Trung Quốc và Úc có thêm chiến trường mới

13:00' 21-07-2021
Trung Quốc và Australia có thêm chiến trường cho thế đối đầu ngoại giao ngày càng sâu sắc giữa hai bên: giúp các quốc đảo Thái Bình Dương ứng phó với Covid-19.


    Đầu tháng 7, báo Trung Quốc Global Times cáo buộc Australia "làm trật bánh" nỗ lực triển khai vaccine Trung Quốc ở các quốc đảo Thái Bình Dương. Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Australia "phá hoại hợp tác vaccine" trong khu vực.

    Bắc Kinh cáo buộc Canberra cản trở nỗ lực triển khai vaccine Trung Quốc ở Papua New Guinea (PNG), quốc đảo Thái Bình Dương đông dân nhất. Đáp lại, Bộ trưởng phụ trách Thái Bình Dương của Australia, Zed Seselja, nói: "Chúng tôi ủng hộ Papua New Guinea đưa ra các quyết định có chủ quyền".

    Trong nhiều năm, Australia và Trung Quốc đã cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực gồm 14 quốc đảo và vùng lãnh thổ với dân số khoảng 10 triệu người tại Thái Bình Dương, nơi có lợi thế chiến lược cho cả hai bên. Vị trí nằm giữa Mỹ và châu Á của các đảo khiến chúng có ý nghĩa quân sự quan trọng và là địa điểm tiềm năng cho các cơ sở quốc phòng tương lai của Australia hoặc Trung Quốc.

    Các quan chức Australia cầm thùng chứa 8.000 liều vaccine AstraZeneca tại sân bay Port Moresby ngày 23/3. Ảnh: AFP.

    Các quan chức Australia cầm thùng chứa 8.000 liều vaccine AstraZeneca tại sân bay Port Moresby ngày 23/3. Ảnh: AFP.

    Australia có quan hệ kinh tế và văn hóa lâu đời với các quốc đảo Thái Bình Dương. Điều quan trọng đối với an ninh quốc gia của nước này là đảm bảo chính phủ Trung Quốc không giành được vị thế lớn trong khu vực.

    Đối với Trung Quốc, khu vực đại diện cho cơ hội mở rộng ảnh hưởng. Một số quốc đảo tại đây nằm trong số những quốc gia cuối cùng trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và hòn đảo không được phép có quan hệ chính thức với bất kỳ quốc gia nào.

    Giờ đây, tất cả những hành động chính trị đó đã biến đợt bùng phát Covid-19 ở PNG thành một lĩnh vực cạnh tranh khác khi Australia và Trung Quốc thể hiện mình là những đối tác muốn giúp đỡ.

    Trung Quốc đã cung cấp cho các quốc đảo Thái Bình Dương 300.000 liều vaccine, trong khi Australia đã gửi 600.000 liều và còn hứa cung cấp thêm 15 triệu liều nữa cho khu vực. Vì vậy, Bắc Kinh đang tụt lại phía sau.

    PNG đã không lâm vào tình cảnh nghiêm trọng khi Covid-19 bùng phát năm 2020, nhưng năm nay ca nhiễm tăng vọt, nâng tổng số lên hơn 17.000 ca nhiễm và 179 trường hợp tử vong. Khi ca nhiễm ở PNG bắt đầu tăng cao vào tháng hai, Trung Quốc tuyên bố sẽ gửi vaccine. Khi đó vaccine của họ chưa được WHO cấp phép, vì vậy Trung Quốc đã đồng ý cung cấp dữ liệu thử nghiệm cho PNG.

    Tuy nhiên, đến tháng 5, PNG mới phê duyệt vaccine Trung Quốc. Global Times nói rằng sự chậm trễ đó là do các nhà tư vấn Australia "làm việc trong bóng tối" ở PNG để "thao túng" các chính sách địa phương. "Australia bị phát hiện phá hoại và làm xáo trộn sự hợp tác của các quốc đảo Thái Bình Dương với Trung Quốc về vaccine và các biện pháp chống virus", Global Times viết.

    Australia đã cử các chuyên gia y tế tới PNG trong thời kỳ đại dịch để cung cấp hỗ trợ hậu cần tuyến đầu. Seselja bác tin Australia còn tư vấn cho PNG về hiệu quả của vaccine Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng Australia đã hỗ trợ chuyên môn y tế cho PNG từ rất lâu trước khi xảy ra đại dịch.

    "Cam kết của chúng tôi đối với Thái Bình Dương là lâu dài và toàn diện", Seselja nói. "Ý kiến cho rằng chúng tôi chỉ làm điều đó để phản ứng trước các quốc gia khác là không có cơ sở nếu bạn nhìn vào sự hỗ trợ diện rộng, nhất quán kéo dài hàng thập kỷ".

    Joanne Wallis, giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học Adelaide, bình luận việc cho rằng các chuyên gia y tế Australia đóng vai trò tư vấn, cung cấp thông tin cho PNG về hiệu quả của các loại vaccine là vô lý. Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, văn phòng Ứng phó Đại dịch Quốc gia Covid-19 của PNG đã không phản hồi yêu cầu bình luận.

    Thủ tướng Papua New Guinea James Marape nhận 15 máy thở từ Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Xinhua.

    Thủ tướng Papua New Guinea James Marape nhận 15 máy thở từ Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Xinhua.

    Việc PNG chậm phê duyệt vaccine Trung Quốc có thể chỉ đơn giản là vì thủ tục chứ không phải do nguyên nhân sâu xa nào khác. Giới chức PNG cho biết họ muốn Sinopharm được WHO phê duyệt trước khi triển khai vaccine. Đến tháng 5, WHO mới cấp phép Sinopharm nên trong quãng thời gian chờ, PNG đã tìm các giải pháp thay thế.

    Họ có ít sự lựa chọn. Trong tháng ba, đất nước 7 triệu dân ghi nhận hàng trăm ca Covid-19 mỗi ngày, làm dấy lên lo ngại đợt bùng phát có thể áp đảo hệ thống y tế vốn đã mỏng manh của quốc đảo.

    Tháng đó, Australia thông báo sẽ gửi 8.000 liều AstraZeneca tới PNG. Vào tháng 4, PNG đã nhận được 132.000 liều vaccine AstraZeneca từ chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu Covax. Australia đã gửi thêm 10.000 liều vào tháng 5, New Zealand gửi 146.000 liều vào tháng 6.

    Australia hào phóng như vậy là do họ có khá nhiều liều AstraZeneca. Ban đầu Canberra có ý định tiêm AstraZeneca cho toàn bộ dân số, nhưng sau đó khuyến cáo sử dụng vaccine này cho người trên 60 tuổi. Australia đã mua thêm vaccine Pfizer cho những người dưới 60 tuổi.

    PNG đang đối mặt vấn đề lớn hơn cạnh tranh ngoại giao Australia - Trung Quốc: Họ đang chật vật triển khai tiêm chủng. Tính đến ngày 4/7, PNG mới tiêm cho khoảng 60.000 người trong 7 triệu dân. Tính đến đầu tháng 6, họ có 130.000 lọ AstraZeneca do Covax cung cấp, sẽ hết hạn vào cuối tháng này.

    Justine McMahon, giám đốc tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận CARE International tại PNG, cho biết chương trình tiêm chủng diễn ra chậm một phần do nhiều người dân do dự về vaccine. Một số nhân viên y tế đã từ chối tiêm vì nghi ngờ về hiệu quả, một số bà mẹ không đến cuộc hẹn tiêm vaccine sởi vì sợ con của họ cũng sẽ được tiêm vaccine Covid-19.

    "Nếu họ đã phải đối mặt với những thách thức như vậy với số vaccine họ sở hữu, tại sao các nước khác còn cần gửi thêm vaccine?", Jonathan Pryke, giám đốc Chương trình Quốc đảo Thái Bình Dương của Viện Lowy, nói.

    Dù vậy, Australia đã cam kết cung cấp nhiều vaccine hơn cho khu vực. Tháng này, chính phủ tuyên bố sẽ bàn giao 15 triệu liều vaccine cho Đông Timor và các quốc đảo Thái Bình Dương trong 12 tháng tới, có nghĩa là phần lớn dân số trưởng thành ở khu vực có thể được tiêm chủng vào năm tới.

    Việc Australia muốn cung cấp vaccine cho khu vực là điều dễ hiểu. Australia cách PNG chỉ vài trăm km. Mặc dù việc đi lại giữa hai nước đã bị hạn chế, giới chức lo ngại các ca nhiễm có thể tràn qua biên giới. Australia, quốc gia từng kiểm soát PNG trong nhiều thập kỷ, cũng tự nhận thấy mình phải có trách nhiệm giúp đỡ.

    Trung Quốc là một trong những nhà tài trợ vaccine lớn nhất thế giới, nhưng ở các quốc đảo Thái Bình Dương, họ không có danh hiệu đó. Theo công ty phân tích Airfinity, Trung Quốc đã tặng 270.000 liều cho quần đảo Solomon, PNG và Vanuatu - chưa bằng một nửa số liều Australia cung cấp. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đề nghị cung cấp vaccine cho Fiji.

    Pryke cho biết nỗ lực ngoại giao vaccine của Bắc Kinh ở các quốc đảo Thái Bình Dương đã "trì trệ". Mặc dù các lãnh đạo cấp cao của cả Vanuatu và Quần đảo Solomon đã công khai tiêm vaccine Trung Quốc, đóng góp vaccine của Bắc Kinh cho khu vực diễn ra "không kèn không trống".

    Trung Quốc hiện chưa đưa ra bất kỳ cáo buộc chính thức nào về ảnh hưởng của Australia tại các quốc gia nói trên. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Về việc liệu các quốc gia liên quan có chịu áp lực từ Australia trong quá trình phê duyệt vaccine Trung Quốc hay không, phía Australia nên tự biết họ đã nói gì và làm gì".

    Kể từ năm ngoái, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc căng thẳng sau khi Thủ tướng Australia Morrison kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cho biết họ hy vọng phía Australia sẽ "kiểm điểm những sai lầm của chính mình, nghiêm túc thay đổi hướng đi và làm nhiều hơn nữa để bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của người dân các quốc đảo và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chống virus".

    Seselja cho biết Australia rất coi trọng "trật tự dựa trên luật lệ" ở Thái Bình Dương, đó là lý do nước này đầu tư vào lực lượng quốc phòng và hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng. Ông nói rằng ông không dành thời gian lo lắng về những căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc đang diễn ra ở Thái Bình Dương.

    McMahon, từ CARE International, cho rằng tranh luận về ngoại giao vaccine không mang lại ý nghĩa gì. Thay vì yếu tố chính trị, các quốc gia nên nỗ lực để công chúng hiểu rằng cách duy nhất thoát khỏi khủng hoảng là tiêm chủng.

    Nhưng khi Bắc Kinh tái tập trung vào khu vực, họ có thể hỗ trợ tài chính nhiều hơn, mang lại cho các quốc đảo Thái Bình Dương nhiều quyền lực đàm phán hơn khi Trung Quốc và Australia đang cạnh tranh ảnh hưởng.

    Wallis, từ Đại học Adelaide, cho biết người dân Thái Bình Dương đã ứng xử khéo léo với sự hiện diện của các cường quốc khác trong một thời gian dài. "Australia và đồng minh Mỹ có thể không phải lúc nào cũng thích những quyết định mà các quốc đảo Thái Bình Dương đưa ra", Wallis nói. "Nhưng các quốc đảo Thái Bình Dương không để bị qua mặt trước những nỗ lực gây ảnh hưởng đến họ".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
Big Sam Market Vùng: Niddrie. Phone: 9366 2237
Xem thêm

chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-australia-do-ngoai-giao-vaccine-4327009.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ