Úc “quay cuồng” vì khan hiếm nhân lực
Ở Melbourne, Australia, những "vết sẹo" từ cuộc phong tỏa dài nhất thế giới do đại dịch Covid-19 vẫn còn âm ỉ, khi ngày càng nhiều tấm biển "cho thuê" và văn phòng trống xuất hiện.
Ngay cả khi đại dịch đã suy giảm dần trên khắp thế giới, thủ phủ của bang Victoria vẫn cần sự giúp đỡ.
Cả thành phố Melbourne, bang Victoria và Australia hiện đối mặt với một vấn đề chung: Hai năm đóng cửa biên giới nghiêm ngặt khiến các doanh nghiệp phải tranh giành nguồn nhân lực, để lấp đầy nửa triệu vị trí tuyển dụng, tại một quốc gia từng được coi là "quốc gia nhập cư".
“Tôi đã đi khắp tiểu bang trong 6 tuần qua, dù ở vùng đô thị hay ngoại ô, khả năng tiếp cận với người lao động vẫn là vấn đề hàng đầu”, ông Paul Guerra, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Victoria, cho biết.
"Các doanh nghiệp phản ánh rằng có rất nhiều vị trí làm việc đang bỏ trống. Cách duy nhất để lấp đầy sự thiếu hụt này là thông qua nhập cư. Đối với Australia, đây là (nhiệm vụ) khẩn cấp hiện nay", ông nói với Nikkei Asia.
Gần một nửa dân số Australia là những người nhập cư thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai. Trước đại dịch Covid-19, nước này có lực lượng lao động nhập cư tạm thời lớn thứ hai trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Hiện nay, Australia đang đối mặt tình trạng thiếu lao động tồi tệ thứ hai trong số các nước phát triển, chỉ sau Canada. Tình trạng thiếu hụt phổ biến ở nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh doanh khách sạn, chăm sóc trẻ em và người già, y tế, giáo dục và công nghệ thông tin.
Melbourne, nơi chứng kiến dòng người di cư kỷ lục nhằm thoát khỏi những cuộc phong tỏa mệt mỏi, đang “quay cuồng” vì khan hiếm nhân lực.
"Cuộc đại tu lớn nhất"
Các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt, cũng như việc thiếu sự hỗ trợ cho người di cư tạm thời và sinh viên quốc tế trong đại dịch, đã khiến dân số Melbourne giảm 60.500 người chỉ trong một năm. Theo Cục Thống kê Australia, sự sụt giảm đó nhiều hơn bất kỳ thủ phủ tiểu bang nào trên toàn quốc.
Đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, chính phủ liên bang do Thủ tướng Anthony Albanese lãnh đạo đang bắt tay vào cuộc đại tu lớn nhất đối với chương trình nhập cư lâu dài của nước này, kể từ khi Thế chiến II kết thúc.
"Chúng ta cần trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường lao động toàn cầu, (để thu hút) lao động có kỹ năng mà chúng ta cần", ông Albanese cho biết vào tháng 9. "Một cách để làm được điều đó là tạo cơ hội nhập cư lâu dài".
Chính phủ Australia đã quyết định tăng số lượng người nhập cư từ 160.000 lên đến 195.000 người trong năm 2022-2023. Con số này bao gồm 6.800 nhân lực cho lĩnh vực công nghệ và 4.700 người trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, theo AP.
Việc phân bổ thị thực nhập cư lâu dài hiện sẽ ưu tiên cho người lao động, thay vì chia đều với những người nhập cư theo gia đình như trước đây.
Tuy nhiên, khi cuộc chạy đua tìm kiếm nhân tài đang nóng lên trên khắp thế giới, một số chuyên gia cho rằng chính phủ ông Albanese khó có thể thu hút người nhập cư quay trở lại Australia - nơi từng được mệnh danh là "pháo đài" vì biện pháp phòng chống dịch cứng rắn.
"Danh tiếng của Australia đã bị ảnh hưởng rất lớn trong đại dịch Covid-19. Cựu Thủ tướng (Scott Morrison]) đã yêu cầu những người chuyển đến và xây dựng cuộc sống ở Australia trở về quê hương họ", bà Liz Allen, nhà nhân khẩu học của Đại học Quốc gia Australia, cho biết.
Thủ tướng Albanese cũng từng chỉ trích điều này: "Có lẽ đó không phải quyết định khôn ngoan nhất khi đề nghị người có thị thực tạm thời rời đi trong đại dịch".
"Và việc không cung cấp thu nhập hay hỗ trợ cũng đồng nghĩa nhiều người rời đi với cảm giác tồi tệ về Australia. Điều đó sẽ lan rộng", ông nói và khẳng định Austrailia cần nâng cao danh tiếng trở lại, theo Financial Review.
Giải pháp ngắn hạn
Chính quyền Thủ tướng Albanese cho biết sẽ tăng ngưỡng thu nhập của người nhập cư tạm thời, trong bối cảnh lo ngại về mức lương và điều kiện sống của người lao động.
Đồng thời, sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học của Australia thuộc những ngành đang thiếu nhân lực, có thể ở lại nước này thêm 2 năm.
Chính phủ cũng phân bổ khoảng 22 triệu đô để giảm thời gian xử lý thị thực và giải quyết 900.000 đơn đăng ký tồn đọng.
Ông Guerra cho biết việc giải quyết tình trạng tồn đọng này rất quan trọng, khi người lao động nhập cư và sinh viên quốc tế hiện có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết.
“Chúng ta phải đảm bảo thủ tục visa đơn giản và nhanh chóng nhất có thể. Các hồ sơ đã tồn đọng quá lâu”, ông nói.
Các công ty tư vấn lớn nhất của Australia, bao gồm EY và Deloitte, coi việc chậm trễ xử lý thị thực là một rào cản lớn trong việc thu hút nhân tài quốc tế. Hiện nay, thị thực ngắn và trung hạn của Australia mất 83 ngày để hoàn tất, tăng so với 53 ngày vào tháng 3.
Các biện pháp khác đang được xem xét, bao gồm việc đảo ngược kế hoạch hủy bỏ thị thực đầu tư - cho phép những người đầu tư 5 triệu đô vào thị trường Australia ở lại nước này.
Theo Hội đồng dịch vụ Tài chính - tổ chức đại diện cho ngành quản lý tài sản của Australia, chính sách này đã thu hút hơn 7,46 tỷ đô đầu tư vào hàng trăm doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu vào năm 2012.
“Cần có một vị trí trong hệ thống di cư của Australia dành cho những người có tay nghề cao cũng như những người tạo việc làm, nhà đầu tư và doanh nhân”, Giám đốc điều hành Hội đồng dịch vụ Tài chính Blake Briggs cho biết.
"Chúng ta cũng nên xem xét các khu vực khác trên thế giới và cách họ thực hiện chính sách tương tự, chẳng hạn gần đây, Mỹ đã tái xác nhận chương trình nhà đầu tư nhập cư để giúp các cá nhân chuyển đến nước này dễ dàng hơn, khi họ đầu tư vào một doanh nghiệp thương mại mới, tạo ra công việc toàn thời gian", ông giải thích.
Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, liệu người Australia có hoan nghênh làn sóng nhập cư với vòng tay rộng mở?
Một cuộc thăm dò do công ty nghiên cứu Resolve Poli Monitor thực hiện cho thấy chỉ 1/3 người Australia ủng hộ quyết định tăng giới hạn số người nhập cư lâu dài thêm 35.000. Nhiều người cũng nghi ngờ về tác động đối với việc làm, nhà ở và cơ sở hạ tầng từ chính sách này.
"Mọi người đang coi (nhập cư) như một cách đối phó với tình trạng thiếu lao động có kỹ năng. Theo tôi, đó là một cách nghĩ sai lầm", Brendan Coates, giám đốc bộ phận chính sách kinh tế tại viện Grattan, cho biết.
"Hầu hết người di cư được cấp thị thực lâu dài tại Australia đã định cư theo thị thực tạm thời. Ngay cả khi có người mới đến, họ sẽ làm tăng cả nhu cầu và nguồn cung lao động", ông nói.
Vị chuyên gia lý giải những người nhập cư "làm việc và chi tiêu nhiều nhất có thể”. “Họ lấp đầy những vị trí trống trên thị trường việc làm nhưng cũng tạo thêm việc làm”, ông Coates nói.
Song ông tin rằng Australia vẫn thu được lợi ích đáng kể nếu gia tăng số người nhập cư lâu dài.
viện Grattan ước tính kế hoạch này sẽ dẫn đến mức tăng ngân sách hơn 20 tỷ đô, tương đương khoảng 2% GDP của nước này.
“Những người di cư phải trả thuế và họ kiếm được thu nhập cao. Đặc biệt, họ không sử dụng các dịch vụ công hoặc lương hưu vì chưa nghỉ hưu”, ông nói thêm.
Trong khi đó, ông Oliver tự tin rằng Australia "sẽ không gặp nhiều khó khăn" trong việc đáp ứng mục tiêu nhập cư bổ sung để giải quyết tình trạng thâm hụt lao động, song nhà kinh tế cho biết đây là một giải pháp ngắn hạn.
"Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ giống như các quốc gia khác luôn dựa vào lao động nước ngoài giá rẻ để duy trì hoạt động. Trọng tâm lâu dài hơn phải là đào tạo người Australia một cách phù hợp", ông nói.
"Có vẻ như chúng ta đang né tránh và chưa thực sự giải quyết được vấn đề cốt lõi", ông kết luận.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3597262