Tộc người có lối sống "nguyên thủy" bị đe dọa mất bản sắc
Hadza là tộc người bản địa ở Tanzania. Họ chủ yếu sống gần khu vực hồ Eyasi trong thung lũng Rift. Những người Hadza sống bằng việc săn bắt, hái lượm. Đây là một trong những bộ tộc cuối cùng trên thế giới còn tiếp tục lối sống kiểu này. |
Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ Hadza đã được dạy về kỹ năng hái lượm quả dại. Các loại quả mọng chứa nhiều chất dinh dưỡng là nguồn thức ăn không thể thiếu trong chế độ ăn uống của dân Hadza. Chúng chủ yếu được kiếm bởi những người phụ nữ. Trong khi đó, đàn ông lại vượt trội trong khả năng săn bắt. |
Một người đàn ông Hadza chui vào hố tìm thức ăn, bất chấp hiểm họa rình rập như rắn hổ mang và các loài bò sát độc khác. |
Tìm mật ong cũng là một trong những công việc chính của đàn ông Hadza. Theo các nghiên cứu, khoảng 80% thức ăn của người Hadza là rễ cây, hoa quả. 20% còn lại gồm mật ong và thịt thú rừng. Họ không chú trọng việc lấy mật lâu dài mà thường phá vỡ tổ khiến những con ong đi xa. |
Năm 2017, phóng viên BBC đã trải nghiệm cuộc sống cùng những người Hadza. Người Hadza tò mò việc các nông dân phải dành cả ngày trên cánh đồng và trồng trọt, nuôi động vật để lấy thức ăn. Họ nghĩ sẽ tốt hơn nếu tự kiếm quả mọng và thú rừng hay mật ong để ăn nhiều nhất có thể thay vì chờ đợi. Điều này cũng phản ánh lối sống "không biết ngày mai" của người Hadza. |
Một người Hadza đang thử những mũi tên mới làm trước buổi đi săn. |
Rìu là công cụ không thể thiếu của những người Hadza trong những lần đi tìm mật ong. |
Trong những năm gần đây, cuộc sống của người Hadza đang trở nên ngày một khó khăn. 2 yếu tố chính ảnh hưởng tới họ là sự giới hạn về khu vực săn bắt và du lịch hóa. Những nông dân mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi... khiến việc săn bắt của người Hadza bị hạn chế. Nhiều nơi từng là điểm kiếm thức ăn quen thuộc của người Hadza cũng đã bị chính quyền đặt lệnh cấm. |
Năm 2007, chính quyền địa phương đã cho hoàng gia Al Nahyan của UAE thuê toàn bộ 65.000 km2 vùng lãnh thổ truyền thống của người Hadza làm điểm "vui chơi, săn bắt". Một số người Hadza đứng lên phản đối, thậm chí đã bị đi tù. Tuy nhiên, các thông tin tiêu cực từ truyền thông quốc tế đã khiến thương vụ này bị hủy bỏ. |
Du lịch cũng là yếu tố đang giết chết văn hóa lâu đời của người Hadza. Một bài báo trên tạp chí Sience năm 2018 đã gọi du lịch là thứ "độc hại" với người Hadza. Trong 3 tuần nghiên cứu, nhà nhân chủng sinh thái học Haruna Yatsuka của Đại học Nihon (Nhật Bản) đã nhận ra điều này. |
Các khách du lịch thường bắt đầu chuyến tham quan vào lúc 6h. Họ đi cùng người Hadza vào rừng và xem tộc người này trình diễn kỹ thuật đi săn, đào củ hoặc các điệu múa truyền thống. Những người Hadza thường không giết thú rừng khi đi cùng khách du lịch và mặc những bộ trang phục không phải truyền thống của họ - nhưng lại phù hợp với thị hiếu của du khách. |
Người Hadza kiếm được tiền nhờ bán đồ lưu niệm hoặc nhận tiền boa từ du khách. "Du lịch mang đến thu nhập cho người Hadza và có những tác động to lớn đến chế độ ăn uống, sinh kế cũng như lối sống của họ", Yatsuka nói. |
Khi có tiền, nhiều người Hadza lại dùng để đi mua rượu. Trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và đàn ông đều uống rượu. Đôi khi, những bữa nhậu bắt đầu ngay từ đầu ngày. Trẻ con không được cho ăn còn phụ nữ lại bị đàn ông say rượu đánh đập. |
Theo nhà nghiên cứu Blurton-Jones, người Hadza sống ở Mang'ola có tỷ lệ nghiện rượu, ốm đau và tử vong sớm cao hơn những người sống kiểu truyền thống. |
Đất đai, du lịch và văn hóa đang khiến cuộc sống thuần thiên nhiên của những người Hadza bị ảnh hưởng nặng nề. Tương lai của họ ra sao vẫn còn là câu chuyện được giới nghiên cứu quan tâm. |
Nhận mọi công việc service xe lớn hay nhỏ
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/du-lich-khien-toc-nguoi-san-bat-hai-luom-hiem-hoi-mat-chat-post1251541.html