Thương vụ tàu ngầm hạt nhân AUKUS gây đảo lộn quan hệ Úc - Trung Quốc

14:00' 16-03-2023
Quan hệ Trung Quốc và Australia gần đây có những cải thiện tích cực, song thương vụ tàu ngầm hạt nhân AUKUS có nguy cơ đảo lộn tất cả.


    Ba năm sau khi Trung Quốc áp hàng loạt biện pháp hạn chế thương mại với Australia, hai nước bắt đầu có những động thái hàn gắn rạn nứt. Tháng 11 năm ngoái, lãnh đạo hai nước gặp nhau lần đầu tiên sau nửa thập kỷ. Các quan chức hàng đầu cũng nối lại đối thoại thường xuyên. Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell dự kiến sớm thăm Bắc Kinh.

    "Gần như mọi lĩnh vực thương mại mà chúng tôi tranh chấp hoặc đình trệ đều đã có bước tiến. Công việc của tôi là biến những cuộc thảo luận thành kết quả thực tế cho doanh nghiệp Australia", Bộ trưởng Farrell nói tuần trước.

    Dù vậy, doanh nghiệp hai nước khó có thể sớm mơ về thời kỳ hoàng kim của bùng nổ thương mại 10 năm trước, bởi một rào cản lớn đang đe dọa mối quan hệ song phương vừa mới ấm lên.

    Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 13/3 họp báo cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại quân cảng San Diego ở bang California, Mỹ, thông báo Australia sẽ mua tối đa 5 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ theo thỏa thuận an ninh AUKUS.

    Theo điều khoản trong thương vụ quốc phòng lớn nhất lịch sử Australia, mỗi tàu ngầm Virginia sẽ có giá hơn 3 tỷ USD, sử dụng tên lửa thông thường, không được trang bị đầu đạn hạt nhân. Sau 5 chiếc đầu tiên mua của Mỹ, Australia sẽ chế tạo lớp tàu hoàn toàn mới dựa trên công nghệ của Mỹ và Anh.

    Tàu ngầm lớp Virginia tại nhà máy đóng tàu của Mỹ hồi năm 2012. Ảnh: USNI.

    Tàu ngầm lớp Virginia tại nhà máy đóng tàu của Mỹ hồi năm 2012. Ảnh: USNI.

    Giới quan sát cho rằng Trung Quốc chắc chắn không hài lòng với động thái này. "Nó sẽ khiến quan hệ hợp tác giữa Australia và Trung Quốc vướng phải nhiều trở ngại", Michael Fullilove, giám đốc điều hành Viện Lowy ở Sydney, nói.

    Tổng thống Biden không che giấu việc coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ. Từ chip máy tính tới chính sách ngoại giao ở Thái Bình Dương, chính quyền Biden đã tiếp tục lập trường cứng rắn với Trung Quốc từ thời Donald Trump và tìm cách đối phó ảnh hưởng toàn cầu ngày một tăng của Bắc Kinh.

    Nhưng Thủ tướng Australia Albanese không có quan điểm quyết liệt như vậy và lựa chọn chính sách đối ngoại cân bằng. Australia vừa thúc đẩy hiệp ước AUKUS với Mỹ và Anh, đồng thời cố gắng làm tan băng quan hệ với Trung Quốc. Mỹ là đồng minh lớn nhất của Australia, nhưng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất.

    "Đây là nhiệm vụ đối ngoại của Australia trong nhiều năm. Cố gắng đảm bảo an ninh của mình bằng cách tăng năng lực quân sự và gắn kết chặt chẽ hơn với các đồng minh lâu năm, nhưng cũng tìm cách hợp tác với Trung Quốc khi có thể", chuyên gia Fullilove nói.

    Trong hai thập kỷ kể từ cuối những năm 1990, Australia hầu như không lo lắng gì về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

    "Chúng tôi có thể liên minh an ninh với Washington và hỗ trợ Mỹ ở Trung Đông, Iraq và Afghanistan. Chúng tôi cũng giữ quan hệ làm ăn với Trung Quốc, cho phép Australia vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính mà gần như không bị tổn hại. Do đó, chúng tôi tin rằng mình có thể duy trì cùng lúc hai mối quan hệ này", James Curran, giáo sư sử học tại Đại học Sydney, chia sẻ.

    Tuy nhiên, tình hình trở nên khó khăn hơn từ năm 2017, khi Trung Quốc bị cáo buộc tiến hành các hoạt động gián điệp và can thiệp chính trị ở Australia. Quốc hội Australia thông qua luật chống can thiệp nước ngoài và trở thành nước đầu tiên cấm tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc.

    Đầu năm 2020, thủ tướng Scott Morrison đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ khi kêu gọi mở cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19. Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế lúa mạch và sau đó áp hạn chế nghiêm ngặt với than, thịt bò, rượu vang và tôm hùm xuất khẩu từ Australia. Cuối năm đó, Bắc Kinh đưa ra danh sách "14 điều bất bình" mà họ muốn Canberra giải quyết trước khi nối lại quan hệ bình thường.

    Khi hiệp ước an ninh AUKUS được Australia, Mỹ và Anh công bố hồi tháng 9/2021, nó phản ánh những lo ngại ngày càng tăng của lưỡng đảng Australia về tương lai dài hạn của châu Á và Trung Quốc, theo Fullilove.

    "Australia muốn tăng cường năng lực của họ, cũng như thúc đẩy liên minh với Mỹ. Cả hai đều là những điều Bắc Kinh không mong muốn", ông nói.

    Trở thành quốc gia thứ bảy sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là quyết định lịch sử đối với một "cường quốc tầm trung" như Australia, theo Rory Medcalf, người đứng đầu trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia, nói. Ông thêm rằng nó chứng tỏ "Australia đang sống trong một môi trường chiến lược nguy hiểm hơn nhiều thập kỷ trước".

    Trung Quốc phản đối thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân này, cáo buộc các nước tham gia AUKUS châm ngòi chạy đua vũ trang ở Thái Bình Dương và Chiến tranh Lạnh mới.

    Thủ tướng Albanese lên nắm quyền hồi tháng 5 năm ngoái với cam kết thúc đẩy AUKUS, đồng thời tránh lập trường quá cứng rắn với Trung Quốc như người tiền nhiệm Morrison. Trong những tháng sau đó, Thủ tướng Albanese và Ngoại trưởng Penny Wong được cho là đã thành công trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

    "Họ không còn đưa ra những phát biểu khiến Trung Quốc tức giận như chính quyền tiền nhiệm", giáo sư Curran nói. Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Albanese vẫn duy trì các chính sách cứng rắn của ông Morrison với Trung Quốc.

    Theo Fullilove, những tín hiệu tích cực gần đây là kết quả từ nỗ lực cải thiện quan hệ của Trung Quốc, chứ không phải Australia. Đối mặt với những vấn đề nội bộ như kinh tế và dân số suy giảm, Trung Quốc đã tìm cách cải thiện quan hệ với một số nước, trong đó có Australia.

    Thay đổi này của Trung Quốc khiến dư luận Australia chú ý, bởi mối quan hệ đã lao dốc nghiêm trọng trước đó. Sau 5 năm không có đối thoại cấp cao, hai nước đã nối lại các cuộc đàm phán, đặc biệt là cuộc gặp giữa Thủ tướng Albanese và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Bali, Indonesia hồi tháng 11 năm ngoái.

    "Trung Quốc đã khởi xướng tất cả thay đổi này", Chen Hong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, nói. "Sau khi Thủ tướng Albanese nhậm chức, ông ấy và các cộng sự đã đáp lại thiện chí đó".

    Thủ tướng Australia Anthony Albanese (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Bai, Indonesia hồi tháng 11/2022. Ảnh: Yahoo News Australia.

    Thủ tướng Australia Anthony Albanese (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Bai, Indonesia hồi tháng 11/2022. Ảnh: Yahoo News Australia.

    Trung Quốc dường như thay đổi chính sách với Australia nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận than, thép, quặng sắt, lithium và các nguồn tài nguyên khác của nước này, vào thời điểm áp lực của Washington với Bắc Kinh ngày càng tăng.

    "Bắc Kinh không muốn đương đầu với nhiều cuộc chiến địa chính trị khi cuộc cạnh tranh với Mỹ ngày càng tăng nhiệt. Tôi nghĩ họ nhận thức rõ hơn bao giờ hết khả năng Washington tập hợp liên minh mạnh mẽ có thể làm suy giảm lợi ích của Trung Quốc", James Laurenceson, giám đốc Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, nói.

    Trong bối cảnh đó, nhiều nhà quan sát ở Australia và Trung Quốc cho rằng thương vụ tàu ngầm theo thỏa thuận AUKUS sẽ khiến Bắc Kinh từ bỏ nỗ lực cải thiện quan hệ với Canberra. Trong mắt Trung Quốc, thương vụ là dấu hiệu cho thấy Australia đã tham gia sâu hơn vào một liên minh chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.

    "Tại sao Australia lại bỏ ra số tiền lớn như vậy để mua sắm loại vũ khí vốn được thiết kế để ghìm chân hải quân Trung Quốc ở vùng ven biển và có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Trung Quốc", Sam Roggeveen, chuyên gia tại Viện Lowy ở Australia, nói. "Australia cần tự hỏi mình: Chúng ta thực sự là ai".

    Chen Hong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia ở Thượng Hải, mô tả thương vụ này như một "quả bom hẹn giờ" với hòa bình và ổn định khu vực, cho rằng nó sẽ tăng thù địch giữa hai quốc gia.

    Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự Trung Quốc, thì cho rằng quyết định mua tàu ngầm của Australia là "sai lầm đắt đỏ". "Khoản đầu tư lớn như vậy sẽ khiến Australia phải chịu gánh nặng rất lớn", ông Tống nói. "Nó không thể đảm bảo an ninh cho Australia, mà chỉ bảo vệ bá quyền toàn cầu của Mỹ".

    Nhưng các lãnh đạo Australia và đối tác Mỹ, Anh đều tin rằng AUKUS là khoản đầu tư đáng giá để đảm bảo an ninh trước các hành vi ngày càng quyết liệt của Trung Quốc ở khu vực.

    Với những người thiết kế AUKUS, mục đích của thỏa thuận không phải là phát động chiến tranh, mà là ngăn ngừa nguy cơ xung đột nổ ra, khi răn đe Trung Quốc không sử dụng vũ lực ở các điểm nóng trong khu vực như Đài Loan hay Biển Đông.

    "Họ tin rằng nếu không phản ứng mạnh mẽ từ sớm, Trung Quốc sẽ được đà lấn tới", Gideon Rachman, bình luận viên của FT, nhận định. "Càng yếu đuối, bạn càng dễ bị bắt nạt".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/thuong-vu-tau-ngam-them-song-gio-cho-quan-he-australia-trung-quoc-4580693.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ