Thủ phạm gây béo phì, thừa cân?
Ảnh minh họa
Ăn quá nhiều, chọn lựa thực phẩm ngọt và dinh dưỡng kém lành mạnh, cùng với lối sống ít vận động là thủ phạm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng không phải mọi thứ đều đơn giản như vậy. Nguyên nhân và cơ chế của dịch bệnh này hoàn toàn không rõ ràng.
Ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng đường và các sản phẩm thay thế của nó mới chính là thủ phạm thực sự, theo Health Notes.
Điều đặc biệt đáng lo ngại là chất làm ngọt hàm lượng fructose cao - từ bột bắp, được sử dụng thay thế cho đường thông thường trong đồ uống và bánh kẹo.
Mỹ là nước đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng béo phì và ước tính rằng người Mỹ tiêu thụ trung bình 15% lượng calo hằng ngày qua chất làm ngọt làm từ bột bắp này.
Trong khi đó, có bằng chứng cho thấy chất làm ngọt với hàm lượng fructose cao có thể phá rối quá trình trao đổi chất, và do đó góp phần phát triển hội chứng chuyển hóa, tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch. Những bệnh này đi đôi với béo phì.
Các nhà khoa học cho rằng sự dư thừa của fructose sẽ làm cho gan quá tải và kích hoạt một loạt các quá trình dẫn đến tăng mức mỡ trong gan, a xít uric, huyết khối, viêm và kháng insulin. Điều này cuối cùng dẫn đến sự lắng đọng chất béo trong các mô và tăng cân, theo Health Notes.
Không có phương pháp nhất quán để chống lại việc thừa cân. Chuyên gia dinh dưỡng nào cũng khuyên không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là chất ngọt, chất béo, từ bỏ đồ ăn nhanh. Nghĩa là thay đổi thói quen ăn uống của bạn.
Nhưng bằng cách nào?
Để chống lại việc ăn quá nhiều, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên uống nước nhiều hơn, đến 8 tách trà hoặc đồ uống khác mỗi ngày.
Các nhà khoa học Nhật Bản, cùng với các đồng nghiệp từ 136 quốc gia, khuyên nên ăn nhiều cơm hơn.
Theo tính toán của họ, ngay cả 50 gram ngũ cốc này mỗi ngày có thể làm giảm mức độ béo phì trên thế giới xuống 1%.
Cơ chế tác động của gạo là gì, các nhà khoa học vẫn chưa biết, họ chỉ nhận thấy rằng ở các quốc gia tiêu thụ gạo làm lương thực chính, có ít người béo phì hơn.
Và nói chung, những người tuân thủ chế độ ăn với nhiều chất xơ bổ dưỡng và ngũ cốc nguyên hạt có chỉ số khối lượng cơ thể và mức cholesterol thấp hơn.
Trong cuộc chiến chống béo phì này, các nhà khoa học đang ngày càng nói về các biện pháp không chỉ nhắm vào từng cá thể, mà còn cho toàn bộ dân số.
Ví dụ, một số quốc gia đã áp mức thuế để khuyến khích mọi người mua ít soda ngọt, thức ăn nhanh và mua nhiều rau và trái cây.
Họ còn ghi rõ hàm lượng calo của các món ăn trong quán ăn, vận động trên các phương tiện truyền thông để thúc đẩy lối sống năng động, đi bộ, đạp xe, khuyến khích mọi người sử dụng cầu thang bộ nhiều hơn.
Họ tin rằng tất cả điều này sẽ góp phần làm giảm chỉ số khối cơ thể trung bình cho dân số và có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe, theo Health Notes.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2536484