Trung Quốc mô phỏng kịch bản đánh chìm chiến hạm Mỹ
Bài viết đăng trên tạp chí khoa học Mô phỏng và Kiểm soát Chỉ huy gần đây cho biết quân đội Trung Quốc đã tiến hành một thử nghiệm vũ khí bằng chương trình trên máy tính, mô phỏng kịch bản tấn công hai tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ.
Trong cuộc thử nghiệm mô phỏng, bên vận hành tên lửa đạn đạo chiến thuật Hỏa Long 480 đã phân tích ảnh vệ tinh để xác định vị trí tương đối của hai tàu chiến Mỹ, sau đó phóng 12 quả đạn vào đội tàu đối phương. Khi đến gần khu vực được chỉ định dựa trên ảnh vệ tinh, số tên lửa này kích hoạt cảm biến tích hợp sẵn để tìm kiếm mục tiêu và điều chỉnh quỹ đạo bay cho phù hợp.
Đáp lại, hai chiến hạm lớp Ticonderoga đã khai hỏa loạt tên lửa phòng không và kích hoạt hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx. Tên lửa Standard 6 tầm bắn 240 km của tàu Mỹ đạt tỷ lệ đánh chặn thành công 71%, còn tên lửa Sea Sparrow có tầm ngắn hơn là 44%.
Dựa trên tỷ lệ này, chương trình máy tính mô phỏng của Trung Quốc tính toán rằng số tên lửa Hỏa Long 480 không bị chặn sẽ đánh trúng và làm chìm một tàu chiến Mỹ.
Tên lửa Hỏa Long 480 (mẫu lớn hơn) trong bức ảnh đăng tháng 11/2021. Ảnh: X/VatsRo
Trong một kịch bản tấn công khác, bên vận hành lắp đầu đạn có chứa 6 máy bay không người lái (UAV) tự sát, gọi là "đầu đạn bầy đàn", lên 8 tên lửa Hỏa Long. Khi bay đến gần đội tàu Mỹ, số tên lửa đã được chỉnh sửa này sẽ giảm tốc độ và phát tán các drone gắn trên đầu đạn, với mục đích đánh lạc hướng hỏa lực phòng không của đối phương và cung cấp tọa độ mục tiêu chính xác hơn cho loạt tên lửa thứ hai.
"Sau khi đòn tập kích bằng tên lửa tầm xa kết thúc, bầy UAV sẽ tiếp tục tấn công các tàu địch còn sót lại", Li Jiangjiang, nhà khoa học thuộc đơn vị 92228 của quân đội Trung Quốc, cho biết.
Sau khi tiến hành nhiều vòng thử nghiệm, các nhà khoa học Trung Quốc kết luận tỷ lệ sống sót của hai tàu lớp Ticonderoga khi bị tập kích bằng chiến thuật này gần bằng 0%.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Hỏa Long 480 do tập đoàn sản xuất vũ khí Norinco của Trung Quốc phát triển, được quảng bá là trang bị các cảm biến dẫn đường chính xác cao, giúp nó có thể tấn công các mục tiêu di dộng với tỷ lệ trúng đích lớn.
"Đầu đạn của nó nặng hơn 400 kg, lớn hơn nhiều tên lửa diệt hạm thông thường. Vận tốc va chạm của nó là hơn 1.800 km/h, nên tàu tuần dương nặng 10.000 tấn sẽ bị phá hủy hoàn toàn sau khi trúng hai tên lửa loại này", chuyên gia Li cho hay.
Tàu USS Philippine Sea di chuyển ở Đại Tây Dương năm 2019. Ảnh: Hải quân Mỹ
Hỏa Long 480 trước đó được cho là có tầm bắn khoảng 290 km, song Li tiết lộ nó có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách tới 500 km trong điều kiện thực tế. Quả đạn có thể phóng từ phương tiện bánh lốp cơ động cao, hoạt động tốt trong môi trường khắc nghiệt, giúp tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng và giảm chi phí vận hành.
Mẫu tên lửa này đã được xuất khẩu cho Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong thỏa thuận trị giá 245 triệu USD. Tuy nhiên, Hỏa Long 480 chưa từng trải qua thực chiến và cũng chưa có các cuộc thử nghiệm thực tế để kiểm chứng khả năng hạ mục tiêu của nó.
Không rõ lý do quân đội Trung Quốc chọn tàu chiến lớp Ticonderoga trong cuộc thử nghiệm mô phỏng trên máy tính. USS Philippine Sea, một trong các tàu hộ tống của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đang hoạt động ở Biển Đỏ để đối phó lực lượng Houthi, là chiến hạm lớp Ticonderoga.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-gia-lap-tinh-huong-danh-chim-tau-chien-my-4760875.html