Tình người
ảnh minh họa
Ban ngày, người lớn hầu như vắng mặt. Ở lại chỉ có vài gia đình mở những quán nhỏ, phục vụ bà con những mặt hàng thiết yếu. Suốt mấy năm đi học như thế, chúng tôi thường thấy, khi ở chỗ này, khi ở chỗ khác, một cụ bà cao dong dỏng, mắt sáng nhưng hiền từ. Cụ thường đi một mình, bước chân thoăn thoắt như người còn trẻ. Điều đặc biệt, gặp ai cụ cũng chào, miệng luôn nở nụ cười tươi. Lạ là cụ hay chào trước chúng tôi, lũ trẻ ranh chỉ đáng tuổi cháu hay chắt của cụ. Cụ được cả phố quý trọng. Từ bao giờ chẳng rõ, phố Pissa gọi cụ bằng cái tên trìu mến “Bà nội xởi lởi” hay “Mẹ hiền của phường”.
Chúng tôi, có lẽ đứa trẻ nào ở phố, cũng thấy vui hay được an ủi, mỗi lần được gặp bà. Đơn giản thôi mà, đứa nào chẳng lăn tăn đôi chút về việc chưa thuộc bài hay chưa làm bài, tối qua chểnh mảng trong nấu ăn giúp mẹ, bị bố mắng oan, hay lúc nữa bị gọi lên bảng mà công thức toán chưa nhớ, sợ bị cô giáo nói mát là con vẹt kháu khỉnh… Hôm nào không gặp cụ, chúng tôi thường hỏi nhau, cụ có làm sao không nhỉ. Một nỗi nhớ bâng quơ tự dưng trỗi dậy trong lòng.
Tôi nhớ, có lần, tôi và hai bạn nữa bí mật đi sau “Bà nội xởi lởi”, để xem cụ thường đi đâu. Hóa ra, bà ra chợ phụ giúp con dâu bán hàng, cũng toàn hàng vặt. Cụ ở với con dâu suốt ngày, tối muộn mới về cùng. Chúng tôi vào mua hai bánh mì và một chai nước, cụ vui vẻ chào và cho mỗi đứa một chiếc kẹo: “Đây là của bà. Các cháu ăn rồi học giỏi, ngoan ngoãn cho bố mẹ đỡ lo nhé”. Đôi mắt già nua vẫn sáng, song đượm một nỗi buồn không lý giải được. Nụ cười tươi trên bộ mặt nhiều nếp nhăn thì phúc hậu lạ lùng… Những hình ảnh ấy, cùng dáng đi nhanh nhẹn và vẻ người dong dỏng của “Mẹ hiền của phường” cứ hiện lên mãi trong tâm trí tôi, khiến tôi hay nhớ tới ông bà tôi qua đời đã lâu vì chiến tranh và tai nạn lao động. Vâng, sung sướng thay khi chúng ta luôn được có ông bà ở bên cạnh! Hai năm nay, “Bà nội xởi lởi” vắng hẳn trên con phố quen thuộc. Mỗi lần về nghỉ, tôi thường cố ý ra phố vào giờ hay gặp cụ. Nhưng chẳng bao giờ thấy cụ nữa. Tôi bèn rủ mấy bạn thân đi tìm. Sau cùng, một bác vốn là cảnh sát, đã về nghỉ, cẩn thận ghi ra giấy cho chúng tôi địa chỉ của cụ. Có điều, không hiểu sao, khi gần đến nhà cụ, đứa nào cũng đùn đẩy cho đứa kia vào trước. Rayna Ruis vốn thường ngày khá ngổ ngáo, giờ cũng cứ lùi lại sau lưng Rita Castro. Tôi liền khoác vai hai đứa, dõng dạc rằng: “Chúng mình có gì phải xấu hổ với cụ đâu. Sao bỗng dưng nhát như cáy vậy…”. Tôi vừa nói vừa dìu cả hai cùng tiến bước về phía cánh cửa mở rộng. Còn độ hai mét nữa, chúng tôi sững lại: “Chào các cháu… Mời các cháu vào nhà”. Giọng lanh lảnh nhưng đầm ấm quen thuộc vang lên, chúng tôi mỉm cười sung sướng và mặt thì ửng đỏ. “Chúng cháu chào bà ạ !”. “Quý hóa quá… Các cháu còn nhớ đến bà?...”. Chúng tôi sà tới, ngồi bên cụ. Cụ ngồi trên chiếc chiếu đan bằng lá cọ trông rất tinh xảo, trải trên chiếc giường ghép bằng ván thùng hàng bỏ đi, cũng khá đường hoàng. Lưng “Mẹ hiền của phường” dựa vào bức tường nhà bằng đất phẳng phiu. Về sau, chúng tôi biết tất cả những thứ đó đều là công trình của “Bà nội xởi lởi”. Nói cho phải, cụ là tổng công trình sư. Cụ nghĩ ra, rồi nhờ con cháu, khi rỗi rãi, tìm đưa về cho cụ những nguyên vật liệu như đất sét, lá cọ, thùng hàng không dùng nữa… Họ sẽ nhào nặn, tháo gỡ, hay cưa cắt theo ý cụ, việc lắp ghép được cụ chỉ đạo chặt chẽ… Dần dà, túp lều lá cọ mục nát từ thời cụ ông còn sống được thay thế bằng ngôi nhà tường đất, mái lá, rộng rãi, thoáng đãng vì có mấy cửa sổ.
“Mẹ hiền của phường” tên là Rebecca Enonson, năm nay đã 97 tuổi. Cụ góa chồng từ khi người con út của cụ chào đời. Nghĩa là đã không dưới 50 năm. Cụ ông mất vì bệnh ung thư. Tiền chạy chữa cho chồng, cụ phải vay mượn. Chồng chết rồi, cụ phải kiên cường lắm mới nuôi nổi đàn con thơ dại và dần trả hết món nợ kia. Cụ một mình chèo chống, nhịn ăn nhịn mặc, nhưng thu nhập từ việc làm thuê hằng ngày không sao đủ được. Cụ bèn nghe theo một số cụ bà khác trong phố, quyết chí đi buôn “đường trường”. Các cụ thường đi bộ hàng chục cây số, đem hàng ở đây đến bán ở đấy, rồi đem hàng ở đấy về đây bán lại. Đôi khi mất hàng hay lỗ nặng vì mưa bão, hàng hỏng, nhưng tính chung, tiền thu được là rất khá. Đây đúng là những đồng tiền mồ hôi nước mắt thật sự. Mồ hôi thường vã ra như tắm và nước mắt thường cay đắng khôn tả, vì bị thất hứa, bị lừa, bị nhiều gian nan không lường trước được. Thế rồi, cụ nuôi được các con trưởng thành, dựng vợ gả chồng đâu ra đấy. Các con cụ cũng nối nghiệp bố mẹ, bán mồ hôi lấy miếng ăn. Con trai cả của cụ mất cách đây đã 8 năm. Hai con gái cụ lấy chồng xa, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ. Cụ ở với vợ chồng người con trai thứ. Người con trai này đã trên 50 tuổi, làm nghề bốc vác ngoài bến tàu thủy thị xã. Vợ ông bán hàng lặt vặt, cũng ở bến tàu. Hai năm nay, cụ bị tai biến mạch máu não, nhưng không phải nằm liệt do sức khỏe tốt. Cụ không ra ngoài được nữa. Nhưng cụ vẫn có thể làm cho con cháu nhiều việc vặt trong nhà như nấu ăn, quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ đạc. Mắt cụ kém dần. Rồi không nhìn thấy gì nữa. Mắt lòa thì tai cũng nghễnh ngãng ngày một nặng. Con dâu cụ xin cụ nghỉ ngơi hoàn toàn. Đây thực sự là một cú sốc. Khi cụ kể cho chúng tôi nghe chuyện này, giọng cụ bỗng đượm buồn, nỗi buồn tiếc nuối, đắng cay và dường như ân hận… “Bà ơi, bà làm lụng suốt đời rồi. Bây giờ bà nên nghỉ. Bà cứ tham công tiếc việc, ngộ nhỡ…, thì các bác ấy không yên lòng được ạ…”. Nhiều lần, mấy đứa chúng tôi thưa với cụ đại loại như thế. Nhưng xem ra, cụ không vui lên được, đôi mắt hấp háy hồi lâu, mặt thẫn thờ như đột nhiên mất báu vật mẹ tặng…
Gần đây, “Bà nội xởi lởi” tỏ ra mệt mỏi nhiều. Cụ ăn ít, thường nằm suốt. Tôi tự coi như bổn phận, chủ nhật nào cũng xin xưởng nơi tôi làm thợ cho nghỉ để về thăm cụ. Đôi khi có cả Rayna Ruis và Rita Castro. Chúng tôi đứa thì nấu ăn, đứa thì tắm cho cụ, đứa thì giặt quần áo hay dọn dẹp nhà cửa. Khi một trong ba đứa bón cho cụ ăn là lúc vui hơn cả. Chúng tôi phải nói to, cụ mới nghe được. Thương cụ lắm, tính tình cởi mở, cụ chú ý đến mọi việc, mọi người. Cụ hỏi đủ chuyện, giá cả, hàng hóa, thiên tai, hỏa hoạn, người nọ người kia, nhất là những bạn già và con cháu cụ. Con bác cả đều đi làm ăn xa, gần như biệt tích. Con bác thứ thì một du học ở Anh, một làm thuê bên Mỹ. Các cháu ngoại thì do bận học, bận việc hay thiếu tiền, thỉnh thoảng mới ghé về với cụ một đôi ngày… Vợ chồng bác thứ áy náy lắm, chúng tôi còn việc nhà, còn phải nghỉ ngơi sau một tuần vất vả. Nhưng thật may, chính các bạn của cụ, mà chúng tôi thường gặp ở nhà cụ vào chủ nhật, nói đỡ, có lý có tình, hai bác mới yên tâm đi làm, để chúng tôi tự lo liệu mọi việc, sao cho cụ được thoải mái và vui vẻ. Một tối, nhân trời mưa, tôi nấn ná khá lâu ở nhà “Mẹ hiền của phường”. Tôi vẫn ngồi cho cụ cầm tay, như thường lệ. Bác trai thứ vào chào cụ, cụ bảo bác: “Con gọi các chị về ngủ với mẹ một đêm”. “Vâng, con sẽ gọi”. Ít phút sau, tôi nghe vợ chồng bác thì thầm rất nhỏ: “Gọi mãi mới thưa máy… Xem chừng gay lắm thì phải?”. Tôi chợt nhớ, hôm nay cụ nằm nhiều, không chủ động tìm nắm tay tôi như mọi bữa. Tôi quyết định xin nghỉ phép ba ngày, sang đây hầu hạ cụ. Hai bạn thân của tôi ban đêm cũng về. Chúng tôi xin phép hai bác con cụ và nhờ nói dối là mẹ bận về sau, các cháu từ xa về ngủ với bà ngoại. Ba đêm liền, chúng tôi chia nhau nằm hai bên “Bà nội xởi lởi”, vòng tay ôm lấy thân hình quá mảnh và ngủ như trẻ thơ… Khi tới đây, tôi không kịp báo cho bố. Đêm thứ ba, bố bất ngờ xuất hiện. Trái với dự đoán của tôi, bố không mắng mỏ gì tôi mà đi thẳng tới bên “Mẹ hiền của phường”. Bố ngồi bên cụ, thân thiết nắm bàn tay cụ hầu như đã bất động. Lúc sau, bố mới nhìn khắp ba đứa chúng tôi: “Các con làm thế này là rất phải. Tình người là quý nhất…”. Hóa ra, bố vô tình nghe một cụ bạn của “Mẹ hiền của phường” khen ngợi chúng tôi, dò la và gặp được con trai thứ của cụ… Xử sự của bố khiến chúng tôi trào lệ. Một hạnh phúc trong sáng bất ngờ!... Tôi linh cảm đúng. Mấy hôm sau, “Mẹ hiền của phường” qua đời. Ba chúng tôi ôm lấy nhau, khóc nức khóc nở. Chưa bao giờ chúng tôi khóc nhiều đến thế...
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2279471