Bế trẻ sơ sinh không đúng cách có thể gây tổn thương cột sống, ảnh hưởng tới trí não
Khi thấy một em bé dễ thương, nhiều người không kìm lòng được chỉ muốn bế ngay. Tuy nhiên, đối với những người không thường xuyên bế em bé, họ có thể vô tình bế sai cách, khiến cột sống và não bộ của trẻ sơ sinh bị tổn thương.
3 sai lầm khi bế trẻ phổ biến nhất
Đối với những ai làm cha mẹ lần đầu, có lẽ họ ít nhiều lúng túng khi không biết nên bế con như thế nào cho đúng. Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh có thể bị tổn thương nếu cha mẹ bế sai cách.
1. Không đỡ đầu và cổ của trẻ sơ sinh
Đây là một trong những sai lầm phổ biến khi bế trẻ sơ sinh. Một số cha mẹ khi bế em bé rất cẩn thận như ôm lưng, đỡ mông nhưng lại bỏ qua phần đầu và cổ mỏng manh.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, đầu của trẻ sơ sinh chiếm 1/4 trọng lượng cơ thể, phần xương và cơ ở cổ vẫn chưa cứng cáp. Thế nên, khi bế em bé, toàn bộ trọng lượng của đầu sẽ dồn lên cổ. Nếu lúc này cha mẹ không đỡ cổ, nó có thể khiến em bé bị tổn thương cột sống cổ.
Những tổn thương này ban đầu không dễ phát hiện, nhưng có thể ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sau này.
2. Vừa bế vừa đung đưa dỗ ngủ
Có không ít cha mẹ thích vừa bế con, vừa đung đưa để dỗ con ngủ nhanh. Ngay cả khi bé quấy khóc, trằn trọc, cách làm này có thể giúp bé nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Trên thực tế, phương pháp vừa bế vừa lắc này tuy giúp trẻ nhanh ngủ nhưng hầu hết các bé sẽ thức giấc khi đặt xuống giường. Để tránh bé có thể thức giấc, tốt nhất ngay từ đầu cha mẹ nên đặt con xuống giường, có thể vỗ nhẹ vào lưng tạo cảm giác an toàn, dần dần trẻ sẽ quen với việc dỗ ngủ như thế này.
Ngoài ra, nếu bé thích phương pháp dỗ ngủ kiểu này, cha mẹ nên chú ý tới mức độ rung lắc để tránh ảnh hưởng tới não bộ của trẻ.
Ảnh minh họa.
3. Bế trẻ trong một tư thế quá lâu
Em bé ngoan ngoãn nằm trong vòng tay của cha mẹ khi được bế là một cảnh tượng rất ngọt ngào và ấm áp. Tuy nhiên, việc bế con trong cùng một tư thế lâu như vậy có thể hạn chế cử động của bé, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường. Hơn nữa, nếu cha mẹ bế sai cách, nó sẽ gây tổn thương đến xương của trẻ.
Trong trường hợp nếu bế bé ngằm ngang, đùi của bé hướng vào cánh tay của người lớn. Lúc này, khớp háng của trẻ không ở vị trí ban đầu, duy trì thói quen này trong thời gian dài có thể gây loạn sản khớp háng.
3 tư thế bế trẻ đúng bố mẹ nên áp dụng
Trên thực tế có khá nhiều cách bế trẻ đúng, cha mẹ có thể thử áp dụng một số cách sau đây:
1. Ôm ngang
Trẻ sơ sinh nên được bế ngang. Lúc này, cổ, thắt lưng, bụng của bé còn rất yếu, không có lực nâng đỡ. Vì thế, tư thế này mang lại sự an toàn cho bé và cha mẹ cũng dễ dàng bế.
Ảnh minh họa.
Đầu tiên, cha mẹ nên để bé nằm nghiêng, đầu tựa vào khuỷu tay của mình, dùng tay đỡ lưng bé, tay còn lại đỡ mông bên dưới.
Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý, vì cơ thể của bé rất mỏng manh nên cần ôm nhẹ nhàng đầu, cổ và lưng. Nhất định phải dùng tay đỡ đầu và lưng trẻ để tránh tình trạng đầu bé lủng lẳng, lưng cong, ảnh hưởng đến sự phát triển xương.
2. Tư thế máy bay
Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi không nên bế bằng tư thế máy bay. Khi được bế bằng tư thế này, đầu và cơ thể của bé sẽ nằm trên cánh tay của người lớn. Ngoài ra, tư thế này còn giống như một trò chơi, có thể cải thiện mối quan hệ giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.
Ảnh minh họa.
Để bé nằm trên cẳng tay của cha mẹ, tay chân của bé thả lỏng tự nhiên, sau đó cha mẹ dùng tay còn lại đỡ lưng bé cố định.
3. Ôm dọc
Sự sinh trưởng và phát triển của một đứa trẻ tuân theo quy luật nhất định, cổ cứng cáp trước rồi mới tới thắt lưng. Trẻ sơ sinh có thể ngẩng cổ ngước nhìn mọi người vào tháng thứ 3, ngồi được vào tháng thứ 6.
Trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng, khu vực lưng của bé đã cứng cáp rất nhiều, vì thế cha mẹ có thể ôm thẳng đứng. Khi ôm, cha mẹ nên dùng tay giữ phần đầu và lưng của trẻ, tránh trường hợp đầu bé ngửa ra phía sau. Tuy nhiên, không nên bế theo chiều dọc quá lâu, tránh làm tổn thương vùng thắt lưng của bé, tốt nhất nên bế sau khi bé ăn no để ợ hơi.
Ảnh minh họa.
Khi bế bé theo phương thẳng đứng, cha mẹ nên đứng, ôm bằng một tay, ôm eo và lưng, để cả cơ thể bé tựa vào người lớn, sau đó đặt tay còn lại lên vai bé để đỡ cổ.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/3-sai-lam-khi-be-tre-co-the-gay-ton-thuong-cot-song-anh-huong-toi-tri-nao-cai-dau-tien-nhieu-nguoi-mac-phai-nhat-20220212163057164.chn