cường sức mạnh cho Kiev trong chiến sự.

    Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 18/11 cảnh báo quyết định gỡ rào vũ khí tầm xa "về cơ bản làm thay đổi cách thức Mỹ tham gia vào xung đột" và Nga sẽ coi mọi cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga là do các nước cấp phép vũ khí cho Ukraine tiến hành.

    "Nga sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng, mạnh mẽ trong trường hợp như vậy", Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày ra tuyên bố, nhưng không nói rõ biện pháp đáp trả là như thế nào.

    Tên lửa ATACMS của Mỹ khai hỏa trong cuộc diễn tập ở Australia hồi tháng 7/2023. Ảnh: US Army

    Tên lửa ATACMS của Mỹ khai hỏa trong cuộc diễn tập ở Australia hồi tháng 7/2023. Ảnh: US Army

    Theo các chuyên gia quân sự, về lý thuyết, các đòn tập kích bằng tên lửa tầm xa như ATACMS vào sâu trong lãnh thổ Nga có thể giúp Kiev làm gián đoạn hoặc đẩy lùi bước tiến của Moskva trên chiến trường.

    "Mục tiêu hàng đầu của các cuộc tập kích như vậy sẽ là cơ sở hậu cần hoặc trung tâm chỉ huy của đối phương", công ty dữ liệu tình báo tư nhân Janes có trụ sở tại Anh nhận định.

    Đây là chiến thuật mà Ukraine từng áp dụng hiệu quả khi được phương Tây chuyển giao các vũ khí có tầm bắn ngắn hơn, như pháo phản lực HIMARS. Loại pháo nổi tiếng về độ chính xác và cơ động này từng phá hủy nhiều kho đạn, sở chỉ huy Nga trong phạm vi 80 km và cũng được kỳ vọng là "vũ khí thay đổi cuộc chơi".

    Nhưng cách đối phó của Nga với HIMARS lại vô cùng đơn giản. Bên cạnh các nỗ lực đánh chặn hoặc gây nhiễu, Nga chỉ đơn giản là di chuyển các kho tàng, sở chỉ huy ra ngoài tầm bắn của loại pháo này, khiến hiệu quả của chúng giảm đi rõ rệt.

    Lần này, khi Ukraine khai hỏa tên lửa ATACMS, Nga có thể hứng chịu một số thiệt hại ban đầu, nhưng sẽ nhanh chóng di chuyển các cơ sở và lực lượng quan trọng ra ngoài phạm vi 300 km. Họ cũng có thể tiếp tục đẩy lùi tiền tuyến về phía quân đội Ukraine, nhằm tạo vùng đệm rộng hơn.

    Kurt Volker, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, cho rằng Washington dường như đã mắc sai lầm khi làm rò rỉ thông tin "gỡ rào vũ khí" cho Kiev quá sớm. Điều này có thể giúp lực lượng có thêm thời gian điều chuyển lực lượng để ứng phó.

    "Xét tới thời gian chuẩn bị của Nga, quyết định gỡ rào vũ khí cho Ukraine có thể không gây ra tác động lớn như dự kiến", các nhà phân tích tại công ty Janes cho hay.

    Một trở ngại nữa là Washington chỉ chuyển giao cho Kiev số lượng rất hạn chế tên lửa ATACMS và bệ phóng, gồm pháo phản lực HIMARS và M270, khiến quân đội Ukraine phải lựa chọn mục tiêu rất cẩn thận mỗi khi khai hỏa.

    Alexander Khramchikhin, chuyên gia quân sự ở Moskva, cho rằng Ukraine ít khả năng mạo hiểm triển khai các bệ phóng tên lửa ATACMS đến sát tiền tuyến, dù điều này sẽ tăng tối đa tầm bắn và hiệu quả của đòn tập kích. "Các bệ phóng xuất hiện ở khu vực này sẽ nhanh chóng bị máy bay không người lái (UAV) phát hiện và hứng đòn tập kích", ông nêu quan điểm.

    Quân đội Nga những tháng qua đã nhiều lần công bố video UAV phát hiện các khẩu đội HIMARS và M270 ở khu vực cách tiền tuyến hàng chục km, sau đó chỉ điểm cho đòn đánh hủy diệt bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M hoặc UAV tự sát Lancet.

    Kết quả phân tích do tờ Kyiv Post của Ukraine thực hiện cho thấy nước này tiếp nhận khoảng 10 tên lửa ATACMS có tầm bắn 165 km vào tháng 9/2023 và khai hỏa hết chỉ trong vài tuần. Ukraine bắt đầu khai hỏa tên lửa ATACMS trở lại từ tháng 4 sau khi nhận được lô đạn mới từ Mỹ, trong đó có biến thể đạt tầm bắn 300 km, nhưng chỉ nhắm mục tiêu vào vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát ở Donbass.

    Trong một tháng sau đó, Kiev khai hỏa 30-35 quả đạn ATACMS tầm bắn 300 km cùng 4-5 tên lửa thuộc biến thể tầm bắn 165 km. Kyiv Post không phát hiện thêm vụ phóng tên lửa ATACMS nào kể từ tháng 6 đến nay, dù quân đội Ukraine từng tuyên bố khai hỏa loại đạn này để phá hủy khí tài Nga. Điều đó cho thấy Ukraine dường như đã cạn kiệt hoặc còn rất ít tên lửa ATACMS.

    Quân đội Mỹ dường như cũng không có nhiều đạn ATACMS trong kho để viện trợ cho Ukraine. "Câu hỏi đặt ra là họ có bao nhiêu tên lửa? Chúng tôi nghe nói Lầu Năm Góc đã cảnh báo sẽ không thể cung cấp nhiều tên lửa ATACMS cho Ukraine", Evelyn Farkas, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, cho biết.

    Alexei Leonkov, tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc có trụ sở tại Nga, nhận định phương Tây sở hữu hơn 3.000 tên lửa ATACMS trước khi xung đột Ukraine bùng phát. Con số này có thể đã giảm xuống còn 1.500-2.000, do nhiều quả đạn được triển khai ở Ukraine hoặc bị loại biên vì hết niên hạn sử dụng.

    "Để gây thiệt hại thật sự cho Nga, Ukraine sẽ cần rất nhiều tên lửa ATACMS, điều bất khả thi vào lúc này vì Mỹ cũng chỉ duy trì nguồn cung hạn chế", Jennifer Kavanagh, giám đốc mảng phân tích quân sự của viện nghiên cứu Defense Priorities có trụ sở tại Washington, cho biết.

    Ngay cả khi Ukraine biên chế lượng lớn đạn ATACMS, nó cũng không thể một mình thay đổi cục diện chiến sự. Các nhà phân tích của công ty Janes chỉ ra rằng lưới phòng không Nga hiện nay có đủ khả năng đánh chặn được tên lửa ATACMS nếu không bị quá tải vì số lượng đầu đạn lớn trong đòn tập kích.

    Ivan Stupak, cố vấn Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo của quốc hội Ukraine, hồi tháng 5 thừa nhận nước này luôn phải chạy đua với thời gian để tận dụng tối đa ưu thế của ATACMS, trước khi lực lượng Nga tìm ra phương án khắc chế chúng.

    Tổ hợp phòng không S-400 của Nga tại thao trường ở vùng Astrakhan năm 2012. Ảnh: RIA Novosti

    Tổ hợp phòng không S-400 của Nga tại thao trường ở vùng Astrakhan năm 2012. Ảnh: RIA Novosti

    Bà Kavanagh cho rằng vấn đề lớn nhất của Ukraine hiện nay không phải là thiếu tên lửa ATACMS hay vũ khí có thể xuyên thủng lưới phòng không Nga.

    "Trở ngại lớn nhất là thiếu hụt nhân lực được đào tạo bài bản và đủ khả năng chiến đấu. Đây là thách thức mà Mỹ và các đồng minh châu Âu không thể giải quyết, không vũ khí nào trên thế giới có thể khắc phục được", chuyên gia này nói.

    Thay vì coi đây sẽ là vũ khí "thay đổi cuộc chơi", chính quyền Tổng thống Biden dường như kỳ vọng động thái sẽ tạo ra ảnh hưởng lâu dài đến chính sách về Ukraine trong nội bộ Mỹ và tại các quốc gia đồng minh trước khi người kế nhiệm Donald Trump nhậm chức, theo một số chuyên gia.

    Sự hỗ trợ của Mỹ với Ukraine đang đứng trước dấu hỏi lớn khi chỉ còn hai tháng nữa là ông Biden kết thúc nhiệm kỳ và ông Trump tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20/1/2015. Ông Trump từng nhiều lần chỉ trích viện trợ của Mỹ cho Ukraine, thậm chí dọa sẽ chấm dứt hỗ trợ ngay sau khi quay lại nắm quyền.

    "Chính quyền Biden muốn giải ngân toàn bộ các khoản viện trợ được quốc hội thông qua cho Ukraine trước ngày 20/1/2025", giáo sư Stephen Biddle tại Đại học Columbia của Mỹ nhận định, thêm rằng chính quyền Trump sẽ không bị ràng buộc bởi các cam kết hỗ trợ Ukraine trước đó của ông Biden.

    Về đối ngoại, Tổng thống Biden nhiều khả năng muốn khuyến khích Anh, Pháp áp dụng động thái tương tự, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG với tầm bắn tối đa 500 km để tập kích mục tiêu sâu trong đất Nga.

    Ngay sau khi xuất hiện thông tin Mỹ gỡ rào vũ khí tầm xa cho Ukraine, tờ Le Figaro lâu đời nhất của Pháp cho biết nước này và Anh đã đồng ý cho phép Ukraine dùng tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG để tấn công lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, giới chức Anh và Pháp sau đó khẳng định chưa thay đổi quan điểm về vấn đề này, Le Figaro cũng đã xóa thông tin.

    Mô hình tên lửa Storm Shadow trưng bày tại Triển lãm hàng không Quốc tế Farnborough ở Anh hồi tháng 7. Ảnh: AFP

    Mô hình tên lửa Storm Shadow trưng bày tại Triển lãm hàng không Quốc tế Farnborough ở Anh hồi tháng 7. Ảnh: AFP

    Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa lên tiếng về thông tin, nhưng ông từng cảnh báo điều này sẽ đẩy phương Tây vào cuộc chiến trực tiếp với Moskva. Ông chủ Điện Kremlin hồi giữa năm ám chỉ khả năng cung cấp vũ khí tầm xa cho các đối thủ của phương Tây để tấn công mục tiêu bên ngoài lãnh thổ Mỹ và đồng minh, trong trường hợp Ukraine được gỡ rào vũ khí.

    "Nếu ai đó cho rằng có thể đưa vũ khí như vậy đến vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ Nga và gây rắc rối cho chúng tôi, tại sao chúng tôi không có quyền gửi vũ khí cùng loại đến những khu vực trên thế giới, nơi có thể tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở nhạy cảm của các quốc gia chống lại Nga", ông Putin nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Bardo Le Noureddine Lawyers Vùng: Footscray. Phone: 7008 5084
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/lenh-go-rao-vu-khi-kho-giup-ukraine-thay-doi-cuc-dien-chien-su-4817686.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ