Tranh cãi về sử dụng ChatGPT tại trường học
Công cụ ChatGPT đã có 100 triệu người sử dụng sau 3 tháng ra mắt. Nguồn Lionel Bonaventure.
Một luống ý kiến tại các trường học và chính quyền lo ngại, học sinh ở các cấp học từ trung học phổ thông trở xuống có thể sử dụng công cụ này để làm bài tập hoặc bài thi.
Trước thực tế này, các cơ quan chức năng và nhà trường đang tìm cách để đảm bảo chất lượng học tập. Hiện nay, các bang Queensland, New South Wales, Tasmania, Tây Australia và gần đây nhất là bang Victoria đã cấm học sinh tại trường công sử dụng ChatGPT tại trường học.
Bang Queensland lo ngại công cụ ChatGPT sẽ được học sinh, sinh viên sử dụng để lừa dối thầy cô. Trong khi bang New South Wales và Victoria cho rằng, vì yêu cầu của ChatGPT là dành cho những người từ 18 tuổi trở lên nên các trường học công lập ở 2 bang này (không tính các trường cao đẳng, đại học hay dạy nghề) thì đều không cho phép học sinh sử dụng.
Tuy nhiên, một số trường lại cho phép sử dụng ChatGPT là công cụ hỗ trợ việc giảng dạy và học tập như trường Islamic College of Brisbane hay trường Sydney Catholic School.
Giám đốc điều hành trường Islamic College of Brisbane Aki Kadri cho biết, công nghệ có khả năng gợi mở sự sáng tạo, tăng thêm cơ hội tự học hỏi và tốt nhất trong bối cảnh hiện tại chúng ta nên giúp học sinh chuẩn bị để có thể làm việc trong môi trường có sử dụng trí tuệ nhân tạo khi lớn lên.
Trong khi đa phần các trường phổ thông công lập không cho học sinh sử dụng ChatGPT thì tại các trường đại học, việc cho phép sinh viên sử dụng ChatGPT vẫn đang là vấn đề được thảo luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Tại bang Nam Australia, 3 trường đại học gồm Đại học Adelaid, Đại học Nam Australia và Đại học Flinder vừa công bố chính sách mới cho phép sinh viên sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ quá trình đào tạo. Tuy nhiên, kèm theo với việc cho phép, ba trường đại học này cũng đưa ra các các yêu cầu chặt chẽ với sinh viên khi sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Giảng viên cao cấp Vitomir Kovanovic thuộc trường Đại học Nam Australia cho biết, không thể ngăn chặn xu hướng này và biện pháp yêu cầu sinh viên đến trường làm bài kiểm tra bằng giấy bút chỉ là tạm thời. Thay vì đó chúng ta nên dạy sinh viên cách sử dụng công nghệ để về sau họ có thể sử dụng tại nơi làm việc.
Giáo sư trí tuệ nhân tạo Stefan Popenici thuộc trường Đại học Charles Darwin cho biết việc ngăn cản sử dụng các sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo là phản ứng tồi tệ nhất và thể hiện việc phủ nhận những cơ hội mà công nghệ này mang lại.
Trong khi đó giáo sư Theo Farrell thuộc trường đại học Wollongong cho biết, sinh viên cần được chuẩn bị cho việc sử dụng trí tuệ nhân tạo khi rời ghế nhà trường và bước vào môi trường làm việc.
Trên thực tế, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực và ngày càng mở rộng hơn vì thế sinh viên cũng cần được chuẩn bị để có thể tận dụng mọi cơ hội mà trí tuệ nhân tạo mang lại để có thể làm việc với năng suất cao hơn trong tương lai.
Tuy vậy, để hạn chế mặt trái của công cụ ChatGPT, các trường đại học tại Australia đã bắt đầu thay đổi chính sách thi cử trong năm nay và sẽ yêu cầu học sinh phải đến trường để làm bài kiểm tra và bài thi bằng hình thức viết tay nhiều hơn.
Hiệu trưởng trường Đai học Macquarie Matt Bower cho biết, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo được sử dụng rộng rãi thì việc sinh viên đến trường làm bài kiểm tra là rất cần thiết để đảm bảo bài kiểm tra đáng tin cậy và hợp lệ.
Công cụ ChatGPT chỉ là một trong những ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo mà tất cả mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Trong tương lai, chắc chắn sẽ ra đời thêm nhiều công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT.
Vì vậy, không chỉ trong ngành giáo dục mà cả các lĩnh vực khác cũng cần tìm hiểu thêm về khả năng áp dụng của trí tuệ nhân tạo để có những chiến lược phát triển phù hợp để vừa tận dụng được lợi thế của công nghệ, vừa hạn chế xảy ra những xáo trộn lớn đối với tổ chức của mình trong thời gian ngắn./.
Article sourced from VOV.