Úc cho phép sử dụng MDMA trong điều trị y tế
Nấm gây ảo giác psilocybin. Ảnh: Bloomberg
Từ giờ trở đi, các bác sĩ của Australia có thể kê toa một số chất gây ảo giác như MDMA, còn được gọi là thuốc lắc và psilocybin (một loại nấm gây ảo giác cực mạnh) cho những người mắc chứng trầm cảm khó điều trị hoặc những người bị chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Australia trở thành quốc gia đầu tiên đưa hai loại thuốc này vào danh sách thuốc được phê duyệt bởi Cục Quản lý Dược phẩm.
Các nhà khoa học ở Australia đã rất ngạc nhiên và vui mừng trước động thái này. Một nhà khoa học cho biết động thái này đưa Australia “đi đầu trong nghiên cứu sử dụng thuốc gây ảo giác trong điều trị tâm thần”.
Chris Langmead, Phó giám đốc Trung tâm Khám phá thần kinh tại Viện Khoa học dược phẩm Monash, cho biết có rất ít tiến bộ trong việc điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần dai dẳng trong 50 năm qua.
Trước đó, hai tiểu bang của Mỹ đã phê duyệt các biện pháp sử dụng thuốc lắc trong điều trị trầm cảm. Oregon là bang đầu tiên hợp pháp hóa việc sử dụng psilocybin ở người lớn và các cử tri của Colorado đã hợp pháp hóa psilocybin vào năm 2022.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thừa nhận psilocybin là một “liệu pháp đột phá” vào năm 2018.
Tháng trước, FDA cũng đã công bố dự thảo hướng dẫn cho các nhà nghiên cứu tiến hành các thử nghiệm lâm sàng thử nghiệm thuốc ảo giác như phương pháp điều trị tiềm năng cho nhiều tình trạng y tế.
Tuy nhiên, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ vẫn chưa tán thành việc sử dụng chất gây ảo giác trong điều trị, với lưu ý rằng FDA vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Hơn nữa, các chuyên gia y tế ở Mỹ và các nơi khác, bao gồm cả Australia cũng cảnh báo rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn về hiệu quả, tác dụng phụ và mức độ rủi ro khi sử dụng thuốc gây ảo giác trong điều trị.
Thêm vào đó, các loại thuốc này sẽ khá đắt đỏ ở Australia - khoảng 10.000 USD (khoảng 6.600 đô la Mỹ) cho mỗi bệnh nhân điều trị.