Ukraine dần lộ thế yếu sau hai năm xung đột Nga

04:00' 27-02-2024
Từng giành ưu thế lớn trong giai đoạn đầu xung đột, Ukraine dần để lộ nhiều điểm yếu, có thể khiến họ đối mặt nhiều thách thức trước lực lượng Nga.


    Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2/2022 tuyên bố phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm mục tiêu "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" Ukraine. Moksva sau đó triển khai hàng trăm nghìn binh sĩ cùng lượng lớn xe tăng, thiết giáp hướng về Kiev, với mục tiêu nhanh chóng kết thúc chiến dịch.

    Tuy nhiên, nhiều đơn vị trong số đó đã hứng chịu tổn thất nặng nề trước sức kháng cự mạnh mẽ của quân đội Ukraine. "Chỉ trong vài tuần, quân đội Nga chịu thương vong cao hơn tất cả các cuộc xung đột mà Moskva đã tham gia kể từ sau năm 1945", Hal Brands, giáo sư ngành quốc tế học tại Đại học Johns Hopkins của Mỹ, cho biết.

    Cuối tháng 3/2022, quân đội Nga bắt đầu rút khỏi khu vực ngoại ô Kiev và tỉnh Cherhiniv ở miền bắc Ukraine, tạo điều kiện để đối phương giành lại nhiều khu vực xung quanh.

    Quân đội Ukraine cuối năm đó mở chiến dịch phản công chớp nhoáng và đẩy lùi lực lượng Nga ở tỉnh Kharkov và thành phố Kherson, giành lại 6.000 km2 lãnh thổ.

    Theo Brands, có nhiều nguyên nhân khiến Nga hứng chịu nhiều thất bại trong năm đầu tiên của cuộc xung đột. Những yếu kém trong hậu cần, chỉ huy khiến lực lượng nước này ở Ukraine thiếu hụt khí tài, trang bị cần thiết để có thể tác chiến hiệu quả. Giới lãnh đạo Nga cũng được cho là đã tính toán sai lầm, khi nhận định lực lượng Ukraine sẽ nhanh chóng buông vũ khí trước cuộc tấn công chớp nhoáng của Nga.

    Thành viên Lữ đoàn 71 Ukraine trên tiền tuyến trong bức ảnh đăng ngày 23/2. Ảnh: Quân đội Ukraine

    Thành viên Lữ đoàn 71 Ukraine trên tiền tuyến trong bức ảnh đăng ngày 23/2. Ảnh: Quân đội Ukraine

    Tình hình thay đổi vào năm thứ hai của xung đột. Tiếp nối thắng lợi cuối năm 2022, quân đội Ukraine tháng 6/2023 phát động chiến dịch phản công trên bộ quy mô lớn theo hướng đông và nam, nhằm tiếp tục giành lại những phần lãnh thổ còn bị Nga kiểm soát.

    Tuy nhiên, cuộc phản công đã thất bại khi lực lượng Ukraine phải đối đầu với các lớp phòng thủ kiên cố cùng quân số áp đảo của đối phương. Thất bại này khiến Kiev lộ ra nhiều điểm yếu, vốn được phủ lấp trong giai đoạn đầu chiến sự nhờ viện trợ mạnh mẽ của phương Tây và các vấn đề nội bộ của Moskva.

    Điểm yếu thứ nhất là về nhân lực. Nhờ phát lệnh tổng động viên từ sớm, lực lượng Ukraine hiện có khoảng 800.000 quân, cao hơn gần 200.000 người so với quân đội Nga trên chiến trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến sự tiếp tục kéo dài, phần lớn các binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến đã kiệt sức vì không được thay quân, do ở hậu phương hầu như không còn ai muốn nhập ngũ.

    Trong khi đó, với dân số nhiều gấp ba lần Ukraine, Nga có nhiều lợi thế hơn đối phương trong việc bổ sung và luân chuyển lực lượng trên tiền tuyến. "Số lượng người sẵn sàng cầm súng bảo vệ tổ quốc không giảm đi", Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong cuộc họp báo thường niên ngày 14/2.

    Điểm yếu tiếp theo là về hỏa lực. Từng đánh bật quân đội Nga khỏi ngoại ô Kiev nhờ được trang bị khí tài hiện đại của phương Tây, song lực lượng Ukraine chưa có đủ vũ khí cần thiết để có thể xuyên phá được phòng tuyến của Nga, nhất là khi Moskva đã có thời gian để xây dựng và củng cố các lớp phòng thủ vững chắc.

    Việc viện trợ từ phương Tây sụt giảm giai đoạn cuối năm 2023 thậm chí còn khiến tình thế đảo chiều. Theo báo cáo công bố hồi tháng 1 của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), lực lượng Ukraine khai hỏa hơn 2.000 quả đạn pháo một ngày, trong khi quân đội Nga bắn gấp 5 lần số đó.

    Điều này trái ngược hoàn toàn với tình cảnh trước đó một năm, thời điểm lượng đạn pháo binh sĩ Nga khai hỏa mỗi ngày được cho là thấp hơn 1,5 lần đối phương. Việc ngành công nghiệp quốc phòng Nga đẩy mạnh năng lực sản xuất cũng là yếu tố khiến Moskva hiện vượt trội Kiev về mặt hỏa lực.

    "Ở thời điểm tròn hai năm diễn ra xung đột, bộ binh Ukraine với độ tuổi trung bình 40, thiếu thốn hỏa lực và không đủ người để thay quân, không có năng lực để giành lại lãnh thổ từ Nga", Hans van Leeuwen, bình luận viên của Financial Review, nhận định.

    Xe tăng Ukraine trên tiền tuyến trong bức ảnh đăng ngày 23/2. Ảnh: Quân đội Ukraine

    Xe tăng Ukraine trên tiền tuyến trong bức ảnh đăng ngày 23/2. Ảnh: Quân đội Ukraine

    Nhận ra tình thế này của Ukraine, Nga thời gian qua đẩy mạnh chiến dịch phản kích trên nhiều mặt trận. Hôm 17/2, Moskva tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành phố chiến lược Avdeevka ở tỉnh Donetsk, đánh dấu thắng lợi lớn đầu tiên kể từ khi giành được Bakhmut vào tháng 5/2023.

    "Tổng thống Putin cảm nhận được điểm yếu của đối phương, và ông ấy đã cảm nhận hoàn toàn đúng", James Nixey, giám đốc chương trình Nga và Á - Âu tại viện nghiên cứu Chatham House ở Anh, nói.

    "Vẫn còn phải xem liệu sự tự tin của ông ấy có chính xác hay không. Tuy nhiên, ông ấy ít nhất biết rõ mình có bao nhiêu nguồn lực quân sự trong mùa hè này, trong năm sau và hơn nữa. Ukraine thì không thể nói điều tương tự", Nixey nói thêm.

    Hiện gói viện trợ quân sự 60 tỷ USD của Mỹ, bên hậu thuẫn Ukraine mạnh mẽ nhất từ đầu chiến sự, vẫn mắc kẹt tại quốc hội. Liên minh Châu Âu (EU) cũng dự kiến chỉ đáp ứng được một nửa cam kết đưa ra hồi tháng 3/2023 về việc viện trợ một triệu viên đạn pháo cho Ukraine sau 12 tháng.

    Tâm trạng phổ biến hiện nay của nhiều người ủng hộ Ukraine là bi quan. Kết quả khảo sát do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) cho thấy hiện chỉ 10% người dân châu lục này cho rằng Ukraine sẽ chiến thắng trong cuộc xung đột, trong khi 20% tin Nga sẽ thắng.

    Phần lớn kỳ vọng cuộc chiến sẽ kết thúc bằng một "giải pháp thỏa hiệp". Tuy nhiên, chuyên gia Nixey cho rằng điều này khó xảy ra một cách "tự nguyện". "Thỏa hiệp, nếu xảy ra, sẽ là sự ép buộc, chỉ đạt được thông qua hoạt động trên chiến trường", chuyên gia này nhấn mạnh.

    Giới quan sát nhận định chiến lược khả thi nhất của Ukraine trong năm thứ ba là cố gắng giữ vững phòng tuyến, kéo Nga vào một cuộc chiến tiêu hao mà "chủ nhà" thường là bên có lợi thế.

    Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng thất bại của Ukraine ở Avdeevka, đô thị mà Nga đã dồn lực lượng tấn công trong nhiều tháng, cho thấy Moskva đã chuẩn bị kỹ cho kịch bản phải tiến hành một cuộc xung đột dài hơi và khốc liệt.

    Theo Jack Watling và Nick Reynolds, hai nhà phân tích thuộc RUSI, song song với việc tiếp tục gây áp lực lên đối phương trên tiền tuyến theo nhiều hướng, Nga trong năm 2024 sẽ đẩy mạnh các nỗ lực chính trị, ngoại giao nhằm ngăn dòng viện trợ của phương Tây cho Ukraine.

    Một khi nguồn cung vũ khí, tài chính cho Kiev cạn kiệt, đó sẽ là lúc Moskva phát động tấn công trên quy mô lớn.

    "Thắng lợi trên chiến trường sau đó sẽ được Nga sử dụng làm lợi thế để ép Ukraine phải đầu hàng theo điều kiện mà Moskva đưa ra", Watling và Reynolds nhận định. "Mục tiêu của Nga là giành chiến thắng vào năm 2026".

    Cách duy nhất để Ukraine chống lại chiến lược trên là phải chống đỡ được các cuộc tấn công của Nga và khơi thông dòng viện trợ từ phương Tây, theo hai chuyên gia. Các nhà phân tích khác cũng cho rằng tình hình sẽ rất khó khăn với Ukraine nếu viện trợ từ Mỹ và đồng minh vẫn bị đình trệ.

    "Ukraine đã chứng minh rằng họ rất giỏi trong việc xoay xở với nguồn lực ít ỏi. Tuy nhiên, để làm tốt hơn thế mà trong tay lại không có gì là nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều", Nixey nêu quan điểm.

    Nhận thức được vấn đề này, Ukraine thời gian qua triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường khả năng tự lực, như đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, cũng như tích cực huy động, huấn luyện thêm binh sĩ.

    Kiev thường xuyên sử dụng máy bay không người lái (UAV), loại vũ khí có giá thành thấp song có thể gây ra sát thương lớn, để tập kích mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Ukraine cũng liên tục triển khai UAV, xuồng tự sát và tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ để tấn công khu vực trên và xung quanh bán đảo Crimea, gây nhiều thiệt hại cho đối phương.

    Dù vậy, chiến thuật này chỉ có thể làm suy yếu chứ không thể đánh bại Moskva, trong khi Kiev hiện không có đủ nguồn lực để tung các đòn đánh mạnh hơn. "Điều kiện hiện tại không thuận lợi để Ukraine mở chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn khác trong năm 2024", Franz-Stefan Gady và Michael Kofman, hai chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định.

    Theo Gady và Kofman, phương Tây nên tập trung cung cấp khí tài có thể giúp Ukraine chiếm được ưu thế về hỏa lực như pháo và UAV, qua đó có thể duy trì một cuộc chiến tiêu hao với Nga.

    Giáo sư Brands cũng cho rằng chỉ cần được hỗ trợ đầy đủ, Kiev hoàn toàn có thể đứng vững trước các cuộc tấn công của Moskva trong năm nay. Đồng thời, Ukraine có thể tiếp tục nhắm mục tiêu vào lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea bằng vũ khí tầm xa, trong lúc bồi đắp lực lượng để chuẩn bị cho các cuộc phản công trong tương lai.

    "Theo kịch bản trên, năm 2024 khó khăn sẽ đặt nền móng để Ukraine có thể giành được nhiều lợi thế hơn trong năm 2025", Brands nhận định.

    Dù vậy, điều này vẫn phụ thuộc lớn vào việc viện trợ của Mỹ và đồng minh có đáp ứng đủ nhu cầu của Ukraine hay không. "Viện trợ của phương Tây cần phải tăng và càng sớm càng tốt", Leeuwen nói.

    Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV

    Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ukraine-lo-the-yeu-sau-hai-nam-chien-su-4714766.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ