Thương mại ngũ cốc toàn cầu xáo trộn vì xung đột Nga-Ukraine
Vốn đã căng thẳng vì tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải đường biển tăng vọt và các biến cố thời tiết, giờ đây, các thị trường ngũ cốc đang đối mặt với các biến động lớn hơn khi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và Nga, chiếm tổng cộng 25% thương mại ngũ cốc của thế giới, đang trở nên ngày càng phức tạp và làm dấy lên nguy cơ thiếu hụt lương thực ở nhiều nơi trên toàn cầu.
15 triệu tấn ngô được thu hoạch vào vụ mùa thu vừa qua vẫn nằm trong các nhà kho ở khắp vành đai nông nghiệp của Ukraine, thay vì đã được đưa ra các thị trường trên thế giới.
Số lượng ngô này, tương đương một nửa sản lượng ngô mà Ukraine dự kiến sẽ xuất khẩu trong mùa vụ vừa qua, đã ngày càng trở nên khó tiếp cận với người mua sau khi Nga phát động chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine.
Hiện thực đó cung cấp cái nhìn sơ lược về sự xáo trộn mà xung đột Nga-Ukraine đã gây ra cho thương mại ngũ cốc toàn cầu trị giá khoảng 120 tỷ USD mỗi năm.
Sự gián đoạn trong các tuyến đường xuất khẩu từ khu vực Biển Đen
Trước khi xung đột tại Ukraine xảy ra vào cuối tháng Hai, ngô của nước này thường được vận chuyển đến các cảng ở Biển Đen như Odesa và Mykolaiv bằng đường sắt, rồi chất lên các tàu biển hướng đến châu Á và châu Âu.
Tuy nhiên, khi các cảng này đang đóng cửa do tình hình xung đột, một khối lượng ngô nhỏ đang "di chuyển" về phía Tây bằng đường sắt và đi qua Romania và Ba Lan trước khi được đưa lên tàu biển.
Song tuyến đường xuất khẩu này không thuận lợi vì bánh của toa tàu hàng phải được thay đổi ở khu vực biên giới vì khác với các đường ray châu Âu, khổ đường ray của Ukraine có từ thời Liên Xô thường rộng hơn.
Kateryna Rybachenko, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp nông nghiệp Ukraine, cho biết: “Điều này khiến cho hoạt động logistics trở nên rất tốn kém, không hiệu quả, và còn rất chậm chạp.”
Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu ngô, lúa mỳ và dầu hướng dương lớn nhất thế giới nhưng các tuyến đường xuất khẩu các mặt hàng này phần lớn đã bị đình trệ.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Ukraine, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine hiện bị giới hạn ở mức 500.000 tấn/tháng, giảm so với 5 triệu tấn/tháng trước khi xung đột xảy ra, gây tổn thất đến 1,5 tỷ USD doanh thu xuất khẩu.
Các sản phẩm nông nghiệp của Nga, nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, vẫn đang chảy ra thị trường thế giới song các quan ngại đang xuất hiện đối với hoạt động giao hàng và thanh toán cho những chuyến hàng trong tương lai.
Tình trạng gián đoạn trong hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu, những mặt hàng chủ lực phục vụ hàng tỷ người và ngành chăn nuôi trên khắp thế giới, đang khiến giá cả của các mặt hàng này tăng cao.
Liên hợp quốc cảnh báo giá thực phẩm toàn cầu, vốn đang ở mức cao kỷ lục, có thể tăng thêm 22% nữa. Liên hợp quốc dự báo nếu nguồn cung ngũ cốc từ khu vực Biển Đen suy giảm mạnh, điều này có thể đẩy thêm 13,1 triệu người trên thế giới vào tình trạng thiếu ăn.
Cuộc đua tìm kiếm các nguồn cung thay thế
Lo ngại tình trạng thiếu lương thực, nhiều nước đang chạy đua tìm các nhà cung cấp thay thế và các tuyến giao thương mới đang xuất hiện.
Hiện tại, các nhà cung cấp khác bên ngoài khu vực Biển Đen đang nhập cuộc. Ấn Độ, nước trồng lúa mỳ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng ngũ cốc này và có thể đã xuất khẩu mức kỷ lục 8,5 triệu tấn trong vụ mùa kết thúc vào tháng trước.
Ông Piyush Goyal, Bộ trưởng Thương mại và Thực phẩm Ấn Độ, ngày 3/4 cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục xuất khẩu mạnh lúa mỳ để đáp ứng nhu cầu của các nước không nhận được nguồn cung từ khu vực xung đột.”
Theo bộ này, Ấn Độ đang đàm phán để tiếp cận các thị trường Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc - 3 trong 4 nhà nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất - cũng như các khách hàng tiềm năng khác, bao gồm Bosnia (Bốt-xni-a), Nigeria (Ni-giê-ti-a) và Iran. Theo nhận định của ông Fauzan Alavi, thành viên hội đồng quản trị của Allana Group, một trong những công ty xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất Ấn Độ, xuất khẩu lúa mỳ của Ấn Độ trong niên vụ 2022-2023, bắt đầu từ tháng Tư, có thể dễ dàng đạt 12 triệu tấn,
Brazil (Bra-xin) cũng kỳ vọng xuất khẩu ngũ cốc đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Tổng sản lượng lúa mỳ xuất khẩu của Brazil ước tính đạt 2,1 triệu tấn trong quý I/2022, tăng gần gấp đôi so với cả năm 2021.
Các thị trường xuất khẩu bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Sudan, tất cả đều lần đầu tiên nhập khẩu lúa mỳ của Brazil trong ít nhất bốn năm qua.
Doanh số xuất khẩu lúa mỳ của Australia cũng đang tăng nhanh với các chuyến hàng xuất khẩu đã kín trong nhiều tháng tới.
Ông Dan Basse, Chủ tịch Công ty nghiên cứu thị trường nông nghiệp AgResource, cho rằng các nỗ lực này vẫn không đủ để "bù đắp" khoảng trống nguồn cung từ Ukraine và Nga.
Ông cảnh báo nếu xung đột ở Ukraine kéo dài sang mùa Hè, thời điểm hoạt động xuất khẩu lúa mỳ từ khu vực Biển Đen thường tăng tốc, các vấn đề lớn sẽ xuất hiện và đó là lúc thế giới sẽ bắt đầu cảm nhận sự thiếu hụt lương thực rõ ràng nhất.
Theo ước tính của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), thương mại ngũ cốc toàn cầu, không bao gồm lúa gạo, có thể suy giảm 12 triệu tấn trong niên vụ mới, mức giảm cao nhất trong ít nhất 10 năm qua.
Ông Michael Magdovitz, chuyên gia phân tích cấp cao ở Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) cho biết giá ngũ cốc tăng cao thường dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ hơn là dẫn đến số lượng nhà xuất khẩu gia tăng.
Trong khi đó, một số nước nhập khẩu đang dỡ bỏ các hạn chế để có thể nhập khẩu ngũ cốc từ nhiều nguồn hơn. Tây Ban Nha, nước mua ngô của Ukraine nhiều thứ hai, đã nới lỏng các quy định về dư lượng thuốc trừ sâu để mua ngô từ Argentina và Brazil.
Tây Ban Nha cũng đã mua 145.000 tấn ngô từ Mỹ trong tháng Ba và đây là lần đầu tiên nước này mua ngô của Mỹ từ năm 2018. Trung Quốc, một khách hàng nhập khẩu ngô lớn của Ukraine, cũng đang đẩy mạnh mua ngô của Mỹ.
Các nhà nhập khẩu ngũ cốc ở Bắc Phi và Trung Đông, vốn đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga và Ukraine, cũng đang tăng cường tìm kiếm những nguồn cung thay thế. Algeria, nước chỉ mới nhập khẩu lúa mỳ từ khu vực Biển Đen vào năm ngoái, giờ đây lại chuyển sang mua lúa mỳ của Pháp.
Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, với hơn 80% nguồn hàng nhập khẩu đến từ Nga và Ukraine trong 5 năm qua, đang phải giảm mua mặt hàng này vì giá tăng vọt.
Với tình trạng thiếu hụt nguồn cung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sớm, Ngân hàng Rabobank dự báo giá lúa mỳ kỳ hạn có thể đạt mức trung bình 11 USD/bushel (27,2 kg) hoặc cao hơn vào cuối năm nay và giá ngô sẽ tăng lên mức khoảng 7,75 USD/bushel (25,4 kg) trở lên, tăng 30% so với giá vào cuối năm 2021./.
chuyên về luật thương mại, luật gia đình, luật bất động sản
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/cang-thang-ngaukraine-tai-dinh-hinh-thuong-mai-ngu-coc-toan-cau/782306.vnp