Úc đang rơi vào tình trạng “sụt giảm năng suất làm việc”

16:00' 15-05-2023
Theo trang mạng ABC News, Australia có thể đang rơi vào tình trạng “sụt giảm năng suất làm việc” mà không hay biết.


    Australia "vô tình" rơi vào tình trạng sụt giảm năng suất làm việc. Ảnh: TTXVN

    Giáo sư Greg Clark, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về các thành phố, cảnh báo Australia có nguy cơ rơi vào giai đoạn sụt giảm năng suất kéo dài “mà không hay biết” nếu lực lượng lao động ở nước này không trở lại làm việc tại văn phòng nhiều hơn.

    Chia sẻ trong chương trình truyền hình buổi sáng News Breakfast của Đài ABC, ông Greg Clark, người từng cố vấn cho hơn 300 thành phố lớn ở 40 quốc gia trên thế giới, cho rằng Australia và Mỹ là những nước chậm quay trở lại làm việc tại văn phòng nhất kể từ sau đại dịch.

    Giáo sư Clark đã theo dõi 150 thành phố trên thế giới kể từ khi COVID-19 bùng phát và nhận thấy ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, Trung và Nam Mỹ, xu hướng làm việc tại văn phòng đang tăng mạnh hơn so với giai đoạn trước đại dịch.

    Ông Clark cho biết: “Tôi nghĩ mọi người bị đang tin rằng đây là phong cách sống mới mà không tính đến những hậu quả lâu dài của việc không làm việc cùng đồng nghiệp cũng như không làm những công việc khác mà lẽ ra họ cần phải làm”. Ông nhận định: “Nền kinh tế Australia đang trên lộ trình trở thành một nền kinh tế đổi mới giàu mạnh, song để đổi mới và giàu mạnh, chúng ta cần phải hợp tác với các đồng nghiệp của mình ở nơi làm việc".

    Tại Australia, thành phố Brisbane có tỷ lệ thu về lợi nhuận cao hơn các thành phố khác là Sydney và Melbourne. Một cuộc khảo sát mới nhất do Phòng Thương mại bang Victoria tiến hành cho thấy hình thức làm việc kết hợp vẫn còn rất phổ biến. Trong khi những người đi làm 3-4 ngày/tuần tại các cơ sở kinh doanh trong Khu trung tâm thành phố Melbourne đã tăng lên 46% vào tháng 3/2023, số người đi làm 5 ngày/tuần đã giảm từ 19% vào tháng 11/2022 xuống còn 8% vào tháng 3/2023.

    Theo Giáo sư Clark, trong khi rất nhiều người Mỹ vẫn đang làm việc từ xa nhờ tính tiện ích của công nghệ thì tính di động cao và thói quen thường xuyên thay đổi nơi làm việc của người Australia, kết hợp với yếu tố cơ sở hạ tầng giao thông tương đối kém tại đây đã khiến tỷ lệ làm việc tại nhà tăng cao.

    Tình trạng thiếu nhà ở gần các trung tâm thương mại và thiếu nhà có giá hợp lý đã đẩy người lao động ra xa vùng ngoại ô hơn. Ông Clark cho rằng: "Vì nhiều người Australia mất nhiều thời gian di chuyển bằng ô tô do bất tiện khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nên ý tưởng làm việc tại nhà trở nên rất hấp dẫn. Tuy nhiên, rủi ro là năng suất làm việc tại nhà thực sự kém hơn nhiều và cuối cùng dẫn đến thu nhập thấp hơn, mất ổn định việc làm và từ đó chất lượng cuộc sống giảm sút”.

    Giáo sư Clark cho biết, giải pháp là cần xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng tốt hơn và cần xây nhiều nhà ở gần trung tâm thành phố hơn.

    Lợi thế của làm việc độc lập

    Tăng trưởng năng suất của Australia đã giảm trong vòng hai thập kỷ qua, phần lớn là do suy giảm tính năng động trong hoạt động kinh doanh và tốc độ đổi mới chững lại.

    Nhưng không phải tất cả các chuyên gia đều cho rằng giải pháp chính là đưa mọi người trở lại làm việc với nhau trong một môi trường văn phòng. Tiến sỹ Agustin Chevez thuộc Trung tâm nghiên cứu về lực lượng lao động mới của Đại học Công nghệ Swinburne (Australia) không cho rằng Australia có nguy cơ rơi “vô tình” bước vào giai đoạn giảm năng suất kéo dài.

    Ông Chevez lập luận rằng đôi khi làm việc độc lập đóng vai trò rất quan trọng đối với tư duy sáng tạo và đổi mới, và văn phòng chỉ là một nơi để mọi người chia sẻ ý tưởng một cách nhanh chóng, nhưng thời điểm này đã qua. Tiến sỹ Chevez cho rằng: “Tồn tại một suy nghĩ sai lầm khi cho rằng những ý tưởng hay chỉ xuất hiện trong các nhóm làm việc hoặc trong một mối quan hệ hợp tác. Thực chất những gì mà mối quan hệ hợp tác đóng vai trò chỉ là điều phối các ý tưởng. Những ý tưởng độc đáo chỉ xuất hiện thường xuyên khi mọi người làm việc độc lập”.

    Khía cạnh xã hội

    Để lôi kéo người lao động trở lại làm việc tại văn phòng, các công ty đang tìm cách nhấn mạnh về khía cạnh xã hội. Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp bang Victoria vào tháng 3/2023, hai phần ba các doanh nghiệp ở Khu trung tâm thành phố Melbourne áp dụng các biện pháp khuyến khích như tặng miễn phí bữa ăn trưa theo nhóm, tặng đồ uống cho nhân viên sau giờ làm hoặc trong các cuộc trao đổi trực tiếp để thu hút nhân viên làm việc tại văn phòng.

    Cùng với “củ cà rốt”, hơn một nửa số doanh nghiệp đã áp dụng phương pháp “cây gậy”. Khoảng 55% các doanh nghiệp quy định số ngày tối thiểu mà nhân viên của họ phải có mặt ở nơi làm việc, trong đó hơn một nửa số doanh nghiệp này quy định số ngày tối thiểu làm việc tại văn phòng là 3 ngày/tuần.

    Ngoài ra, khoảng 76% các doanh nghiệp cho biết họ không kỳ vọng nhân viên của họ quay lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng. Con số trên đã tăng từ 69% ghi nhận trong tháng 11/2022.

    Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa trên toàn cầu gia tăng, thế giới đang phải đối mặt với sự thay đổi về nhu cầu làm việc ở trung tâm các thành phố lớn sang làm việc trong một không gian xa hơn - nơi có thể kết hợp ăn ở, vui chơi và làm việc.

    Trên thế giới, nhiều văn phòng, công sở không được sử dụng làm nơi làm việc đang được cân nhắc chuyển đổi mục đích sử dụng sang thành nhà ở để thu hút dân cư đến các khu vực có nhiều tiện ích, đồng thời giúp giảm thiểu phát thải carbon do hoạt động xây dựng các tòa nhà mới.

    Giáo sư Clark cho biết, mặc dù các thành phố của Australia có những điểm hạn chế, song các thành phố tại đây vẫn là một trong những thành phố mà ông yêu thích vì là đây là những thành phố “tươi mới”, “tràn ngập tinh thần đổi mới và sáng tạo”. Ông tin rằng các khoản đầu tư hiện nay cho cơ sở hạ tầng sẽ mang lại hiệu quả.

    Khi được hỏi về thành phố trên thế giới mà ông Clark rất yêu thích, ông cho rằng đó là thành phố Vienna của Áo. Lý do là vì giá nhà tại đây khá hợp lý khi Chính phủ nước này đã thành lập một công ty cổ phần đầu tư vào tất cả các hình thức sở hữu nhà ở, và nhà tại đây được coi là tiện nghi chứ không phải tài sản. Ông cho biết: “Ở đây chỉ tốn một euro để sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho cả ngày”./.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Bedshed Highpoint Vùng: Maribyrnong. Phone: 9317 3122
Xem thêm

chuyên về các dịch vụ có liên quan đến Trang trí nội thất tại các vùng trong Melbourne.


Article sourced from BNEWS.

Original source can be found here: https://bnews.vn/australia-vo-tinh-roi-vao-tinh-trang-sut-giam-nang-suat-lam-viec/291109.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ