Úc triển khai Bảo vệ bí mật quân sự, thắt chặt quản lý cựu quân nhân
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Peter West. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia.
Theo Bộ Quốc phòng Australia, hôm 7/5, Australia chính thức triển khai Đạo luật Bảo vệ bí mật quân sự 2024 nhằm thắt chặt việc quản lý các nhân viên quốc phòng và quân nhân đang tại chức hoặc đã về hưu trong việc tiếp xúc và làm việc cho các thực thể nước ngoài, cũng như ngăn chặn nguy cơ rò rỉ các nguồn tài nguyên và bí mật quốc gia.
Theo ông West, sự kiện này đi cùng sự ra đời và hoạt động của Cơ quan bảo vệ Bí mật quân sự quốc gia, dựa trên khuyến nghị từ kết quả đánh giá về vấn đề rò rỉ bí mật quân sự năm 2022, trong đó có việc một số cựu phi công quân sự từ các nước thuộc nhóm tình báo Ngũ Nhãn (Five-eyes) gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada, New Zealand và Ireland đã được một số quốc gia đối thủ tuyển dụng. Những sự kiện như vậy cho thấy đây là lỗ hổng rò rỉ bí mật quân sự, đe doạ nghiêm trọng tới an ninh quốc gia của Australia và các đồng minh.
Theo đạo luật mới, các cựu nhân viên Bộ Quốc phòng có nhu cầu làm việc cho quân đội và chính phủ nước ngoài phải nộp đơn và được Bộ Quốc phòng Australia, mà trực tiếp là Cơ quan Bảo vệ bí mật quân sự quốc gia xem xét, phê duyệt. Các cựu nhân viên chỉ được làm việc cho nước ngoài sau ít nhất một đến mười năm sau khi giải ngũ, tùy thuộc vào vị trí từng công tác và mức độ nhạy cảm của thông tin mà họ đã tiếp xúc. Chỉ có một số ngoại lệ áp dụng đối với quân đội các nước Ngũ Nhãn, các hoạt động của chính phủ Australia hoặc Liên Hợp Quốc. Trọng tâm của việc phê duyệt là người hưởng lợi cuối cùng của công việc đó chứ không nhất thiết là chủ thể tuyển dụng.
Theo ông Peter West, các cựu quân nhân có thể làm việc cho Boeing, một công ty lớn của Mỹ, nhưng nếu Boeing được chính phủ Ấn Độ thuê để huấn luyện bay, thì đạo luật sẽ xem xét chủ thể Ấn Độ là người hưởng lợi cuối cùng, không phải Boeing.
Đạo luật Bảo vệ bí mật quân sự năm 2024 của Australia cũng áp dụng cho công dân hoặc thường trú nhân Australia được đào tạo về chiến thuật quân sự và sử dụng các công nghệ quân sự. Các đối tượng vi phạm luật này sẽ phải đối mặt với các hình phạt cao nhất của tội cố ý để lộ bí mật quốc gia.
Article sourced from VOV.