TikTok cấm video khuyến khích nhuộm da
Ảnh: 9News
TikTok công bố chiến dịch giáo dục rộng rãi và hiển thị dòng cảnh báo cho nội dung chống sạm da, mỗi khi người dùng tìm kiếm các từ như tanning (sạm da), summer (mùa hè) hay sunburnsạm (cháy nắng), The Guardian đưa tin.
Chiến dịch, nhắm mục tiêu những người 20-39 tuổi, cũng sẽ xóa nội dung liên quan đến các hoạt động gây "nguy hiểm", bao gồm hashtag #sunburnchallenge phổ biến, có hơn 8,4 triệu lượt xem trên toàn thế giới.
Hồi tháng 9, giáo sư Georgina Long và giáo sư Richard Scolyer, đồng giám đốc y tế của Viện Melanoma Australia, đã cảnh báo về sự phổ biến của hashtag #sunburnchallenge trên TikTok.
Phát biểu cùng với Cate Campbell, vận động viên Olympic, đồng thời là người từng điều trị ung thư hắc tố da (melanoma), giáo sư Long nói rằng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với làn da rám nắng đã sử dụng các hashtag như "sunburnt tanlines" và thu hút hơn 200 triệu lượt xem.
Bà Long kêu gọi các nền tảng, đài truyền hình và những người có ảnh hưởng "thay đổi câu chuyện văn hóa xung quanh cháy nắng và sạm da" ở Australia và New Zealand, những nơi có tỷ lệ người mắc và tử vong do ung thư da cao nhất thế giới.
Ung thư hắc tố là dạng ung thư phổ biến nhất ở những người 20-39 tuổi ở Australia và là dạng ung thư da nguy hiểm nhất ở quốc gia này, chiếm hơn 1.000 ca tử vong/năm.
Tổ chức Cancer Australia ước tính sẽ có 17.756 trường hợp mới được chẩn đoán vào năm 2022. Điều này sẽ khiến ung thư hắc tố da trở thành bệnh ung thư phổ biến thứ ba trên toàn quốc, sau ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.
Giám đốc điều hành của Viện u ác tính Australia, Matthew Browne, cho biết đơn vị này đã vận động trong nhiều tháng để TikTok hạn chế nội dung độc hại có thể ảnh hưởng đến những người dùng mạng xã hội trẻ tuổi. 32% người dùng của nền tảng 16-24 tuổi.
"Các giám đốc y tế của chúng tôi đã đưa ra lời kêu gọi về nhu cầu cấp thiết phải ngăn chặn xu hướng nhuộm da lan truyền, để cứu sống những người trẻ tuổi. Cứ sau 30 phút lại có một người Australia được chẩn đoán mắc melanoma".
Trước đó, TikTok cũng đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội về các thử thách nguy hại, gây chết người lan truyền trên nền tảng. "Thử thách mất điện" làm ít nhất 7 trẻ em ở độ tuổi 15 thiệt mạng khi khuyến khích người dùng tự bóp cổ mình cho đến khi bất tỉnh. "Thử thách Benadryl", liên quan đến việc uống thuốc dị ứng Benadryl liều cao để tạo ảo giác, cũng khiến một số thanh thiếu niên nhập viện, có trường hợp tử vong.
Article sourced from Zing.