Thủ tướng Morrison đã giăng một cái bẫy lớn cho Trung Quốc bước vào
Ảnh minh họa
Australia nỗ lực vùng ra khỏi Trung Quốc
Khi Australia bắt đầu chống lại sự hung hăng của Trung Quốc, nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng Canberra sẽ không thể chịu đựng được chiến tranh thương mại hoặc một đòn giáng trả khác về kinh tế đến từ đối tác thương mại lớn nhất của họ - Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Akshay Narang, sau gần 1 năm căng thẳng Trung-Úc, có thể thấy rằng Canberra đang dần vùng ra khỏi Trung Quốc và Bắc Kinh không thể làm gì khác ngoài việc giương mắt một cách bất lực.
Thủ tướng Australia Scott Morrison muốn tách hoàn toàn đất nước của mình ra khỏi sự liên kết với Trung Quốc. Trên thực tế, trong hơn 1 năm qua, các khoản đầu tư của Australia và Trung Quốc đã giảm 25%, mặc dù "con rồng giấy" đã và đang tự do hóa thị trường tài chính của mình để tăng cường đầu tư nước ngoài.
Quan hệ song phương Austrlia - Trung Quốc liên tục xuống thang trong thời gian qua. (Ảnh minh hoạ: ITN)
Trong khi đó, theo ông Narang, Trung Quốc đã đi thẳng vào cái bẫy do Canberra dựng lên và đã làm leo thang quá trình "tách khỏi Trung Quốc" của Canberra với những động thái hung hăng hơn về kinh tế.
Nói một cách chính xác thì ông Morrison không muốn nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Australia, và cũng không muốn các nhà đầu tư Australia lựa chọn Trung Quốc như một điểm đến cho các khoản đầu tư của họ.
Quyết định của Thủ tướng Australia nhằm hủy bỏ thỏa thuận Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI) của bang Victoria với Trung Quốc là một trong những bước đi theo hướng này.
Tuy nhiên, "tách khỏi đối thủ" không hề đơn giản, đó cũng là một nghệ thuật trong trật tự thế giới hiện đại [vốn được thiết lập một phần dựa trên các thỏa thuận đầu tư và thỏa thuận tự do thương mại (FTA)].
Trong trường hợp của Australia, Trung Quốc có nhiều lựa chọn để ngăn chặn những nỗ lực của ông Morrison nhằm tách nền kinh tế Australia ra khỏi Trung Quốc.
Bắc Kinh "sa bẫy" quá sớm
Tháng 7/1988, cựu Thủ tướng Australia Bob Hawke đã ký một hiệp ước đầu tư song phương với Trung Quốc. Thỏa thuận này được cho là nhằm đảm bảo "sự tương hỗ của đôi bên và bảo vệ các khoản đầu tư".
Đáng lưu ý, điều VIII của Hiệp ước 1988 nêu rõ rằng "Bên ký kết không được thực hiện các phương thức sung công hoặc quốc hữu hóa, hay bất cứ phương thức nào khác gây ảnh hưởng tương tự liên quan tới các khoản đầu tư, trừ phi những biện pháp đó là vì lợi ích công cộng và không mang tính phân biệt đối xử, phải phù hợp với luật của bên nhận đầu tư, và không gạt bỏ các khoản bồi thường hợp lý".
Sau đó, vào năm 2015, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull khi ấy đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Trung Quốc. Trong thỏa thuận này, điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nước nhận đầu tư (ISDS) cũng được đưa ra. Một nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi các hành vi phân biệt đối xử có thể viện dẫn các điều khoản ISDS.
Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá tới 218% với rượu vang nhập khẩu từ Australia. Ảnh: Reuters
Theo ông Narang, Bắc Kinh đã đi vào con đường bị đặt bẫy quá sớm.
Người ta cho rằng Canberra lo ngại các phương thức trả đũa kinh tế và chính sách ngoại giao Chiến Lang của Trung Quốc. Khi Canberra bắt đầu lên án sự hung hăng của Trung Quốc, Bắc Kinh bắt đầu chỉ trích Australia. Bên cạnh đó, họ phát động cuộc chiến thương mại thông qua việc đánh thuế vào các sản phẩm của Australia như lúa mạch, rượu vang và than đá.
Thế nhưng, trên thực tế, các hành động của Trung Quốc đã tạo điều kiện cho chính phủ ông Morrison "vạch mặt" Bắc Kinh và bắt đầu quá trình tách nền kinh tế Australia ra khỏi Trung Quốc.
Giờ đây, khi Australia quyết định hủy bỏ thỏa thuận BRI của bang Victoria, Trung Quốc lại tìm cách "dàn xếp tỷ số" bằng cách động thái hung hăng hơn nữa. Bị choáng váng trước các hành động của Canberra, "con rồng giấy" đã đình chỉ mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc-Australia.
Thay vì ngăn chặn kế hoạch của ông Morrison nhằm tách nền kinh tế Australia ra khỏi Trung Quốc, Bắc Kinh chỉ đang làm leo thang toàn bộ vấn đề. Với việc áp đặt các khoản thuế thương mại và đình chỉ hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại kinh tế chiến lược, Trung Quốc chỉ đang bộc lộ bản chất hung hăng của mình.
Ông Narang cho rằng, thực chất Bắc Kinh đã và đang "thay Australia làm được nhiều việc" trong quá trình tách bạch nền kinh tế giữa hai phía.
Giờ đây, "con rồng giấy" không còn nguồn vốn chính trị hay đòn bẩy kinh tế nào để ngăn cản quá trình "tách khỏi Trung Quốc" của Australia. Có thể nói, ông Morrison đã giăng một cái bẫy lớn và Trung Quốc thì bước thẳng vào đó.
Article sourced from soha.vn.