Trịnh Sảng, Phạm Băng Băng và bài học cho giới showbiz Trung Quốc

07:00' 23-01-2021
Vụ Trịnh Sảng bị tẩy chay là giọt nước tràn ly đẩy cô vào con đường cấm vận. Nhìn sâu xa, việc nghệ sĩ hạng A bị cấm sóng là cơ hội phát triển của nền công nghiệp phim ảnh.


    scandal Trinh Sang anh 1

    "Sự cao quý của người nổi tiếng đến từ việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, cống hiến những tác phẩm ưu tú. Thế nhưng, cô ấy nhiều lần nghênh ngang, chạm tới giới hạn pháp luật, đảo lộn nhân sinh quan. Những việc này không thể gọi là vô tội".

    Cơ quan ngôn luận Trung Quốc vừa có động thái ám chỉ scandal Trịnh Sảng bí mật kết hôn với Trương Hằng, sang Mỹ nhờ người mang thai hộ nhưng không chịu trách nhiệm nuôi nấng ồn ào những ngày qua.

    Đây không phải lần đầu Trịnh Sảng vướng scandal. Song, sự việc lần này đẩy sao phim Yêu em từ cái nhìn đầu tiên vào bước đường cùng. Đài trung ương Trung Quốc CCTV cho rằng "Trịnh Sảng đã đạp lên ranh giới cuối cùng".

    Nói cách khác, ngôi sao sinh năm 1991 đang xem thường khán giả. Điều này đã đẩy cô vào con đường bị cấm mọi hoạt động trong ngành giải trí.

    Sao hạng A Trung Quốc xem thường khán giả

    Năm 2016, tờ Giải trí Nam Đô đưa Trịnh Sảng vào hàng ngũ Tứ tiểu hoa đán thế hệ 1990 cùng Dương Tử, Quan Hiểu Đồng và Châu Đông Vũ. Song, từ Vườn sao băng đến Thiến nữ u hồn, 12 năm sự nghiệp của Trịnh Sảng chưa bao giờ bằng phẳng.

    Nổi tiếng từ sớm, sau nhiều năm cô vẫn bị gọi là bình hoa di động. Diễn xuất chưa bao giờ là thế mạnh của Trịnh Sảng, song nét đẹp ngây thơ của cô được truyền thông chú ý. Báo chí nhiều lần gọi nữ diễn viên là ngôi sao chuyên trị vai thanh xuân.

    Trái ngược với hình tượng trên phim, đời thực của sao phim Bi thương ngược dòng thành sông lắm chiêu trò. Không ít lần, nữ diễn viên bị chỉ trích ích kỷ, bệnh ngôi sao, nhất là khi tham gia show Hoa tỷ đệ.

    Nàng Bối Vy Vy trong sáng trong Yêu em từ cái nhìn đầu tiên ngoài đời lại thường xuyên khiêu chiến với antifan, sẵn sàng hút thuốc nơi công cộng, coi thường khán giả, gây ồn ào bởi chuyện hẹn hò.

    Song, hào quang chưa bao giờ bỏ quên Trịnh Sảng. Nói cách khác, khán giả đã quá dễ dàng với nữ diễn viên. Điều đó khiến Trịnh Sảng tự nghĩ mình là ngôi sao quyền lực.

    Sau khi tiếp tục bị chê diễn xuất trong Dòng chảy thời gian tươi đẹp, nàng Dịch Dao tuyên bố: "Cuộc đời tôi không chỉ có phim truyền hình. Bạn quyết định xem gì là ở bạn". Scandal lần này chỉ là giọt nước tràn ly khiến công chúng quay lưng với Trịnh Sảng. Cô nhiều lần được công chúng tha thứ, lần này thì không may mắn như vậy.

    Phạm Băng Băng cũng mắc lỗi tương tự.

    Vụ scandal trốn thuế khiến nữ hoàng thảm đỏ phải nộp phạt đến 130 triệu USD cũng là giọt nước tràn ly đẩy Phạm Gia vào con đường đánh mất vị thế sao hạng A.

    Trước đây, dù trải qua nhiều scandal tình ái, lùm xùm với bạn diễn... sao phim Võ Tắc Thiên truyền kỳ vẫn giữ vững vị thế nữ hoàng thảm đỏ. Tuy nhiên, scandal trốn thuế lại lớn đến mức cô bị khán giả quay lưng.

    Từ việc bị gỡ bỏ hình ảnh trên tạp chí, bị xóa vai trong Tước tích 2: Lãnh huyết cuồng yến, cấm xuất hiện trên livestream... cho thấy cơ quan chức năng không còn nương tay hay bao che những hành động không chỉ xem thường khán giả, vi phạm pháp luật.

    Gần đây, vụ ngoại tình với "em trai" PGone, phản bội chồng Giả Nãi Lượng đã đẩy Lý Tiểu Lộ vào con đường sự nghiệp lụi tàn.

    Không lên tiếng xin lỗi sau scandal, sao phim Thiên dục thậm chí còn thách thức người hâm mộ. Điều này đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của diễn viên sinh năm 1982. Cô phải chọn con đường livestream bán hàng, nhưng vẫn bị tẩy chay vì xem thường khán giả.

    Khán giả Trung Quốc dễ dãi?

    Thực tế cho thấy khán giả Trung Quốc vốn rất dễ dãi với nghệ sĩ, điều không bao giờ tìm được ở giới giải trí Hàn Quốc.

    Ở xứ sở kim chi, các ngôi sao luôn đối mặt với nhiều áp lực, mà công chúng chính là thứ đáng sợ nhất để nghệ sĩ luôn trong trạng thái phải sống sạch, không scandal.

    Hai tác giả Claudia Valge và Maari Hinsberg đến từ viện ICDS - Trung tâm Quốc tế về Quốc phòng và An ninh Estonia từng đưa ra bài nghiên cứu về văn hóa thần tượng. Họ cho rằng người nổi tiếng Hàn Quốc đều nhỏ bé trước công chúng. Những scandal, dù là nhỏ nhất cũng góp phần đẩy idol vào con đường sự nghiệp lụi tàn.

    Năm 2019, một trong những vụ bê bối tình ái lớn nhất làng giải trí Hàn Quốc bị phanh phui. Hộp đêm Burning Sun thuộc sở hữu của Seungri - ca sĩ nhóm Big Bang - bị nghi ngờ là nơi chứa, buôn bán ma túy. Vụ việc đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Chỉ biết là sự việc lần này có thể hủy hoại hoàn toàn sự nghiệp của nam ca sĩ.

    Anti-fan, văn hóa tẩy chay cũng là lý do lớn nhất đẩy người nổi tiếng Hàn Quốc vào con đường trầm cảm, thậm chí tự tử. Đó là trường hợp của ca sĩ xấu số Sulli.

    Lúc còn sống, nữ ca sĩ nhận không ít sự chỉ trích chỉ vì theo đuổi phong cách gợi cảm. Thời gian dài, cô bị gọi là hư hỏng, các nhóm anti-fan xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này đã dẫn đến sự việc đau lòng, cô tự tử vào năm 2019. Áp lực dư luận kéo dài khiến nữ ca sĩ ra đi mãi mãi ở tuổi 25.

    Nhiều trường hợp khác như ca sĩ Goo Hara, Jong Hyun, trước đó nữa là Choi Jin Sil bị đổ lỗi cho cái chết của bạn thân... chứng minh "quyền được khắc nghiệt" của khán giả Hàn.

    Mượn chuyện Hàn Quốc để thấy rằng, nghệ sĩ Trung Quốc vẫn còn khá "dễ thở" khi không phải sống dưới áp lực luôn hoàn hảo trong mắt công chúng.

    Trịnh Sảng hay Phạm Băng Băng, họ tự chấm dứt sự nghiệp, đưa bản thân vào con đường bị cấm sóng. Nếu so với nghệ sĩ Hàn, những scandal của hai ngọc nữ Trung Quốc quá lớn, đến mức khó được người hâm mộ đồng cảm.

    Thời thế đã khác

    Theo The Straits Times, sự vắng mặt của Phạm Băng Băng, hay gần đây nhất là Trịnh Sảng có thể uy hiếp các nhà làm phim. Bởi, tên tuổi của các nữ diễn viên rõ ràng là bảo chứng phòng vé.

    Song, điều này lại khiến các hãng phim ở Đại lục thay đổi - không nhất thiết phải có mặt sao hạng A, phim ảnh vẫn tạo ra những cú hích - điều này đã được Hollywood thực hiện nhiều năm.

    Leiger Yang, đồng sáng lập Landmark Capital, công ty đầu tư nghệ sĩ ở Bắc Kinh, cho biết: "Sự sụp đổ của những ngôi sao hạng A thúc đẩy các nhà làm phim tập trung vào chất lượng hơn là chỉ biết dùng ngôi sao tai tiếng".

    Tiến sĩ Stanley Rosen, giáo sư khoa học chính trị của ĐH Nam California, người có nhiều năm nghiên cứu về công nghiệp điện ảnh Trung Quốc cho biết sự phẫn nộ của người hâm mộ cho thấy thời thế đã khác.

    "Truyền thông, mạng xã hội và dư luận là những yếu tố quan trọng đánh giá nghệ sĩ. Nhận thức của người nổi tiếng phải khác trong thời đại này", Tiến sĩ Stanley Rosen nói với The Straits Times.

    Năm 2018, Dying to Survive, bộ phim có kinh phí thấp và không có mặt ngôi sao lại đánh bại bộ phim sử thi Asura có sự góp mặt của Ngô Lỗi, Lưu Gia Linh, Lương Gia Huy.

    Variety từng gọi đây là "cú thất bại đắt giá nhất trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc". Tuy nhiên, điều này lại đặt ra thực tế mới - sao hạng A không quyền lực như họ nghĩ. Khán giả là người có quyền quyết định chọn ủng hộ ai.

    Nghệ sĩ lớn bị tẩy chay là đòn bẩy thúc đẩy phim ảnh?

    Vốn là thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới, vượt cả Bắc Mỹ, Trung Quốc ít có tư tưởng sính ngoại và luôn có chế độ "ưu đãi phim nhà", đặt nhiều quy tắc lên các bộ phim Hollywood.

    Theo Hollywood Reporter, cơ quan quản lý của Trung Quốc không cho phép các bộ phim nước ngoài khởi chiếu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, năm nay rơi vào khoảng từ ngày 11-26/2/2021. Họ tập trung cho điện ảnh nước nhà phát triển, điều này đồng nghĩa với việc các ngôi sao có dịp được xuất hiện nhiều hơn trước công chúng.

    Hiện tại, việc cấm các tên tuổi nổi tiếng nhưng xem thường khán giả là bước tiến mới của công nghiệp điện ảnh Trung Quốc.

    Tiến sĩ Yin Hong, giáo sư nghiên cứu truyền hình và điện ảnh tại ĐH Thanh Hoa nói: "Điều này có thể dẫn đến việc giảm các sản phẩm kém chất lượng, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phim ảnh tập trung vào tác phẩm chất lượng hơn".

    Thực tế, chỉ khoảng một nửa trong số 800 bộ phim Trung Quốc được ra rạp. Trong số 400 phim đó, chưa đến một phần tư đạt doanh thu trên 100 triệu NDT (15 triệu USD).

    Hệ lụy này bắt nguồn từ việc đổ xô làm phim của các nhà sản xuất Trung Quốc. Có những tác phẩm chỉ cần sự góp mặt của nghệ sĩ nổi tiếng, mặc kệ chất lượng, nội dung. "Việc này có thể khiến ngành công nghiệp điện ảnh trải qua nhiều đau đớn. Tuy nhiên, nếu xử lý hiệu quả, đây là cơ hội tốt để phát triển", tiến sĩ Yin khẳng định.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/trinh-sang-bi-cam-van-va-bai-hoc-dat-gia-cho-showbiz-trung-quoc-post1175405.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ