Từ rạn san hô Great Barrier bị tẩy trắng đến nỗi lo di sản thế giới

11:00' 15-08-2023
Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) quyết định không đưa rạn san hô nổi tiếng Great Barrier (Australia) vào danh sách các địa điểm đang gặp nguy hiểm.


    Bleaching of coral continues to be a problem for the Great Barrier Reef. (PR HANDOUT IMAGE PHOTO)

    Các đợt “tẩy trắng” cùng sự nóng lên của toàn cầu đã gây thiệt hại đáng kể cho rạn san hô Great Barrier. Credit: AAP

    Quyết định này khiến nhiều nhà khoa học lên tiếng do có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rạn san hô có nguy cơ bị “tẩy trắng” hàng loạt vì san hô sẽ chết, trơ lại khung xương đá vôi vào mùa Hè năm tới.

    Tại cuộc họp ở Paris hôm 31/7, Ủy ban Di sản thế giới cho biết, dù rạn san hô đã ra khỏi danh sách nguy hiểm chứng tỏ chính phủ Australia đã đạt được “tiến bộ đáng kể” nhưng rạn san hô này vẫn đang chịu “mối đe dọa nghiêm trọng” từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm.

    Theo đó, Ủy ban này cho rằng, cần “những hành động bền vững để thực hiện các khuyến nghị cải thiện khả năng phục hồi lâu dài của rạn san hô” và yêu cầu chính phủ Australia báo cáo lại bằng một bản cập nhật trước ngày 1/2 năm tới – dịp cao điểm mùa Hè ở Australia.

    Lo ngại nghiêm trọng

    Mặc dù vậy, các nhà khoa học cho biết, có rất ít triển vọng cải thiện triệt để tình trạng bị “tẩy trắng” trong vòng chỉ sáu tháng kể từ bây giờ, đặc biệt là khi sự xuất hiện của El Ninõ khiến các đại dương nóng hơn.

    “Rất nhiều nhà khoa học khí hậu cảm thấy sốc bởi Great Barrier không được đưa vào danh sách”, ông Kimberley Reid từ Trung tâm nghiên cứu khí hậu cực đoan của Đại học Monash (Australia) nói với CNN.

    “Với các chính sách và lượng khí thải hiện tại, thế giới đang chứng kiến sự suy giảm của ít nhất 99% các rạn san hô toàn cầu và nếu không 'làm toáng' lên thì tôi không chắc điều gì sẽ xảy ra”, ông Reid nhấn mạnh.

    Bao phủ gần 345.000 km2, Great Barrier là nơi sinh sống của hơn 1.500 loài cá và 411 loài san hô, đóng góp hàng tỷ USD cho nền kinh tế Australia mỗi năm, quảng bá mạnh mẽ cho ngành du lịch về một trong những kỳ quan thiên nhiên vĩ đại nhất của Australia và của thế giới.

    Kể từ khi Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO lần đầu tiên đưa rạn san hô này vào xếp hạng “gặp nguy hiểm” năm 2021, chính phủ của Australia đã nỗ lực chứng minh họ là những “người trông coi” cẩn thận.

    Bộ trưởng Môi trường Australia Tanya Plibersek nói với báo giới hôm 1/8 rằng, bà không xin lỗi về việc vận động hành lang để đưa Great Barrier Reef ra khỏi danh sách “nguy hiểm”.

    “Việc vận động hành lang này nói lên sự thật về những gì chúng tôi đang làm”, bà Plibersek nói và liệt kê các chính sách lớn về môi trường mà chính phủ đảng Lao động thực hiện kể từ khi lên nắm quyền ở Australia vào năm 2022, bao gồm chi hàng triệu USD để cải thiện chất lượng nước và quản lý rạn san hô, các biện pháp giảm mức độ ô nhiễm đang làm nóng hành tinh, đặt mục tiêu phát thải và điện khí hóa nhà ở.

    Rạn san hô Great Barrier bị hiện tượng “tẩy trắng hàng loạt” nghiêm trọng vào năm 2016, 2017 và 2020, do thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch làm hành tinh nóng lên và nhiệt độ dại dương vì vậy cũng tăng thêm.

    Một đợt “tẩy trắng” khác vào năm 2022 lần đầu tiên xảy ra trong thời gian đang có La Ninã (hiện tượng ngược lại với El Ninõ) làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về tương lai của nó và kế hoạch quản lý của quốc gia.

    Còn nhiều việc cần làm

    Trong quyết định được dự thảo hôm 31/7, Ủy ban Di sản thế giới cho biết, rạn san hô đã có “một số phục hồi” kể từ lần bị “tẩy trắng” trước và quần thể của một số loài san hô quan trọng đang tăng lên hoặc phát triển ổn định hơn.

    Ủy ban Di sản thế giới đánh giá cao các hành động của chính phủ Australia nhưng vẫn khuyến cáo cần phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện chất lượng nước và “củng cố Kế hoạch rạn san hô 2050, bao gồm các cam kết rõ ràng của chính phủ nhằm giảm phát thải khí nhà kính”.

    Bà Plibersek cho biết, chính phủ Australia nhận thức rõ cần phải làm nhiều việc hơn để bảo vệ không chỉ rạn san hô mà còn hàng nghìn người Australia có công việc phụ thuộc vào nó. “Không ai coi trọng việc bảo vệ rạn san hô hơn chúng tôi. Tôi rất vui vì điều đó đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận”, bà nói.

    Bà Jodie Rummer, Giáo sư sinh vật biển tại Đại học James Cook, cho rằng, thế giới phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng làm gia tăng biến đổi khí hậu đối với không chỉ rạn san hô Great Barrier mà còn cả những nơi khác trên toàn thế giới. Bà nói: “Chúng ta cần giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phải thay thế chúng càng nhanh càng tốt trong thập kỷ này”.

    Trong khi đưa Great Barrier ra khỏi “danh sách nguy hiểm”, UNESCO đồng thời khuyến nghị đưa một số di sản khác vào danh sách này. Chẳng hạn như Venice, một trong những điểm du lịch nổi tiếng và “mong manh nhất” ở Italy.

    Venice là một trong 1.157 Di sản thế giới được công nhận là nơi mang giá trị văn hóa, tự nhiên có “giá trị nổi bật toàn cầu”. Hiện nay, UNESCO đang kêu gọi chính phủ Italy nỗ lực tối đa giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài ở Venice, nơi mà trong nhiều năm qua đã phải vật lộn với tình trạng quá tải khách du lịch và các tác động của biến đổi khí hậu.

    Việc đưa các di sản thế giới vào “danh sách nguy hiểm” cho phép Ủy ban Di sản thế giới triển khai lập tức các biện pháp ứng phó thích hợp, đồng thời cảnh báo cộng đồng quốc tế về các thực trạng, thách thức còn tồn tại, với hy vọng các nước có thể tham gia vào các nỗ lực bảo tồn.

    Một số di sản thế giới Unesco trong danh sách gặp nguy hiểm:

    Afghanistan: Tháp giáo đường ở Jam (2002) và thung lũng Bamiyan (2003);

    Iraq: Thành phố cổ Ashur (2003), Hatra (2015) và Samarra (2007);

    Jerusalem: Thành cổ Old City (1982);

    Mali: Lăng mộ Askia (2012), thành phố cổ Timbuktu (2012) và Djenne (2016);

    Niger: Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Air và Tenere (1992);

    Syria: các thành phố cổ Aleppo (2013), Bosra (2013) và Damascus (2013), các thị trấn cổ ở miền Bắc Syria (2013), Crac des Chevaliers và Qalat Salah El-Din (2013), Palmyra (2013);

    Yemen: thị trấn lịch sử Zabid (2000), thành phố cổ Sanaa (2015) và Shibam (2015);

    Công viên quốc gia Everglades ở bang Florida của Mỹ (2010);

    Các công viên quốc gia của CHDC Conggo, CH Trung Phi và Senegal.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Bardo Le Noureddine Lawyers Vùng: Footscray. Phone: 7008 5084
Xem thêm

Article sourced from baoquocte.vn.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ