Cựu thủ tướng Paul Keating: Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân là nước đi sai lầm
Cựu thủ tướng Australia Paul Keating trả lời báo chí ngày 15/3. Ảnh: ABC News.
"Lịch sử cuối cùng sẽ phán xét dự án này, nhưng tôi muốn tên tôi được ghi rõ ràng trong số những người nói rằng đó là bước đi rất sai lầm", cựu thủ tướng Australia Paul Keating hôm nay cho hay, đề cập việc Australia đạt thỏa thuận mua 5 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese hôm 13/3 thông báo về thỏa thuận này. Đây là thương vụ quốc phòng lớn nhất lịch sử Australia, với mỗi tàu ngầm Virginia trị giá hơn 3 tỷ USD.
Theo thỏa thuận AUKUS, Australia sẽ mua tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ, sau đó chế tạo lớp tàu hoàn toàn mới dựa trên công nghệ của Mỹ và Anh. Động thái này được xem là nỗ lực đầy tham vọng nhằm củng cố sức mạnh của phương Tây trước Trung Quốc.
Cựu thủ tướng Keating thuộc Công đảng, người lãnh đạo đất nước từ năm 1991 đến 1996, cho rằng Australia đã mù quáng theo Mỹ, Anh, trong khi Trung Quốc không gây ra mối đe dọa quân sự hữu hình nào với nước này.
"Trung Quốc muốn chiếm Sydney và Melbourne để làm gì? Bằng biện pháp quân sự ư? Liệu họ có bao giờ làm được điều đó không", ông Keating nói. "Câu hỏi ngớ ngẩn đến mức khó mà trả lời được".
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng thỏa thuận này không đồng nghĩa Australia sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời đảm bảo khu vực vẫn "tự do và cởi mở".
Tuy nhiên, cựu thủ tướng Keating cho rằng Australia đang bắt đầu "hành trình nguy hiểm, không cần thiết" theo sự thúc giục của Mỹ, và điều này có thể gây ra "hậu quả chết người" nếu đất nước vướng vào các cuộc xung đột trong tương lai. Ông cũng nhấn mạnh việc ký kết thỏa thuận AUKUS với Mỹ và Anh "không phải cảnh tượng đẹp đẽ gì".
Australia dự kiến chi khoảng 245 tỷ USD để mua và duy trì hoạt động của đội tàu ngầm hạt nhân đến năm 2055. Thủ tướng Albanese nói rằng AUKUS sẽ mang lại khoản đầu tư 4 tỷ USD cho năng lực công nghiệp của Australia trong giai đoạn 2023-2027, đồng thời tạo ra khoảng 20.000 việc làm trong 30 năm tới.
Thương vụ tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD đánh dấu lần đầu Mỹ xuất khẩu công nghệ tàu ngầm hạt nhân từ những năm 1960, sau khi giúp Anh thiết kế hạm đội của nước này. Washington, Canberra và London đã dành 18 tháng thảo luận về khả năng Australia sở hữu công nghệ động cơ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tối mật của Mỹ.
Trung Quốc hôm 14/3 chỉ trích Mỹ, Anh và Australia coi thường lo ngại của cộng đồng quốc tế và "ngày càng tiến xa hơn vào con đường sai lầm, nguy hiểm" với thỏa thuận AUKUS. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc ba nước này kích động chạy đua vũ trang và thỏa thuận AUKUS là "ví dụ điển hình của tâm lý Chiến tranh Lạnh".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cuu-thu-tuong-australia-thoa-thuan-tau-ngam-hat-nhan-la-sai-lam-lon-4581563.html