Tổng thống Hàn Quốc công du Mỹ: Cơ hội để gắn kết liên minh
Ngày 20/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới Mỹ trong chuyến công du được kỳ vọng có thể là cơ hội để gắn kết liên minh Mỹ-Hàn và tạo "cú hích" mới cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Trọng tâm của chuyến thăm là cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Hàn Quốc với người đồng cấp Mỹ Joe Biden kể từ khi ông Biden nhậm chức tháng 1 năm nay.
Chương trình nghị sự của chuyến thăm bao trùm một loạt vấn đề đáng chú ý, từ việc thúc đẩy liên minh quân sự Hàn-Mỹ, quan hệ 3 bên Hàn-Mỹ-Nhật, cho đến hợp tác kinh tế và cùng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu và nhất là đại dịch COVID-19 hiện nay.
Tuy nhiên, hai nội dung chủ chốt là hợp tác Mỹ-Hàn trong tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và cung cấp vaccine ngừa COVID-19.
Giới chuyên gia sở tại cho rằng chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang tìm cách sử dụng hội nghị thượng đỉnh này làm công cụ để hồi sinh chính sách ngoại giao đối với Triều Tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai miền trong tương lai gần.
Với mục đích này, Seoul sẽ tìm cách đạt được nhất trí với Washington về một tuyên bố chung, trong đó chính quyền Tổng thống Biden có thể tái khẳng định cách tiếp cận trong vấn đề Triều Tiên theo "Thỏa thuận Singapore" đạt được năm 2018 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, hoặc chí ít là một tuyên bố chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Chuẩn bị cho chuyến thăm, từ nhiều tháng nay, giới chức Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc, tham vấn về vấn đề hết sức khó và phức tạp này với sự tham gia của giới ngoại giao, quân sự, an ninh và tình báo.
Phía Mỹ cũng đã khép lại quá trình xem xét chiến lược đối với Triều Tiên, tìm kiếm giải pháp ngoại giao theo hướng “tiếp cận từng bước, thực tế và hiệu chỉnh” với mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Mỹ sẽ không theo đuổi một thỏa thuận lớn như thời cựu Tổng thống Donald Trump hay chính sách “kiên nhẫn chiến lược” như thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Có thể hiểu đường lối của chính quyền Tổng thống Biden với Bình Nhưỡng hiện nay là giữ nguyên mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên bằng con đường ngoại giao và trong quá trình này, Washington sẽ tuần tự triển khai đàm phán từ cấp chuyên viên cho tới cấp cao với Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc đã hoan nghênh lập trường trên, nhưng vẫn mong muốn chính quyền Mỹ kế thừa thỏa thuận mà chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump đã đạt được với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore.
Rất có thể đề nghị này sẽ được nhà lãnh đạo Hàn Quốc đưa ra trong cuộc hội đàm với Tổng thống Biden.
Đây được đánh giá là một nỗ lực của Hàn Quốc để Mỹ và Triều Tiên có thể nối lại quá trình đàm phán đang đình trệ.
Nếu ông Biden chấp thuận thì đây sẽ là một tin tốt lành vì thỏa thuận được lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đạt được tại Singapore được đánh giá là thỏa thuận toàn diện và tích cực.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều nhà phân tích, lập trường của Mỹ trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn rất thận trọng và chính quyền Tổng thống Biden không coi vấn đề Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu.
Việc vị trí "đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên" trong chính quyền mới ở Mỹ vẫn còn bỏ trống cũng đủ cho thấy mức độ quan tâm của Tổng thống Biden đối với vấn đề này.
Hơn nữa, Washington hiện vẫn hoài nghi về việc Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân. Do đó, sẽ không dễ để Tổng thống Biden đạt được một thỏa thuận với ông Moon Jae-in về vấn đề này.
Trong khi đó, dư luận Hàn Quốc lại quan tâm tới vấn đề hợp tác vaccine ngừa COVID-19 giữa Seoul và Washington hơn là những đột phá trong vấn đề Triều Tiên.
Để đảm bảo được đủ vaccine thực hiện thành công mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới, Hàn Quốc muốn đạt thỏa thuận hoán đổi vaccine với Mỹ, theo đó Washington sẽ cung cấp cho Seoul một số lượng vaccine cần thiết trước và Hàn Quốc sẽ trả lại Mỹ sau bằng nguồn vaccine sản xuất trong nước sử dụng công nghệ của Mỹ hay công nghệ của chính Hàn Quốc.
Seoul đã đánh tiếng rằng nếu Mỹ chuyển giao công nghệ và nguyên liệu sản xuất vaccine cho Hàn Quốc thì nước này có thể trở thành trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu nhờ năng lực sản xuất dược phẩm hiện đứng thứ hai thế giới.
Đó là lý do tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến thăm Mỹ lần này có quan chức của các công ty dược phẩm hàng đầu Hàn Quốc như Samsung Biologics và SK Biosience.
Việc đảm bảo "quan hệ đối tác vaccine" với Washington sẽ là ưu tiên hàng đầu trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn, khi mà công tác tiêm chủng ngừa COVID-19 của Hàn Quốc ít tiến triển do khó khăn về nguồn cung vaccine. Nước này đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 26/2.
Đến nay, 940.345 người, tức 1,8% dân số Hàn Quốc, đã được tiêm đủ liều vaccine, trong khi 733.806 người, tức 7,3%, được tiêm một mũi vaccine.
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 10/5 cho thấy gần 30% người Hàn Quốc coi việc đảm bảo vaccine là ưu tiên hàng đầu mà Tổng thống Moon Jae-in nên theo đuổi trong phần còn lại của nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ hợp tác. Tháng trước, các quan chức ở Washington viện dẫn lý do tình hình ở Mỹ vẫn còn khó khăn và nước này cũng đang thiếu vaccine.
Ngoài ra, trong chương trình nghị sự còn có các dự án đầu tư lớn của Hàn Quốc sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đang ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành chế tạo như điện thoại, máy tính hay ôtô.
Nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận trong lĩnh vực này vì Hàn Quốc coi đây là ngành chiến lược quyết định số phận của nền kinh tế quốc gia, trong khi Mỹ cũng muốn xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm chủ chốt này tránh lệ thuộc vào Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Washington trong nhiều lĩnh vực.
Theo nhiều nguồn tin, 4 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, Samsung, Huyndai, SK và LG, dự kiến đầu tư tổng cộng 40.000 tỷ won (khoảng 35 tỷ USD) vào Mỹ. Đây được coi là "món quà" mà Tổng thống Moon Jae-in dành cho Tổng thống Biden để đổi lấy sự hợp tác về vaccine từ Mỹ.
Một vấn đề nhức nhối hai bên cần trao đổi để tìm ra giải pháp, đó là quan hệ căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á.
Cả Hàn Quốc và Nhật Bản bề ngoài đều tuyên bố sẽ nỗ lực giải quyết mâu thuẫn và đều đã có những hoạt động đối thoại song phương hay ba bên với sự tham gia của Mỹ trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, hai nước này xem ra khó có thể sớm “bình thường hóa” quan hệ bởi các mâu thuẫn chồng mâu thuẫn từ vấn đề chủ quyền biển đảo, bồi thường cho nạn nhân thời chiến cho đến tranh chấp thương mại và gần đây nhất là việc Chính phủ Nhật Bản thông báo quyết định xả nước của nhà máy điện hạt nhân ra biển.
Có thể nói, trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp hiện nay, "hành trang" Tổng thống Hàn Quốc đem tới Mỹ khá "nặng gánh."
Một quan chức Hàn Quốc tham gia công tác chuẩn bị cho chuyến đi của Tổng thống Moon Jae-in tiết lộ rằng khác với mọi cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Mỹ đầu tiên thường là dịp để tái khẳng định quan hệ liên minh, điều phối chính sách Triều Tiên và xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo, lần này, thành công của cuộc gặp sẽ được đánh giá bằng "những gì mà Hàn Quốc có thể nhận được," đặc biệt là trong vấn đề tăng cường nguồn cung cấp vaccine.
Nói cách khác, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn sẽ là phép thử độ bền chặt của mối quan hệ liên minh truyền thống giữa hai nước./.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: https://www.vietnamplus.vn/tong-thong-han-quoc-moon-jaein-cong-du-my-phep-thu-lien-minh/714107.vnp