Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn

16:00' 03-03-2021
Cuốn sách là một nguồn tham khảo cực kỳ hữu ích và truyền cảm hứng dành cho giới trẻ. Những mẩu chuyện trong sách như gỡ rối được phần nào tâm trạng chung của tuổi 20 vì có nhiều điều vẫn còn xa lạ, mới mẻ khi bước chân từ trường học ra trường đời.


    Tuổi đôi mươi, ai chẳng ít nhất một lần thao thức cả đêm, trằn trọc không ngủ nổi khi nghĩ đến những năm tháng phía trước. Không biết tương lai mình sẽ đi về đâu, mơ hồ, lạc lõng trong những vòng xoáy cuộc sống. Những tháng ngày lê lết trên giảng đường, thời gian rảnh lại tranh thủ đi làm thêm, cuộc sống cứ cuốn đi, đến khi bạn nhìn nhận lại cuộc đời một cách nghiêm túc, bạn vẫn chẳng biết bước tiếp theo, lúc tốt nghiệp đại học, mình nên làm gì. Bạn chẳng thể tìm ra được mình đam mê, khao khát điều gì; cảm thấy bản thân là kẻ vô dụng, thất bại khi nhìn vào cuộc sống của bạn bè đồng trang lứa.

    Cuốn sách “Tuổi 20 – những năm tháng quyết định cuộc đời bạn” của Meg Jay là tập hợp những cuộc chuyện trò, hỏi đáp giữa một bác sĩ tâm lý với những người trong độ tuổi 20 còn nhiều lo lắng, hoang mang về tương lai. Cuốn sách được tác giả chia thành 3 phần: công việc, tình yêu, trí não và cơ thể.

    Công việc

    Tác giả bắt đầu bằng “công việc” vì đây là thứ mơ hồ, mông lung nhất của người trẻ. Cô lần lượt giới thiệu những vị khách tìm đến cô để được tư vấn tâm lý. Đầu tiên là Helen, một cô gái 27 tuổi, cho rằng mình bị khủng hoảng bản ngã, không xác định được định hướng của mình, tiếp tục làm công việc trông trẻ để kiếm sống qua ngày. Ian, chàng trai 25 tuổi, cảm thấy như mình đang đứng giữa đại dương bao la, choáng ngợp, bối rối, không biết đi hướng nào mới là lựa chọn đúng đắn, cho nên cậu chỉ có thể đạp nước tại chỗ để có thể sống sót. Cậu không muốn bắt đầu xác định một công việc, vì cậu sợ những thứ rập khuôn, nhàm chán, lặp đi lặp lại hàng ngày, nhưng cậu vẫn lo lắng về một tương lai mơ hồ. Và cả Talia, một cô gái luôn lo lắng về tương lai, cô cũng hay so sánh cuộc đời mình với cuộc đời của bạn bè trên Facebook, bị sức ép từ những điều được khuyên hãy “nên làm”. Cô nghĩ đáng ra cuộc đời mình phải tốt đẹp hơn. Cô ghen tỵ những điều đẹp đẽ hào nhoáng của bạn bè. Cô thấy mình thật kém cỏi. Nhưng bạn có biết rằng người ta chỉ khoe những gì tốt đẹp nhất lên mạng xã hội không? Liệu có phải cô đang so sánh những ngày tồi tệ của mình với những ngày hạnh phúc của người khác?

    Thông qua những cuộc trò chuyện, ta hiểu được vì sao những người trong độ tuổi 20 lại gặp những khủng hoảng, lo sợ về tương lai. Họ thực sự không biết ước mơ của mình là gì, họ đắn đo giữa những lựa chọn, ngã rẽ. Nhiều người trẻ lo lắng sợ chọn sai, sợ đi nhầm đường, nên rốt cuộc họ không-làm-gì-cả, lẩn tránh những lựa chọn và chờ đợi một ngày ai đó đến và dắt tay chỉ lối cho họ. Nếu chưa biết mình muốn gì, hãy cứ bắt đầu một công việc thật nghiêm túc. Từ đó các cơ hội tốt sẽ tới, đam mê sẽ dần nảy sinh. Chỉ ngồi đó và chờ đợi một cơ hội tốt hơn, điều đó sẽ không thể nào xảy ra. Đây là giai đoạn quan trọng của mỗi người, những gì ta làm hay không làm đều có ảnh hưởng lớn đến những năm tháng sau này. Ta cũng có cái nhìn khác về những mối quen sơ, những người ta ít khi gặp, không quen thân nhưng lại là những người có khả năng thay đổi cuộc đời ta nhất. Họ đem lại cảm giác khác biệt, họ biết những người và những mối quan hệ mà ta không biết, từ đó thông tin và cơ hội lan tỏa nhanh hơn.

    Tình yêu

    Tác giả giới thiệu câu chuyện của Emma, một khách hàng có tuổi thơ buồn, gia đình nợ nần, mẹ nghiện ngập, bố tự tử. Cô hẹn hò tùy ý và cũng không quan tâm đến gia đình bạn trai như thế nào. “Tôi không thể mong đợi bố mẹ bạn trai tôi là những người hoàn hảo được. Vì bố mẹ tôi không hoàn hảo.”, cô giãi bày. Những người có tuổi thơ bất hạnh như Emma tin rằng “gia đình đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của họ, chỉ người khác mới có được”, nhưng cô không biết rằng, cô có thể lựa chọn gia đình của riêng mình, cô có quyền được lựa chọn hạnh phúc. Khao khát được yêu thương nhưng lại sợ mình không có tư cách được yêu thương, đó là tâm lý của những người luôn thiếu thốn tình thương, thật đáng buồn.

    Tác giả cũng đề cập đến vẫn đề sống thử, một vấn đề không còn mới mẻ đối với giới trẻ hiện nay. Không thể hiện quan điểm đồng tình hay phản đối sống thử, Meg Jay chỉ đưa ra một câu chuyện có thực về một khách hàng của cô – Jennifer, từ đó đưa ra những ảnh hưởng của sống thử mà chúng ta nên hiểu kĩ trước khi đưa ra quyết định của mình. Jennifer đang cảm thấy bế tắc trong chính cuộc hôn của mình sau ba năm sống thử. Giống như quan niệm của những người trong độ tuổi 20 khác, cô cho rằng sống thử là cách tốt nhất để thử xem có thể tiến tới hôn nhân được hay không, tránh tình trạng ly hôn. Tuy nhiên, từ sống thử đến hôn nhân là cả một quãng đường dài mà những người trẻ chưa nhận thức được. Sống chung sẽ rẻ hơn và tiện hơn, lại không có một sự ràng buộc nào, họ không nghĩ nhiều đến tương lai nên ít có trách nhiệm hơn. Sống chung dần dần hé lộ sự thờ ơ, không thực sự có ý định nghiêm túc đến từ một trong hai phía. Do đó, nếu vẫn đi đến hôn nhân, khả năng ly hôn sẽ rất cao, như tác giả đã khẳng định: “Những cặp đôi sống cùng nhau trước khi cam kết với đối phương một cách rõ ràng chính là những người có nhiều nguy cơ đối mặt với vấn đề giao tiếp yếu kém giữa hai người hơn, mức độ cam kết thấp hơn của cả hai trong mối quan hệ và nhiều nguy cơ thiếu ổn định trong cuộc sống hôn nhân về sau hơn”. Vốn dĩ, họ đã quen với sự thiếu cam kết, ràng buộc từ trước.

    Trí não và cơ thể

    Những năm tháng tuổi 20 là những năm tháng quan trọng, vì não bộ sẽ trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ, sản sinh nhiều nơ-ron thần kinh, nên ta phải tận dụng tối đa khoảng thời gian này để học tập, trau dồi tri thức, kỹ năng. Tính cách trong giai đoạn này cũng thay đổi nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào. Sau tuổi 20, ta sẽ không thể học hỏi nhanh được, vì não bộ đã vững chắc, ổn định, khó để tạo ra những thay đổi lớn nào nữa. “Ta trở thành những gì mình nghe, thấy và làm hàng ngày. Ta không trở thành những gì ta không nghe, không thấy và không làm hàng ngày.” Vậy nên, hãy sống hết mình, không ngừng học hỏi, thử thách bản thân để hiểu hơn về chính mình, sống hạnh phúc, tự tin hơn.

    Ta bắt gặp Danielle, một nữ khách hàng luôn lo lắng, nghi ngờ khả năng của bản thân vì cô thường xuyên bị sếp khiển trách. Trong độ tuổi 20, não bộ đang trong quá trình phát triển nên nó có phản ứng khá mạnh mẽ với các chỉ trích cũng như những lời khen ngợi. Bên cạnh đó, sếp của Danielle không phải là một người nhạy cảm, ông không thích phải hướng dẫn, định hướng lớp trẻ từ những ngày đầu bỡ ngỡ gia nhập vào thế giới, khiến cho cô luôn cảm thấy tồi tệ, khổ sở. Cô luôn đắm chìm trong những lo âu, không học cách xử lý vấn đề nên sự tự tin ngày càng giảm bớt. Cô luôn sợ mắc sai lầm, nên đôi khi lại mơ làm công việc đơn giản nào đó, khỏi lo nghĩ. Chính vì thiếu tự tin nên ta luôn lẩn tránh bằng những công việc bán thất nghiệp, điều mà gây bất lợi cho tương lai của chúng ta. Để tự tin, công việc cần có thử thách và đòi hỏi tự thân nỗ lực, phấn đấu. Trải nghiệm nhiều, thất bại nhiều ta mới trở nên kiên cường, bản lĩnh, tự tin hơn. Quả thực, dành thời gian rèn luyện bản thân trong giai đoạn này là tiền đề, bước đệm quan trọng cho sự nghiệp sau này.

    Nhìn chung, cuốn sách này là một nguồn tham khảo cực kỳ hữu ích và truyền cảm hứng dành cho giới trẻ. Những mẩu chuyện trong sách như gỡ rối được phần nào tâm trạng chung của tuổi 20 vì có nhiều điều vẫn còn xa lạ, mới mẻ khi bước chân từ trường học ra trường đời.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Lyndale Secondary College Vùng: Dandenong North. Phone: 9795 2366
Xem thêm

Article sourced from BLOGRADIO.

Original source can be found here: https://blogradio.vn/tuoi-20-nhung-nam-thang-quyet-dinh-cuoc-doi-ban-nw230792.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ