Úc - Trung đáp trả nhau theo cách “ăn miếng trả miếng”
Không có dấu hiệu cho thấy căng thẳng chính trị giữa Australia và Trung Quốc lắng dịu khi cả hai bên đều đang đáp trả nhau theo cách “ăn miếng trả miếng”. Giới quan sát nhận định, các sự kiện gần đây “có thể chỉ là điểm khởi đầu trong một cuộc phân tách trong quan hệ hai nước một cách rộng rãi hơn”.
Ảnh minh họa: Reuters
Australia tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc
Cách đây hai ngày, Quốc hội Australia đã thông qua dự luật Quan hệ đối ngoại với mục đích là để chính quyền liên bang có thể kiểm soát được các thỏa thuận mà chính quyền các bang cũng như các địa phương và trường đại học công lập ký với chính phủ nước ngoài và đảm bảo rằng các thỏa thuận này nhất quán với chính sách đối ngoại của Australia mà chính quyền liên bang đóng vai trò chèo lái.
Về nguyên tắc, luật này không loại trừ một quốc gia nào nên vì thế, không chỉ Trung Quốc mà bất kỳ quốc gia nào có thỏa thuận với chính quyền các cấp của Australia đều có thể trở thành đối tượng điều chỉnh của đạo luật này. Khi chính quyền liên bang Australia thấy thỏa thuận nào đe dọa tới lợi ích của họ thì sẽ can thiệp bằng cách ngăn cản hoặc hủy bỏ, chứ không chỉ riêng thỏa thuận với Trung Quốc.
Tuy vậy, vào thời điểm hiện nay, khi quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang xấu đi sau giai đoạn gắn bó chặt chẽ, đặc biệt trên khía cạnh kinh tế và giao lưu nhân dân thì Trung Quốc lại bị cho là đối tượng của luật này. Tất nhiên, quan điểm này xuất hiện không phải do ngẫu nhiên mà trên thực tế, một số chính quyền địa phương tại Australia đã ký với Trung Quốc một số thỏa thuận được cho là không có lợi đối với nước này.
Thứ nhất là việc chính quyền bang Victoria đã “qua mặt” chính quyền liên bang để ký sáng kiến Vành đai và Con đường với Trung Quốc vào năm 2018. Chính quyền liên bang Australia thậm chí còn không biết rõ nội dung thỏa thuận này là gì cho dù quan chức liên bang nhiều lần yêu cầu bang Victoria phải làm rõ. Thỏa thuận này không chỉ khiến chính quyền liên bang Australia lo ngại mà cả đồng minh Mỹ cũng rất sốt ruột. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo từng thẳng thừng tuyên bố sẽ ngừng kết nối với Australia nếu nước này không làm rõ thỏa thuận Vành đai và Con đường mà bang Victoria đã ký với Trung Quốc.
Thứ hai là việc ký hợp đồng giữa cho chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia với công ty Landbridge của Trung Quốc về việc thuê cảng Darwin của Australia trong vòng 99 năm với giá 506 triệu AUD. Cảng Darwin nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Australia và cũng là cảng duy nhất của nước này có thể triển khai dịch vụ vận tải đa phương tiện. Về mặt an ninh, cảng Darwin còn gần với căn cứ quân sự của Australia cũng như căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực này vì thế, động thái trên đã khiến dư luận Australia lo ngại.
Thứ ba là việc một số trường đại học công lập của Australia hiện cũng đang có thỏa thuận với các cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết, sau khi luật này có hiệu lực, chính quyền liên bang Australia sẽ xem xét lại toàn bộ hơn 130 thỏa thuận đã ký. Các đơn vị ký thỏa thuận sẽ có thời gian khoảng 3 tháng để chứng minh cho chính quyền liên bang thấy thỏa thuận của mình phù hợp với lợi ích quốc gia của Australia cũng như với các quy định trong luật Quan hệ Đối ngoại vừa được Quốc hội thông qua. Với lịch trình như vậy, sớm nhất là trong vòng từ 5 hoặc 6 tháng tới thì chính quyền liên bang Australia mới có thể ra quyết định về việc hủy bỏ thỏa thuận nào đó.
Mặc dù cho đến lúc này Australia chưa hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận giữa chính quyền các bang, các địa phương hay trường đại học với quốc gia nào song các nhà quan sát cho rằng luật này có thể khiến cho Trung Quốc lo ngại. Trước khi luật này được thông qua, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc cũng đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua do mâu thuẫn trong nhiều vấn đề, lòng tin cũng giảm sút nghiêm trọng trong khi căng thẳng thương mại liên tục gia tăng.
Làm căng với Australia: Trung Quốc “giết gà dọa khỉ”
Về phía Trung Quốc, nước này cũng không ngần ngại gia tăng căng thẳng với Australia bằng các rào cản thương mại đối với các mặt hàng có nguồn gốc từ Australia.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Theo số liệu của Canberra, năm 2019, thương mại hàng hóa hai chiều giữa hai nước đạt gần 160 tỷ USD, trong đó Australia được hưởng 50 tỷ USD thặng dư thương mại với Trung Quốc. Do vậy, sau khi Australia cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G vào năm 2018 và đòi điều tra độc lập nguồn gốc đại dịch Covid-19 hồi tháng 4 năm nay, Bắc Kinh đã liên tiếp đưa ra các quyết định hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Canberra như: thịt bò, lúa mạch, than đá, gỗ, rượu vang... và gần đây nhất là thịt cừu.
Mới đây, cuộc tranh luận nảy lửa xoay quanh bức biếm họa về binh sĩ Australia cầm dao đe dọa 1 em bé Afghanistan của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, nhân vật đại diện cho "ngoại giao chiến lang" của nước này đã buộc Thủ tướng Australia phải lên tiếng. Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc còn cố ý làm rò rỉ một tài liệu liệt kê 14 cáo buộc nhằm vào chính phủ Australia, khiến hai bên lâm vào một cuộc khẩu chiến.
Những điều Bắc Kinh làm với Canberra là điều ít thấy trong cách hành xử của Trung Quốc, đồng thời cũng quyết liệt và chủ động hơn bất kỳ động thái nào mà nước này từng làm trước đó với các quốc gia có mâu thuẫn khác. Qua những động thái của Trung Quốc có thể thấy nước này không chỉ đơn giản là trả đũa Australia, mà còn thông qua đó cảnh báo và răn đe, thậm chí cả trực tiếp đối phó những đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Australia.
Trung Quốc là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng nhất của Australia. Trên phương diện này, Mỹ hay Nhật Bản, Ấn Độ hay ASEAN đều không thể thay thế được. Đây chính là điểm yếu chiến lược của Australia trong quan hệ với Trung Quốc
Trong khi đó, đối với Bắc Kinh, việc Mỹ liên kết với đồng minh chống lại mình hay việc Liên minh châu Âu đưa ra sách lược tương tự để đối đầu với Trung Quốc đều là những nguy cơ tiềm ẩn đáng lo ngại. Xu thế này dường như cũng buộc Trung Quốc phải đưa ra những phản ứng quyết liệt mang tính răn đe kiểu "giết gà dọa khỉ" trước mọi khả năng có thể xảy ra.
Có bình luận cho rằng, Trung Quốc làm căng với Australia như một phép thử xem các đồng minh của Australia có ra tay ứng cứu hay không và cũng phần nào để cho các đồng minh chiến lược của Mỹ thấy rằng việc vào hùa để gây chuyện với Trung Quốc có thể “bị vạ” như thế nào. Ngoài ra, nước này cũng đang ngầm gửi đi một thông điệp rằng: việc tìm cách lợi dụng Trung Quốc về mặt kinh tế, trong khi lại dựa vào Mỹ về an ninh và quay lại đối đầu với Trung Quốc là cách hành xử không thể chấp nhận được.
Điểm khởi đầu của cuộc phân tách Australia – Trung Quốc
Một số ý kiến nhận định, các sự kiện căng thẳng gần đây giữa Australia – Trung Quốc “có thể chỉ là điểm khởi đầu trong một cuộc phân tách trong quan hệ 2 nước một cách rộng rãi hơn”.
Tình hình thực tế hiện nay cho thấy, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang ở giai đoạn căng thẳng trong hàng loạt vấn đề và khó có thể sớm hạ nhiệt. Tuy vậy, nếu dự báo về mối quan hệ này thì cần phải cân nhắc một số yếu tố.
Thứ nhất, bối cảnh khu vực và thế giới cho thấy lợi ích của Australia đang bị đe dọa trong khi vai trò của Mỹ, đồng minh của Australia tại khu vực đang bị thử thách và Mỹ cũng không thể giúp Australia giảm bớt được các mối nguy này.
Thứ hai, thực tế này buộc Australia thay đổi chiến lược an ninh và đối ngoại theo hướng tăng cường sự tự chủ và phát huy vai trò của một cường quốc tầm trung, chủ động can dự nhiều hơn với khu vực để xây dựng môi trường chiến lược thuận lợi cho sự phát triển và củng cố lợi ích trong khu vực.
Thứ ba, mặc dù vẫn xác định quan hệ đồng minh với Mỹ là trụ cột trong chính sách đối ngoại song Australia dần độc lập hơn với Mỹ và có những quyết sách cũng như các hành xử riêng, chú trọng tới việc đảm bảo môi trường khu vực thuận lợi. Xuất phát từ những thay đổi này mà quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã gia tăng mâu thuẫn trong những năm gần đây.
Tuy vậy, Australia vẫn luôn ủng hộ sự phát triển của Trung Quốc và chấp nhận thực thế là ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng trong khu vực và thế giới. Australia cũng rất cần Trung Quốc với tư cách là bạn hàng thương mại quan trọng hàng đầu. Vì vậy, điều mà Australia đang làm hiện nay đó là đi tìm điểm cân bằng trong mối quan hệ này để làm sao Trung Quốc vẫn chấp nhận việc giữa hai bên có khác biệt và cần phải nỗ lực để giải quyết trong khi vẫn duy trì được cán cân thương mại có lợi cho cả hai nước. Chừng nào chưa tìm được điểm cân bằng và Trung Quốc chưa chấp nhận điều này thì quan hệ giữa hai nước sẽ chưa thể lắng dịu.
Trong khi đó, dư luận Trung Quốc cho rằng cách hành xử của Australia cho thấy nước này đang vào hùa với Mỹ để chèn ép Trung Quốc.
Theo giáo sư John Blaxland của Đại học Quốc gia Australia, Canberra ngày càng mạnh mẽ trong việc chống lại Trung Quốc và điều này đạt được là nhờ chính sách cứng rắn của Washington với Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Trump và "mối quan hệ giữa Mỹ với Australia có vai trò quan trọng căn bản để tiếng nói của Australia có trọng lượng trên trường quốc tế". Do vậy, có phân tích cho rằng, có thể có 2 kịch bản chính cho quan hệ giữa Australia với Trung Quốc và các kịch bản này đều liên quan tới Mỹ.
Kịch bản thứ nhất, xuất phát từ lo ngại về những tác động địa chính trị trong sự trỗi dậy của Trung Quốc và nếu cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn gay gắt, Canberra sẽ tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh.
Trong kịch bản thứ hai, quan hệ giữa hai nước sẽ đảo chiều, Australia sẽ làm hòa và hạ giọng do những thay đổi trong thái độ, chính sách và cách tiếp cận với Trung Quốc của chính quyền mới ở Mỹ.
Việc Canberra làm hòa trước chính là điều mà Bắc Kinh thường xuyên nhắc tới. Quan chức nước này từng nhiều lần hối thúc Australia có những hành động có lợi cho sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác song phương, phù hợp với tinh thần quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, tạo điều kiện và bầu không khí thuận lợi cho hợp tác thiết thực giữa hai bên trên các lĩnh vực.
Article sourced from VOV.