Tránh 'vết xe đổ' của Jack Ma, ông chủ TikTok từ chức
Theo New York Times, ông Zhang Yiming, nhà sáng lập kiêm CEO ByteDance - công ty mẹ của TikTok, sẽ từ chức CEO vào cuối năm nay. Ông thông báo quyết định cho nhân viên hôm 19/5.
Liang Rubo, nhà đồng sáng lập kiêm trưởng bộ phận nhân sự, sẽ thay thế ông Zhang trở thành CEO ByteDance. "Sau khi bàn giao vai trò CEO và công việc quản lý hàng ngày, tôi có thể dành thời gian khám phá các chiến lược dài hạn, văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội với cái nhìn khách quan hơn", ông Zhang viết.
Theo New York Times, ông Zhang từ chức trong bối cảnh chính phủ Bắc Kinh đang siết chặt giám sát các công ty Internet lớn, từ Alibaba, Tencent, Meituan cho đến ByteDance. Đây là lý do một số ông chủ doanh nghiệp Internet muốn lui về phía sau để tránh sự chú ý quá lớn của chính quyền.
Ông Zhang Yiming - nhà sáng lập kiêm CEO ByteDance, công ty mẹ của TikTok - tuyên bố sẽ từ chức CEO vào cuối năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Lui về hậu trường
ByteDance - được thành lập vào năm 2012 - là công ty Internet đầu tiên của Trung Quốc vươn tầm toàn cầu. TikTok của ByteDance đã đạt thành công về cả thương mại lẫn tầm ảnh hưởng văn hóa mà chưa một tập đoàn Trung Quốc nào làm được ở bên ngoài đất nước.
Nhưng thành công đó cũng khiến ByteDance rơi vào tầm ngắm của các chính phủ khác trên thế giới. Họ e ngại sự phát triển công nghệ của Trung Quốc và mối quan hệ mập mờ giữa những tập đoàn lớn với chính phủ nước này.
Ấn Độ - một trong những thị trường lớn nhất của TikTok - cấm cửa ứng dụng này hồi năm ngoái vì mối lo ngại an ninh quốc gia. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo nhiều nước cũng đe dọa cấm TikTok.
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đang siết chặt hoạt động kinh doanh của những công ty Internet lớn nước này. Hồi tháng trước, Bắc Kinh yêu cầu 34 tập đoàn lớn nhất trong ngành, bao gồm ByteDance, đặt "lợi ích quốc gia" lên hàng đầu, tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt về cạnh tranh công bằng và bảo vệ người dùng.
TikTok khiến ứng dụng rơi vào tầm ngắm của nhiều chính phủ trên thế giới vì lo ngại an ninh quốc gia. Ảnh: Reuters. |
Vai trò quá lớn của các công ty công nghệ như Tencent và Alibaba trong nền kinh tế Trung Quốc dẫn tới các cáo buộc kinh doanh độc quyền. Giới chuyên gia cho rằng với sức mạnh tài chính khổng lồ, Tencent và Alibaba có thể không chỉ bóp nghẹt đổi mới trong ngành công nghệ, mà còn gây ra những rủi ro đối với xã hội Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh quyết siết chặt kiểm soát.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc phạt gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba 2,8 tỷ USD vì hành vi phản cạnh tranh. Trước đó, Ant Group của tỷ phú Jack Ma cũng bị yêu cầu hoãn IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) và điều chỉnh mô hình kinh doanh.
Sự chú ý của Bắc Kinh dường như đang chuyển sang những đối thủ khác của Alibaba. Hồi tháng 4, các nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố đã bắt đầu điều tra những cáo buộc, bao gồm cáo buộc độc quyền, nhắm vào công ty giao đồ ăn Meituan. Meituan và Pinduoduo cũng bị Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải chỉ trích vì làm tổn hại quyền lợi người tiêu dùng.
Tránh số phận của Jack Ma?
Tỷ phú Ma lần lượt từ chức giám đốc điều hành và chủ tịch điều hành Alibaba vào năm 2013 và 2019. Nhưng kể cả như vậy, ông vẫn là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất đất nước tỷ dân. Chỉ đến khi Bắc Kinh "xử lý" Alibaba và Ant Group, Jack Ma mới hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Mã Hóa Đằng - ông chủ Tencent Holdings - từng vươn lên vị trí số một trên danh sách tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Và Tencent đã bị đưa vào danh sách điều tra vì các hoạt động fintech (công nghệ tài chính) và sáp nhập.
Nguồn tin Bloomberg cho biết ông Mã Hóa Đằng cũng tình nguyện đến gặp cơ quan quản lý Trung Quốc để trao đổi về việc tuân thủ những quy định chống độc quyền.
Năm 2020, ông Hoàng Tranh - nhà sáng lập Pinduoduo - cũng từ chức CEO công ty. Khoảng 8 tháng sau, ông rời bỏ vị trí chủ tịch. Trước đó, ông Hoàng đã quyên góp hơn 10% cổ phần tại Pinduoduo cho các hoạt động từ thiện và nghiên cứu khoa học. Tổng giá trị tài sản ròng của nhà sáng lập Pinduoduo do đó giảm hơn 10 tỷ USD.
Ông Ma - tỷ phú doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc - im hơi lặng tiếng sau các động thái của chính quyền Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
"Ở Trung Quốc, việc quá giàu có có thể dẫn tới những rủi ro bất ngờ. Các đại gia từng đứng đầu danh sách người giàu nhất Trung Quốc - từ doanh nhân bất động sản đến tỷ phú công nghệ - đều đối mặt với không ít rắc rối", Bloomberg nhận định.
Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, ông Zhang Yiming hiện nắm giữ khối tài sản trị giá 44,5 tỷ USD. Ông đứng thứ 31 trong danh sách tỷ phú toàn cầu và là một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.
Thời điểm hiện tại, ByteDance đang chuyển hướng tấn công mạnh thị trường thương mại điện tử. Công ty này càng mở rộng tầm ảnh hưởng, vị thế và cả tài sản của Zhang Yiming sẽ càng lớn, và rất có thể sự chú ý của chính quyền Trung Quốc với nhà sáng lập ByteDance sẽ càng tăng cao.
Do đó, nhiều nhà quan sát cho rằng việc thoái lui là nước cờ khôn ngoan của Zhang để hạn chế những rắc rối sau này. "Sự thật là tôi thiếu một số kỹ năng để trở thành nhà quản lý lý tưởng", ông Zhang viết trong thông báo từ chức. "Tôi không phải người thích quan hệ xã hội. Tôi thích ở một mình lướt mạng, đọc sách, nghe nhạc và mơ mộng về tương lai".
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/ong-chu-tiktok-thoai-lui-de-tranh-so-phan-nhu-jack-ma-post1217617.html