Trung Quốc tìm kiếm thêm các nhà cung cấp quặng sắt mới bên ngoài Úc
Quặng sắt. Ảnh: TTXVN
Truyền thông Australia, ngày 21/7, đưa tin Trung Quốc đang tiến hành kế hoạch đa dạng nguồn cung quặng sắt nhập khẩu, bằng cách thành lập một tập đoàn mới do nhà nước hậu thuẫn, nhằm củng cố và khôi phục trật tự cho thị trường trong nước, hướng tới việc tiếp cận đa dạng "người bán", bên ngoài Australia.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Tập đoàn Tài nguyên khoáng sản Trung Quốc, có tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ đô la Australia (AUD, khoảng 3 tỷ USD), đã được thành lập ngày 19/7, với mục đích tập trung nhu cầu mua quặng sắt cho ngành thép quốc gia và tăng khả năng thương lượng của Trung Quốc với các đối tác nước ngoài.
Một nguồn tin từ nội địa Trung Quốc cho biết tập đoàn này sẽ tìm kiếm thêm các nhà cung cấp quặng sắt mới, giảm bớt sức ảnh hưởng "thống trị" của các nhà cung cấp lớn từ Australia, như tập đoàn BHP và Fortescue.
Cuộc đàm phán đầu tiên mà Tập đoàn này thực hiện là với dự án Simandou, mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới ở Guinea, châu Phi.
Trong những năm trước, do sự chậm trễ, khó khăn kỹ thuật và bất đồng giữa các nhà đầu tư đã khiến dự án Simandou liên tục bị trì hoãn. Nếu giải quyết được các khó khăn này, khi đi vào hoạt động, Simandou hoàn thành có thể đe dọa đến sự thống trị hàng thập kỷ của Australia và Brazil (Bra-xin) đối với ngành công nghiệp quặng sắt.
Nhà phân tích Vivek Dhar của ngân hàng Commonwealth Bank cho biết dự án Simandou là dự án nổi bật của thế giới, đem tới viễn cảnh thương mại quặng sắt toàn cầu tăng lên một cách có ý nghĩa trong thập kỷ này.
Một chuyên gia ngành sắt thép Trung Quốc cho biết nước này có quá nhiều kênh và tổ chức nhập khẩu quặng sắt, dẫn đến khả năng thương lượng của các doanh nghiệp bị suy yếu và đôi khi đi kèm với việc bị ép giá.
Bằng cách thành lập Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc, nước này kỳ vọng có thể tập trung hóa một phần đáng kể các doanh nghiệp và kênh nhập khẩu, giảm sự cạnh tranh gây mất trật tự trên thị trường và cải thiện khả năng thương lượng.
Chuyên gia Dhar cho biết Trung Quốc đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi giá quặng sắt quốc tế, do các khu mỏ quy mô nhỏ của họ chỉ sản xuất được khoảng 15‑20% lượng quặng sắt tiêu thụ trong nước. Ông nói đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc tính toán đến việc đa dạng hóa nguồn cung quặng sắt, tránh phụ thuộc vào Australia.
Nhưng cách tiếp cận mới nhất có thể tạo ra sự thành công hơn so với hai thập kỷ trước, phần lớn là nhờ sự hợp nhất gần đây giữa các nhà sản xuất thép quốc doanh của Trung Quốc.
Nhà phân tích của ngân hàng Commonwealth Bank cho biết kế hoạch tập trung thu mua quặng sắt phù hợp với một số sáng kiến chính sách khác của Trung Quốc như tăng cường cung cấp quặng sắt trong và ngoài nước, tăng cường sử dụng thép phế liệu. Sự phối hợp các chính sách sẽ mang lại hiệu quả mong muốn cao hơn cho ngành công nghiệp quặng sắt Trung Quốc và làm giảm ảnh hưởng của các nhà xuất khẩu quặng sắt ngoại quốc.
Australia hiện là nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới. Năm 2021, nước này đã xuất khẩu 154 tỷ AUD (110 tỷ USD) quặng sắt, trong đó phần lớn được chuyển sang Trung Quốc. Quặng sắt nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thép, đặc biệt được sử dụng trong xây dựng, là động lực kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã lên tiếng phàn nàn về việc giá quặng sắt của Australia đang ngày càng tăng "phi mã", nhưng họ lại không có các lựa chọn thay thế khác.
Giám đốc điều hành của tập đoàn Fortescue Australia, Elizabeth Gaines, cho biết tập đoàn này vẫn duy trì mối quan hệ bền chặt với tất cả các bên liên quan của Trung Quốc. Bà khẳng định Fortescue sẽ đảm bảo tiếp tục tối ưu hóa các kênh phân phối, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng lâu năm và ngành công nghiệp thép Trung Quốc./.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/trung-quoc-tim-kiem-kha-nang-da-dang-hoa-nguon-cung-quang-sat-ben-ngoai-australia/251905.html