Tổng thống Ukraine gởi thông điệp trách móc phương Tây

12:00' 25-05-2024
Ông Zelensky cho rằng phương Tây quá chậm trễ và thiếu quyết tâm trong các quyết định hỗ trợ Ukraine vì sợ Nga, trong thông điệp vừa trách móc vừa thách thức.


    "Tôi muốn hỏi rằng vấn đề ở đây là gì?", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với giọng gay gắt trong cuộc phỏng vấn gần đây tại nơi làm việc của ông ở Kiev, khi đề cập đến những chậm trễ trong nỗ lực viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine.

    Trong hai tuần qua, quân đội Nga liên tục đạt bước tiến ở tỉnh Kharkov, đông bắc Ukraine và thử thách hệ thống phòng không vốn đã cạn kiệt đạn dược của Kiev. Chiến dịch tấn công bất ngờ ở Kharkov đã giúp Nga kiểm soát nhiều ngôi làng gần biên giới, nơi họ từng bị quân Ukraine đẩy lùi trong cuộc phản công chớp nhoáng hồi cuối năm 2022.

    Tổng thống Zelensky chỉ ra rằng Kharkov không phải là vấn đề duy nhất với Ukraine. Trong khi tình hình ở bắc Kharkov "đã được kiểm soát", mặt trận Donbass ở miền đông đang trở nên ác liệt hơn với các đợt tấn công liên tiếp của Nga.

    "Làn sóng giao tranh rất dữ dội đang diễn ra ở Donbass. Thậm chí không ai nhận thấy thực tế rằng có nhiều trận chiến hơn ở phía đông đất nước, đặc biệt theo hướng Donbass, gồm Kurakhove, Pokrovsk, Chasiv Yar", ông nói.

    Lãnh đạo Ukraine nhanh chóng chỉ ra một trong những nguyên nhân đẩy họ vào tình thế khó khăn hiện nay: Vũ khí và đạn dược từ gói viện trợ mà Mỹ mới thông qua đang được chuyển tới Ukraine, song chúng đã bị trì hoãn suốt nhiều tháng vì bất đồng nội bộ ở Washington.

    "Mọi quyết định hỗ trợ chúng tôi đều được đưa ra muộn khoảng một năm. Thực tế đây là một bước tiến lớn sau hai bước lùi. Vì vậy chúng ta cần thay đổi mô hình một chút", ông nói.

    Tổng thống Zelensky từ lâu luôn kêu gọi phương Tây viện trợ nhiều hơn cho Ukraine, đặc biệt là về vũ khí. Song lời cầu xin tuần này được đưa ra vào thời điểm mà các nhà phân tích đánh giá Kiev chưa từng phải đối mặt với thách thức quân sự nghiêm trọng như vậy kể từ đầu xung đột với Nga.

    Ông Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn tại Văn phòng Tổng thống ở thủ đô Kiev ngày 17/5. Ảnh: AFP

    Ông Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn tại Văn phòng Tổng thống ở thủ đô Kiev ngày 17/5. Ảnh: AFP

    Trong các cuộc phỏng vấn, lãnh đạo 46 tuổi chia sẻ về những nỗi đau buồn khi đến thăm các ngôi mộ tập thể, an ủi gia đình những người lính tử trận hay về các chuyến đi khác của ông.

    Ông tỏ ra sôi nổi khi đề cập tới danh sách những việc mà đồng minh nên thực hiện để hỗ trợ Ukraine. Ông lập luận rằng NATO nên bắn hạ tên lửa Nga phóng vào Ukraine mà không cần triển khai máy bay trên không phận Kiev. Tổng thống Ukraine nhấn mạnh đây là chiến thuật phòng thủ thuần túy và không có nguy cơ khiến liên minh xung đột trực tiếp với lực lượng Nga.

    "Tại sao chúng ta không thể bắn hạ chúng? Đây có phải là phòng vệ không? Có. Đó có phải là cuộc tấn công vào Nga hay không? Không. Các bạn có đang bắn hạ máy bay Nga và giết hại phi công Nga không? Hoàn toàn không. Vậy có vấn đề gì liên quan tới các nước NATO trong cuộc chiến này? Không có vấn đề nào như thế", ông Zelensky nói.

    Sự trách móc được Tổng thống Ukraine thể hiện rõ khi ông so sánh cách Mỹ, Anh tham gia bắn hạ loạt tên lửa, UAV mà Iran phóng vào lãnh thổ Israel hồi tháng trước. "Đó là những gì chúng tôi đã chứng kiến ở Israel", ông nói. "Thậm chí quy mô cuộc tấn công đó còn không lớn như ở đây".

    Nhà Trắng đã giải thích rằng "xung đột khác nhau, không phận khác nhau và mối đe dọa cũng khác nhau", trước những lời trách móc từ Ukraine khi so sánh tình hình với Israel.

    Ông Zelensky đề xuất giải pháp các đồng minh NATO tham gia sâu hơn vào xung đột bằng cách bắn hạ những tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine và cung cấp cho Kiev vũ khí để chống lại lực lượng Nga tại khu vực biên giới.

    Nga đã phóng hàng nghìn tên lửa và UAV vào Ukraine, phần lớn nhắm vào hạ tầng năng lượng, giao thông, nhằm bẻ gãy ý chí của người dân nước này. Và phòng không là ưu tiên hàng đầu của Kiev.

    "Nga đang sử dụng 300 máy bay trên lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi cần ít nhất 120,130 máy bay để chống trả", ông nói.

    Ukraine đang chờ đợi các đồng minh bàn giao tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Ông Zelensky cho rằng nếu các quốc gia không thể chuyển giao máy bay ngay lập tức, họ có thể triển khai chúng tới những nước thành viên NATO nằm gần Ukraine và bắn hạ tên lửa Nga. Kiev cũng kêu gọi đồng minh tăng thêm viện trợ hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để đối phó các đòn tập kích của Nga.

    "Chúng tôi có thể nhận được 7 hệ thống Patriot hay không?", ông Zelensky hỏi, thêm rằng thực tế Ukraine cần nhiều hơn, nhưng trước hết muốn có con số này để bảo vệ các khu vực quan trọng đối với nền kinh tế và hạ tầng năng lượng của đất nước.

    "Các bạn có nghĩ rằng điều đó là quá nhiều cho hội nghị thượng đỉnh của NATO sắp diễn ra ở Washington không? Hay quá nhiều cho một đất nước đang phải đấu tranh cho tự do và dân chủ trên toàn thế giới?", ông nói thêm.

    Ukraine từ lâu mong muốn đối tác có thể tham gia trực tiếp hơn vào cuộc chiến với Nga, song giới lãnh đạo ở Kiev cũng hiểu phương Tây ngần ngại trước kịch bản căng thẳng với Nga leo thang, đặc biệt là sau những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga.

    "Đó là vấn đề về ý chí. Song mọi người đều nói một điều giống nhau rằng họ sợ leo thang. Mọi người đã quen với thực tế là người Ukraine đang phải chết, đó không phải là sự leo thang đối với họ", ông Zelensky.

    Ông cho rằng mối lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột với Nga đang bị phương Tây thổi phồng, vì Tổng thống Vladimir Putin sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, bởi bụi phóng xạ sẽ lan sang Nga và ảnh hưởng đến người dân nước này.

    Sự do dự của phương Tây cũng có thể do một số nước châu Âu vẫn muốn duy trì quan hệ thương mại và ngoại giao với Nga, theo ông Zelensky. "Mọi người muốn giữ cánh cửa luôn hé mở", ông nói.

    Sự tham gia trực tiếp của NATO vào xung đột Ukraine đã bị nhiều nước phương Tây phản đối quyết liệt vì nỗi lo đụng độ trực tiếp với Nga. Giới phân tích cũng cảnh báo Tổng thống Putin có thể coi những động thái như vậy là hành động leo thang "vượt lằn ranh đỏ".

    Ông Putin luôn coi chiến dịch ở Ukraine là một phần cuộc chiến sinh tồn của Nga khi phương Tây đang tìm cách tiến vào vùng ảnh hưởng của Moskva, trong đó có nước láng giềng Ukraine. Tuy nhiên, Kiev và phương Tây bác bỏ lập luận này, gọi chiến dịch của Moskva là hành động vô cớ.

    Ngoài phàn nàn về tốc độ viện trợ vũ khí, Tổng thống Zelensky còn ngầm trách phương Tây ngăn cản Ukraine sử dụng các vũ khí tầm xa mà họ cung cấp để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

    Lãnh đạo Ukraine cho rằng việc không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga đã mang lại cho Moskva "lợi thế rất lớn". Dù vậy, Kiev không thể làm trái cam kết, vì "không thể đặt toàn bộ số vũ khí được viện trợ vào tình thế rủi ro", ám chỉ nguy cơ bị phương Tây chặn dòng viện trợ quân sự.

    Khung cảnh đổ nát sau cuộc tập kích của Nga ở Kharkov, Ukraine ngày 5/5. Ảnh: Reuters

    Khung cảnh đổ nát sau cuộc tập kích của Nga ở Kharkov, Ukraine ngày 5/5. Ảnh: Reuters

    Ukraine đang chuẩn bị cho hội nghị hòa bình quốc tế tại Thụy Sĩ vào tháng tới, nhưng không có sự tham dự của Nga. Moskva đã lên tiếng chỉ trích hội nghị này, cho rằng các cuộc đàm phán có thể biến yêu cầu của Ukraine về việc Nga rút quân thành tối hậu thư, song khẳng định chiến lược này sẽ thất bại.

    Ông Zelensky cho rằng khi hội nghị hòa bình không có sự hiện diện của Nga, điều quan trọng là phải có được càng nhiều quốc gia chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán càng tốt.

    "Và khi đó, Nga sẽ phải trả lời trước phần lớn thế giới chứ không riêng Ukraine. Không ai nói rằng Nga sẽ sớm đồng ý đàm phán, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải có ý tưởng này", ông nói, thêm rằng Kiev cũng mong muốn đại diện Trung Quốc có mặt tại sự kiện.

    Bắc Kinh đến nay chưa xác nhận có tham gia hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ hay không. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin tuần trước gặp nhau tại Bắc Kinh, cam kết "kỷ nguyên mới" trong quan hệ đối tác giữa hai đối thủ lớn nhất của Mỹ.

    Lãnh đạo Ukraine hoan nghênh đề xuất gần đây của một số đồng minh NATO rằng họ sẽ gửi quân tới huấn luyện hoặc hỗ trợ lực lượng Ukraine, song nói rằng "tôi chưa thấy hành động đó, ngoại trừ những lời nói".

    Phản ứng trước những tuyên bố của ông Zelensky, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 21/5 cho rằng Tổng thống Ukraine đang "kích động vì tình thế đặc biệt bất lợi ở tiền tuyến", thêm rằng những đợt viện trợ quân sự mới của phương Tây cũng không thể giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường.

    Tuy nhiên, thông điệp của ông Zelensky dường như đã tạo ra tác động thực tế. Các quan chức giấu tên ở Washington cho hay sau chuyến thăm Kiev gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang tìm cách thuyết phục Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tập kích mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

    Ông Zelensky, từng là diễn viên hài trước khi tham gia chính trường, chia sẻ ông sẽ để mọi người đánh giá năng lực của mình trên cương vị lãnh đạo đất nước đang có chiến tranh, song bày tỏ lòng biết ơn của người dân Ukraine vì tinh thần kiên cường trước nghịch cảnh, bất chấp những thất bại trong những tháng gần đây.

    "Đất nước và người dân Ukraine đang chứng minh điều đó xuyên suốt cuộc chiến", ông nói. "Họ làm điều đó không bằng những lời lẽ hoa mĩ, không phải với giọng điệu khoa trương không cần thiết, không bằng những thông điệp kiểu lời nói gió bay. Họ chứng minh bằng mạng sống của mình".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Australian Whisky Auctions Vùng: Port Melbourne. Phone: 0458 696 103
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/thong-diep-trach-moc-phuong-tay-cua-tong-thong-zelensky-4749326.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ