Trung Quốc nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở nam Thái Bình Dương

18:00' 07-06-2022
Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng ở nam Thái Bình Dương, trong khi Mỹ từ lâu đã tìm cách tạo dựng lòng tin với các quốc đảo.


    Chuyến công du 10 ngày đến nam Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang khiến thế giới tập trung chú ý vào khu vực này. Giới quan sát nhận định chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang theo đuổi một hướng đi mới trên hành trình tìm kiếm ảnh hưởng toàn cầu, thách thức trật tự do phương Tây dẫn dắt suốt hàng thập kỷ qua.

    Bề ngoài, Ngoại trưởng Trung Quốc dường như không thành công với chuyến đi của mình. Đề xuất trọng tâm mà ông đưa ra, một hiệp ước khu vực nhằm tăng cường vai trò của Trung Quốc đối với an ninh các quốc đảo ở Thái Bình Dương, đã bị rò rỉ với báo chí và sau đó bị các nhà lãnh đạo khu vực từ chối hoàn toàn.

    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) vẫy tay chào khi gặp Thủ tướng Vanuatu Bob Loughman Weibur tại thủ đô Port Vila của nước này hôm 1/6. Ảnh: AFP.

    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) vẫy tay chào khi gặp Thủ tướng Vanuatu Bob Loughman Weibur tại thủ đô Port Vila của nước này hôm 1/6. Ảnh: AFP.

    Đại diện 10 quốc đảo Thái Bình Dương đã không ngần ngại thể hiện nỗi bất bình trước việc Trung Quốc tìm cách thông qua một thỏa thuận có ảnh hưởng sâu rộng như vậy mà không cần tham vấn trước với họ.

    "Bạn không thể có một thỏa thuận khu vực khi các lãnh đạo khu vực chưa gặp nhau để thảo luận", Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mata'afa nói.

    Trong thế giới ngoại giao vốn kỹ lưỡng từng "đường đi nước bước", nơi mọi thỏa thuận thường được soạn thảo, bàn bạc cẩn thận trước khi các nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia đặt bút ký, động thái của Ngoại trưởng Vương Nghị được đánh giá là một sai lầm đáng kinh ngạc, giới quan sát đánh giá.

    "Đó là một hành động quá mức của Trung Quốc", Wesley Morgan, chuyên gia về quần đảo Thái Bình Dương tại Đại học Griffith, Australia, nhận định. "Họ hẳn là đã có một cuộc trò chuyện hơi khó chịu".

    Khi những ồn ào lắng xuống, các quan chức Trung Quốc, được biết đến nhiều hơn trong những năm gần đây với phong cách ngoại giao "chiến lang", bắt đầu lên tiếng.

    "Không phải mọi cuộc họp cấp bộ trưởng Trung Quốc - quần đảo Thái Bình Dương đều nhất thiết phải đưa ra các tài liệu sau hội nghị", đại sứ quán Trung Quốc ở Fiji ra tuyên bố.

    Theo Euan Graham, chuyên gia về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), bất chấp những lùm xùm, chuyến đi của Ngoại trưởng Vương cho thấy một "bước thay đổi" trong tham vọng của Trung Quốc ở khu vực. Ở nơi Trung Quốc từng tìm cách gia tăng ảnh hưởng theo "từng phần", họ giờ đây đã trở nên quyết liệt hơn. Bắc Kinh "đang tự tin, thậm chí rất tự tin" và rõ ràng "họ đang tăng cường các nỗ lực" gây ảnh hưởng của mình, Graham nói.

    Ông Vương đã đề cập đến các khoản đầu tư "đôi bên cùng có lợi" vào cơ sở hạ tầng, ngư nghiệp, lâm nghiệp cũng như các ngành nghề khác ở Thái Bình Dương, nhưng cũng bày tỏ quan tâm tới những lĩnh vực nhạy cảm như trị an, an ninh mạng hay giám sát hàng hải.

    Đằng sau nỗ lực đó, giới chuyên gia nhận định Trung Quốc đang hướng tới một chương trình nghị sự tham vọng hơn nhiều mà trọng tâm là nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ, thay đổi cán cân quân sự ở châu Á và thậm chí chuẩn bị cho một động thái quyết liệt hơn với Đài Loan.

    Chúng tôi "hy vọng có thể mở rộng vòng tròn bạn bè của mình", Zhao Shaofeng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các Quốc đảo Thái Bình Dương tại Đại học Liêu Thành, Trung Quốc, nói. "Mỹ đang tiếp tục bao vây và phong tỏa Trung Quốc trên phạm vi quốc tế. Trung Quốc nên phản công lại ở một mức độ nào đó".

    Nhiều quan chức Mỹ lo ngại mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là thiết lập một chỗ đứng vững chắc về mặt quân sự ở nam Thái Bình Dương. Điều này sẽ buộc Washington phải tổ chức lại các lực lượng của mình trong khu vực.

    Graham cho biết nếu Trung Quốc chỉ phát triển một căn cứ tại khu vực, nó sẽ "rất dễ bị tổn thương" bởi những cơ sở quân sự khổng lồ của Mỹ gần đó, như đảo Guam.

    "Nhưng rõ ràng tham vọng của Bắc Kinh lớn hơn thế nhiều", ông nói. "Nếu họ thiết lập được 3 hoặc 4 căn cứ, các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ sẽ phải xem xét vấn đề nghiêm túc hơn rất nhiều".

    Giới phân tích suy đoán Trung Quốc có thể muốn áp dụng chiến thuật "mưa dầm thấm lâu", giành những chiến thắng nhỏ và dần thuyết phục các lãnh đạo Thái Bình Dương đứng về phía mình khi họ nhận thấy những lợi thế chính trị nếu đứng về phía Bắc Kinh.

    Rốt cuộc, Ngoại trưởng Vương không trắng tay khi kết thúc chuyến công du của mình. Ông đã ký một loạt thỏa thuận song phương từ Samoa đến Papua New Guinea. Dù khiêm tốn, chúng cũng sẽ giúp cảnh sát, tàu thuyền và quan chức Trung Quốc hiện diện thường xuyên hơn trong khu vực.

    Quần đảo Solomon, nơi chính quyền Thủ tướng Manasseh Sogavare gần đây bị đe dọa bởi phong trào bạo loạn, đã ký một thỏa thuận an ninh có thể cho phép cảnh sát Trung Quốc đến đây để khôi phục ổn định.

    Nhưng Richard Herr, học giả tại Đại học Tasmania, người có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc ở những quốc đảo Thái Bình Dương, cảnh báo không nên đánh giá thấp các lãnh đạo địa phương.

    "Một số người cho rằng lòng trung thành của chính quyền các quốc đảo có thể bị mua chuộc bằng tiền", ông nói với AFP. "Nhưng họ không giành độc lập để bán nó đi".

    Theo Anna Powles, chuyên gia an ninh tại Đại học Massey, New Zealand, nhiều người không tin rằng các quốc đảo Thái Bình Dương có thể hoạch định được chính sách đối ngoại thực sự sắc sảo và cân bằng giữa cả Trung Quốc và phương Tây. "Nhưng chính xác là họ đang làm điều đó", bà nhấn mạnh.

    Tầu tuần duyên Juniper và Joseph Gerczak của hải quân Mỹ trở về căn cứ ở Honolulu, Hawaii, sau khi hoàn thành cuộc tuần tra kéo dài 42 ngày ở châu Đại Dương hồi tháng ba. Ảnh: US Coast Guard.

    Tầu tuần duyên Juniper và Joseph Gerczak của Mỹ trở về căn cứ ở Honolulu, Hawaii, sau khi hoàn thành cuộc tuần tra kéo dài 42 ngày ở châu Đại dương hồi tháng ba. Ảnh: US Coast Guard.

    Về phía Mỹ, trước khi Ngoại trưởng Trung Quốc thực hiện chuyến công du Thái Bình Dương, Washington đã điều tàu tuần duyên Myrtle Hazard tới tuần tra vùng đặc quyền kinh tế của Quần đảo Solomon, theo yêu cầu từ chính quyền nước này. Động thái của Mỹ được cho là nhằm thể hiện cam kết vững chắc đối với khu vực.

    Tàu Myrtle Hazard đã hiện diện ở khu vực như một phần trong Chiến dịch Thái Bình Dương Xanh. Theo mô tả của Tuần duyên Mỹ, đây là "nỗ lực đa nhiệm, bao trùm nhằm thúc đẩy an ninh, an toàn, chủ quyền và thịnh vượng kinh tế ở châu Đại dương, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ".

    Quần đảo Solomon chỉ là một trong số các đảo quốc ở Thái Bình Dương mà Mỹ hỗ trợ trong Chiến dịch Thái Bình Dương Xanh. Những quốc gia còn lại gồm có Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga và Papua New Guinea, tất cả đều là điểm dừng chân trong chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc.

    Trước đây, những nỗ lực trong khu vực của lực lượng Tuần duyên Mỹ không gây được nhiều chú ý. Tuy nhiên, chúng trên thực tế có ý nghĩa quan trọng và là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

    "Chúng tôi sẽ mở rộng hiện diện và vòng tròn hợp tác của lực lượng Tuần duyên Mỹ ở Đông Nam Á, Nam Á và các đảo Thái Bình Dương, tập trung vào cố vấn, đào tạo, triển khai và nâng cao năng lực", theo bản kế hoạch hành động của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    Trang web Tuần duyên Mỹ cho thấy tàu của họ đã di chuyển hàng nghìn km trong hai năm qua để giúp đỡ các quốc đảo Thái Bình Dương giám sát việc thực thi pháp luật trên biển.

    Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, đánh giá Tuần duyên Mỹ đã tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt ở các quốc đảo Thái Bình Dương.

    "Mạng lưới quan hệ quốc phòng và an ninh được thể chế hóa đó là thứ mà Bắc Kinh khó lòng tạo dựng được", ông cho hay.

    Với hải sản là nguồn thực phẩm chủ đạo và động lực kinh tế chính của các quốc đảo Thái Bình Dương, lực lượng Tuần duyên Mỹ khẳng định trọng tâm Chiến dịch Thái Bình Dương Xanh là ngăn chặn hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và không kiểm soát.

    Và điều này được cho là có mối liên hệ lớn tới Trung Quốc.

    "Các tàu cá treo cờ Trung Quốc đi khắp thế giới để đánh bắt và nổi tiếng với hành vi khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác, nhất là những nước đang phát triển", theo một báo cáo năm 2021 từ Viện Brookings.

    Koh cho rằng phạm vi hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc không giúp ích gì nếu Bắc Kinh muốn xây dựng hình ảnh một lực lượng tích cực trong khu vực.

    Carl Schuster, hạm trưởng hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, cựu giám đốc tại Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cho biết lực lượng Tuần duyên nước này là công cụ "gần như hoàn hảo để xây dựng quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương".

    Tàu tuần duyên Mỹ không đe dọa tàu thuyền khác mà chủ yếu tham gia các hoạt động duy trì ổn định hay giải cứu ngư dân, Schuster cho hay. "Không nên đánh giá thấp tầm quan trọng lực lượng Tuần duyên trong các mối quan hệ ở Trung và Tây Thái Bình Dương".

    Dù một số nhà quan sát nói rằng Trung Quốc cũng có lực lượng hải cảnh được trang bị tốt, có thể làm những gì Mỹ đang thực hiện trong khu vực, Koh không thực sự tin tưởng vào viễn cảnh này, ít nhất là trong tương lai gần.

    Những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông hay Hoa Đông khiến họ khó được các nước trong khu vực nhìn nhận như một đối tác tốt, giúp lợi thế nghiêng về Tuần duyên Mỹ.

    "Thật khó tưởng tượng Trung Quốc có đủ vốn liếng chính trị để thúc đẩy thứ gì đó tương tự như điều Mỹ đang làm", Schuster nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Braybrook College Vùng: Braybrook. Phone: 9312 2900
Xem thêm

Trường có ó uy tín về chất lượng đào tạo học sinh.


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-trung-ganh-dua-anh-huong-o-nam-thai-binh-duong-4471703.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ