Tính toán của ông Trump khi ký lệnh công bố hồ sơ vụ ám sát Kennedy
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/1 ký sắc lệnh chỉ đạo giám đốc tình báo quốc gia và Bộ trưởng Tư pháp trình bày kế hoạch nhằm giải mật các hồ sơ liên quan vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy trong vòng 15 ngày.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông từng đưa ra lời cam kết tương tự về việc công bố các tài liệu còn lại liên quan đến vụ ám sát tổng thống Kennedy, nhưng cuối cùng đồng ý kiểm duyệt một số tài liệu nhằm bảo vệ thông tin nhạy cảm như tên các nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), phương pháp thu thập thông tin tình báo và quan hệ đối tác liên quan đến sự việc.
Tổng thống John F. Kennedy và đệ nhất phu nhân Jacqueline được đám đông chào đón khi đến sân vận động Dallas Love Field ngày 22/11/1963. Ảnh: AP
Sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông không còn coi việc kiểm duyệt những tài liệu đó là phù hợp và muốn mọi thứ liên quan đến vụ ám sát tổng thống Kennedy phải được công bố. Ông cũng ra lệnh công bố hồ sơ liên quan đến vụ ám sát cựu bộ trưởng tư pháp Robert F. Kennedy, em trai tổng thống Kennedy, và mục sư Martin Luther King Jr.
Nhiều thập kỷ sau vụ ám sát tổng thống Kennedy tại thành phố Dallas, bang Texas, ngày 22/11/1963, nhiều tài liệu liên quan đến sự kiện này vẫn được bảo mật, làm dấy lên vô số thuyết âm mưu.
Ông Trump từ lâu cũng bị cuốn vào những thuyết âm mưu như vậy. Ông thậm chí còn cáo buộc cha của thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz, một trong những ứng viên chính đối đầu với ông trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa năm 2016, có liên hệ với sát thủ Lee Harvey Oswald.
Tổng thống Trump hiện có một cố vấn là Robert F. Kennedy Jr., người đang được đề cử làm lãnh đạo Bộ Y tế Mỹ và cũng ủng hộ các thuyết âm mưu về vụ ám sát tổng thống Kennedy, chú của ông.
Ủy ban Warren, được thành lập một tuần sau cái chết của tổng thống Kennedy, cho biết tay súng Oswald hành động một mình ở Dallas. Nhưng những người khác vẫn tiếp tục đặt câu hỏi liệu Oswald có làm việc với các điệp viên Liên Xô, Cuba hay CIA hay không.
Kennedy Jr. từng nói "có bằng chứng rõ ràng cho thấy CIA liên quan đến vụ ám sát" cách đây hơn 60 năm, song không đưa ra thông tin cụ thể.
Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật cách đây hơn ba thập kỷ nhằm giải quyết những câu hỏi về vụ ám sát bằng cách giải mật các hồ sơ có liên quan, nhưng theo Cục Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia, vẫn còn hơn 3.000 tài liệu chứa nội dung bị kiểm duyệt và bôi đen, khiến giới nghiên cứu bối rối.
Đạo luật Thu thập Hồ sơ Ám sát Tổng thống John F. Kennedy năm 1992 tuyên bố rằng tất cả tài liệu về sự việc phải được công khai vào tháng 10/2017. Tuy nhiên, luật này cho phép các quan chức Mỹ hoãn việc công bố nếu họ tin rằng những lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư quan trọng hơn lợi ích công cộng.
Giới chức Mỹ đã nhiều lần viện dẫn những lo ngại về quyền riêng tư và an ninh quốc gia để hoãn việc công bố một số tài liệu về vụ ám sát.
Năm 2018, trên cương vị tổng thống, ông Trump đã cho phép công bố 19.045 tài liệu, trong đó có nhiều hồ sơ đã bị kiểm duyệt.
Một tài liệu bị kiểm duyệt liên quan đến vụ ám sát Kennedy. Ảnh: Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ
Tháng 10/2021, Tổng thống Joe Biden cũng hoãn việc công bố các tài liệu theo kế hoạch, với lý dò ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. "Việc hoãn lại là cần thiết để ngăn ảnh hưởng tiêu cực với hoạt động phòng thủ quân sự, tình báo, thực thi pháp luật hoặc đối ngoại", ông lúc bấy giờ nói.
Tổng thống Biden công bố hơn 13.000 tài liệu trong những năm tiếp theo, nhưng vào tháng 6/2023, ông tuyên bố mình đã đưa ra "chứng nhận cuối cùng" về những hồ sơ sẽ được công bố, chuyển giao quyền tiết lộ tài liệu cho các cơ quan khác.
Jefferson Morley, biên tập viên trang tin JFK Facts, cho biết một số thông tin mới đã được trích xuất từ những tài liệu công bố trong giai đoạn 2018-2023. Chúng cho thấy có vài nhân viên CIA không tin rằng Oswald hành động một mình, và một quan chức phản gián đã cố gắng "trì hoãn" cuộc điều tra của Ủy ban Warren bằng cách từ chối cung cấp thông tin về Oswald.
Tuy nhiên, theo Gerald Posner, tác giả cuốn sách Khép lại Vụ án về vụ ám sát tổng thống Kennedy năm 1993, nhiều tài liệu mới công bố gần đây không đưa ra được những thông tin chủ chốt, mang tính bước ngoặt và ông nghi ngờ liệu số hồ sơ mật còn lại có làm được điều này hay không.
"Nhiều tiêu đề lớn nhất được trích từ hồ sơ JFK trong 4 hoặc 5 năm qua là những câu chuyện mà tôi gọi là tin lá cải về những thông tin đã cũ", ông nói.
Một số tài liệu được công bố từ năm 2022 đã làm sáng tỏ hành động của Oswald trong những tháng trước vụ ám sát. Một tài liệu từ tháng 6/1962 chỉ ra rằng Oswald có thể đã nằm trong tầm ngắm của CIA hơn một năm trước khi anh ta ra tay. Tài liệu khác cho biết CIA đã chặn được cuộc gọi mà Oswald thực hiện vào tháng 10/1963 từ Mexico City đến đại sứ quán Liên Xô tại đây, yêu cầu ai đó trong tòa nhà "gửi điện tín cho anh ta đến Washington".
Mùa hè năm 2023, một tài liệu không bị kiểm duyệt được công bố cho thấy Reuben Efron, một nhân viên CIA, từng thu được thư của Oswald gửi cho mẹ trước khi tổng thống Kennedy bị ám sát. Tài liệu này làm dấy lên nghi ngờ về việc CIA có thể đã nắm được thông tin nào đó về động cơ của Oswald trước khi ông ta gây án.
Đặc vụ CIA Efron đã qua đời hơn 30 năm trước. Morley và Posner cho biết họ tin rằng các tài liệu còn lại có thể hé lộ việc CIA đã biết về Oswald trước vụ ám sát.
Lee Harvey Oswald bị cảnh sát bắt vào ngày 23/11/1963, một ngày sau vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy. Ảnh: AP
Theo Morley, các bằng chứng được công bố đến nay khiến ông đặt ra giả thuyết rằng một số người trong CIA đối đầu với tổng thống Kennedy đã làm việc với Oswald và những tài liệu còn lại có thể chứng minh hoặc bác bỏ điều này.
Posner trong khi đó cho biết ông nghĩ Oswald đã hành động một mình và các tài liệu còn lại có thể cho thấy CIA đã không thông báo với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về các thông tin mà họ thu thập được trước vụ ám sát.
Một phát ngôn viên CIA hồi năm 2022 khẳng định họ không che giấu thông tin về Oswald hay vụ ám sát.
"CIA tin rằng tất cả thông tin quan trọng có liên quan trực tiếp đến Oswald đã được công bố", người phát ngôn cho hay. "Một số ít thông tin còn lại được kiểm duyệt để bảo vệ tên nhân viên CIA, nguồn tin, địa điểm và các kỹ thuật thu thập thông tin tình báo của chúng tôi".
Ngay cả khi tất cả tài liệu về vụ ám sát tổng thống Kennedy được công bố, Posner không nghĩ các thuyết âm mưu sẽ chấm dứt.
"Giả sử nó không bổ sung thêm bằng chứng nào về những âm mưu liên quan đến vụ án, những người tin vào thuyết âm mưu sẽ nói 'được rồi, thấy chưa, họ đã hủy các tài liệu thực sự'", ông nói.
Bất chấp những bất đồng quan điểm về những gì đã xảy ra vào ngày 22/11/1963 tại Dealey Plaza ở Dallas, cả Posner và Morley đều hy vọng hồ sơ sẽ được công bố đầy đủ.
"Còn bằng chứng không thể chối cãi nào ở đó không ư? Bạn biết đấy, chuyện không liên quan quá nhiều đến những bằng chứng như vậy", Morley cho hay. "Thứ chúng ta quan tâm là luật quy định rằng tất cả hồ sơ về JFK của chính phủ phải được công khai vào tháng 10/2017. Chúng ta đã quá thời hạn đó rồi".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tinh-toan-cua-ong-trump-khi-ky-lenh-cong-bo-ho-so-vu-am-sat-kennedy-vnepre-4842728.html