Trầm cảm ở người trẻ: Nguy hiểm vì khó nhận biết triệu chứng
Chị Lưu, sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc), có con trai 12 tuổi, năm nay cậu được gửi vào trường cấp 2 trọng điểm Hà Bắc. Điều kì lạ là cậu thường đau bụng về đêm, cuộc sống thích nghi với trường nội trú khiến cậu gặp khó khăn, không muốn giao tiếp cùng các bạn trong lớp, thậm chí việc ăn uống cũng bị ảnh hưởng, và cuối cùng được chẩn đoán là bị trầm cảm nhẹ.
Con trai chị Lưu là một trường hợp điển hình của rối loạn trầm cảm ở thanh thiếu niên. Theo bác sĩ Khổng Đức Vinh, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe tâm thần Trịnh Châu, Bệnh viện Nhân dân số 8 Trịnh Châu, những bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm khi còn rất trẻ không phải là hiếm, nhưng ngay cả chính người bệnh cũng không biết mình mắc trầm cảm mà cho rằng đó là triệu chứng của các bệnh khác.
12 tuổi là độ tuổi vị thành niên, cũng là giai đoạn có nhiều cảm xúc phức tạp, dễ thay đổi. Trong quá trình này, cần phải trải qua nhiều sự thích nghi sinh lý khác nhau, và chịu đựng những vấn đề, mâu thuẫn và nhiều áp lực gây ra bởi bài vở, kết quả học tập, các mối quan hệ cá nhân, mối quan hệ gia đình.
Trong các bản tin thời sự, chúng ta thường thấy những bi kịch trong đó thanh thiếu niên bỏ nhà đi, thậm chí tự tử. Họ ít bị áp lực công việc và áp lực tài chính hơn, vậy thì nguyên nhân nào gây ra bệnh trầm cảm? Áp lực học tập chỉ là nguyên nhân rất nhỏ khiến thanh thiếu niên bị trầm cảm, nặng hơn là tác động của gia đình và môi trường sống.
Nhiều thanh thiếu niên có những lời nói và hành vi kỳ lạ khi bắt đầu bị trầm cảm, chẳng hạn như: "Cuộc sống thật buồn tẻ", "Không có gì vui", "Hãy quên con khi con chết đi"... Khi gia đình không kịp thời phát hiện ra những biểu hiện trầm cảm sớm này, bệnh sẽ phát triển thêm với các triệu chứng nặng hơn như khóc lóc, mất ngủ, lo lắng quá mức, bắt đầu nói dối, bỏ ăn khiến việc điều trị trầm cảm càng khó khăn hơn.
Người trẻ trầm cảm nhiều hơn chúng ta tưởng
Cũng theo ông Khổng Đức Vinh, tiên lượng của trầm cảm ở thanh thiếu niên thông qua điều trị toàn diện như điều trị y tế, tâm lý trị liệu, vật lý trị liệu là khá tích cực.
Tuy nhiên, nhiều thanh thiếu niên không nhận ra rằng mình đang bị trầm cảm, dẫn đến tỷ lệ tư vấn khám bệnh trầm cảm rất thấp. Ví dụ, các triệu chứng trầm cảm ngấm ngầm, không điển hình và thường bị bỏ qua, một số triệu chứng trầm cảm cùng tồn tại và dễ bị che giấu bởi các triệu chứng một số bệnh khác. Nhiều bệnh nhân ở tuổi vị thành niên biết rằng họ có thể bị trầm cảm, nhưng lại tìm đến chưa đúng các cơ sở y tế vì tâm lý e ngại. Điều này có thể khiến cho sức khỏe tinh thần họ chưa được quan tâm một cách đúng mực.
Dấu hiệu chính để nhận biết sớm trầm cảm ở thanh thiếu niên
Trầm cảm ở tuổi vị thành niên thường có các biểu hiện lâm sàng như sau:
- Mức độ thể chất: đau đớn không thể giải thích được, kém ăn, sụt cân, mất ngủ, mệt mỏi.
- Mức độ cảm xúc: tâm trạng lo lắng, thấp thỏm, cáu kỉnh, hoảng sợ.
- Mức độ nhận thức: thiếu tập trung và cảm giác tội lỗi.
- Mức độ hành vi: khóc, hung hăng, bỏ học, nói dối, lạm dụng rượu, lạm dụng ma túy, tự làm hại bản thân, tự tử...
Nhưng trong thực tế, ở giai đoạn đầu, có 3 dấu hiệu chính của bệnh trầm cảm ở thanh thiếu niên: mệt mỏi, không có sức lực, khó chịu về thể chất không rõ nguyên do và thay đổi trong tính cách.
Nên làm gì để đối phó với trầm cảm?
1. Thừa nhận rằng bạn không thể đánh bại trầm cảm một mình
Bạn cần biết bác sĩ sẽ giữ bí mật cho bạn. Sự giúp đỡ của bác sĩ là điều cần thiết để vượt qua chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên. Đây là một căn bệnh nghiêm trọng đến mức nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị. Sự giúp đỡ của bác sĩ, gia đình, người thân là điều cần thiết để vượt qua chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên.
2. Trau dồi thái độ tích cực
Điều gì khiến bạn hạnh phúc? Nghe nhạc? Viết nhật ký? Đọc sách? Xem tivi? Bắt đầu thường xuyên tham gia các hoạt động này để tinh thần phấn chấn và chống lại các lối suy nghĩ tiêu cực.
Hít thở không khí trong lành và cải thiện tâm trạng. Đi bộ, ngồi trên ghế dài và phơi nắng, dắt chó đi dạo trong công viên, đi xe đạp với bạn bè...
Viết một danh sách những điều để mong đợi. Những người bị trầm cảm thường cảm thấy tuyệt vọng và cảm thấy rằng có rất ít hy vọng trong cuộc sống tương lai của họ. Tuy nhiên, khi bạn liệt kê rõ ràng cuộc sống mà bạn muốn, bạn có thể sẽ hăng hái hơn trong việc thức dậy và đạt được mục tiêu của mình.
3. Giảm căng thẳng
Nhiều người trẻ có nhiều trách nhiệm, chẳng hạn như hoàn thành các nhiệm vụ học tập, làm việc nhà, tham gia các hoạt động ngoại khóa, và thậm chí đi làm thêm. Nếu bạn có quá nhiều trách nhiệm phải gánh, khi ai đó yêu cầu bạn làm thêm một số việc, nếu có thể, hãy cố gắng nói "không" càng nhiều càng tốt.
Cố gắng thư giãn mỗi ngày, chẳng hạn như thiền, tập yoga hoặc tập thở sâu.
Cố gắng ngủ ít nhất 8 giờ hoặc hơn mỗi đêm. Ngoài ra, hãy duy trì một lịch trình ngủ phù hợp, đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày. Thưởng thức các bữa ăn cân bằng dinh dưỡng thay vì ăn nhiều đồ ăn vặt.
Ít nhất 30 phút tập thể dục mỗi ngày. Chạy, khiêu vũ, bơi lội, đi bộ hoặc các môn thể thao khác, hãy tìm những gì bạn thích và gắn bó với nó.
Kết nối với những người không đánh giá bạn. Chủ động tìm kiếm và liên lạc với những người bạn và gia đình, những người yêu thương bạn vô điều kiện và chấp nhận bạn ở hiện tại và tương lai.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/thieu-nien-12-tuoi-bi-dau-da-day-moi-dem-do-tram-cam-bac-si-canh-bao-nhieu-nguoi-tre-bi-benh-ma-khong-hay-biet-20211119093304409.chn