Thiết kế váy cổ điển được nhiều sao nữ lăng xê trên thảm đỏ
Tờ Sydney Morning Herald so sánh thảm đỏ như một cuộc trao đổi tài chính. Tuy nhiên, các giao dịch của nó thường không rõ ràng. Các thương hiệu thời trang trả một khoản tiền để những người nổi tiếng làm đại sứ hay mặc đồ của họ tới sự kiện.
“Đó là lý do có sự gia tăng của những chiếc váy cổ điển trên thảm đỏ thời gian gần đây”, cây bút Jessica Testa nhận định.
Cơn sốt váy cổ
Mùa thu năm 2021, Olivia Rodrigo mặc chiếc váy quây nàng tiên cá năm 2001 của Versace đến lễ trao giải MTV Video Music. Zendaya nổi bật trong chiếc váy Roberto Cavalli được làm từ năm 2000 tới lễ trao giải Ballon d'Or ở Paris, Pháp. Đến Met Gala, Addison Rae chọn một chiếc váy Gucci màu đỏ có cổ từ năm 2003.
Trước đại dịch, Kim Kardashian mặc chiếc váy Alexander McQueen được trình làng từ năm 2003, đến bữa tiệc Oscar của Vanity Fair. Một năm trước đó, Cardi B xuất hiện với chiếc váy Thierry Mugler lấy cảm hứng từ vỏ sò tại Grammy.
Addison Rae, Zendaya và Olivia Rodrigo liên tục lăng xê những chiếc váy cổ. Ảnh: G. |
Năm 1995, Gwyneth Paltrow tham dự Emmy trong chiếc váy lông vũ đen trắng của Valentino, được làm từ năm 1963. Chiếc váy Dior của những năm 1950 được Reese Witherspoon mặc tại Lễ trao giải Oscar năm 2006. Hay Julia Roberts đã phá vỡ các quy tắc của thời trang Oscar khi mặc chiếc Valentino năm 1992 tới lễ trao giải năm 2001.
Cherie Balch - nhà sưu tập đồ cổ, chủ cửa hàng Shrimpton Couture - cho biết: “Ngày càng nhiều người nhận thức được những gì chúng ta nhìn thấy trên thảm đỏ là được trả tiền, một cơ hội xây dựng thương hiệu. Ví dụ, năm 2008, một vụ kiện tiết lộ nữ diễn viên Charlize Theron đã được trả 200.000 USD để đeo trang sức Chopard tại Lễ trao giải Oscar hai năm trước đó”.
Tuy nhiên, cũng như nhiều người khác, Balch nhận thấy vấn đề tiền bạc dường như bị lu mờ trên thảm đỏ khi loạt sao thu hút ống kính truyền thông. Họ chọn những bộ đầm cổ điển như thể họ yêu thích điều đó. Điều này mang đến sự chân thực hơn.
Kim Kardashian mặc đồ cổ điển của Alexander McQueen tại Vanity Fair Oscar Party năm 2020. Ảnh: Vogue. |
Các nhà sưu tập cho biết nhu cầu mặc đồ cổ đang tăng mạnh hơn bao giờ hết, ngay cả khi các sự kiện lớn liên tục bị hoãn lại. Những món đồ hoài cổ đang thu hút người tiêu dùng một phần nhờ vào dàn sao nổi tiếng và nhà tạo mẫu.
Sự nổi tiếng đi kèm với rủi ro
Aralda Vintage là công ty đã cung cấp cho Rodrigo đôi bông tai hình bướm thạch anh đến VMAs, cũng như bộ đồ Chanel những năm 1990 cô mặc ở Nhà Trắng vào tháng 7/2021. Công ty có một cửa hàng ở Beachwood Canyon (Los Angeles, Mỹ) - một khu phố vốn yên tĩnh đã trở nên nhộn nhịp hơn vào năm 2020 khi nhiều người đến tìm mua đồ cổ.
Harry Styles cũng có nhắc đến tiệm đồ cổ này và giúp họ thu hút được lượng lớn khách hàng. Cửa hàng nhỏ này được ví như nơi bí mật, thiếu ánh sáng và ấm áp với các giá treo bằng vải sequins, lông vũ, vải tuyn trên tường.
Chủ sở hữu của cửa hàng này là Brynn Jones, cô cho biết mình có kế hoạch mở cửa hàng thứ hai trong năm nay. Nó sẽ lớn hơn, có nhiều quần áo cổ điển không nhãn mác với giá cả dễ tiếp cận. Trong khi đó, cửa hàng cũ vẫn là nơi lưu trữ các sản phẩm cao cấp được những người nổi tiếng và nhà tạo mẫu tìm kiếm.
“Khi Justin Bieber muốn mua đồ cổ điển cho vợ nhân ngày sinh nhật của cô ấy, nhà tạo mẫu của họ là Karla Welch đã liên hệ tới chúng tôi”, Jones nói.
Gây chú ý nhờ sự lăng xê của người nổi tiếng nhưng các chủ cửa hàng cũng gặp thách thức lớn về kích cỡ. Bởi những thiết kế cổ điển luôn hiếm, không thể đáp ứng đủ size cho mọi người. Chúng có thể được sửa tạm thời để đạt sự vừa vặn hoàn hảo. Jones cho biết quá trình này có nhiều rủi ro.
Zendaya mặc váy Valentino cổ điển tại buổi ra mắt Euphoria và hậu trường show Xuân - Hè 1992 ở Paris, Pháp. Siêu mẫu Linda Evangelista làm mẫu cho chiếc váy. Ảnh: SMH. |
“Thật khó khi tôi không muốn mạo hiểm với tác phẩm có một không hai. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn hợp tác với sao. Tôi cũng từng cho tạp chí lớn mượn chiếc áo để chụp ảnh với người nổi tiếng nhưng nó đã không bao giờ được trả lại. Sau đó, tôi thấy người đó mặc nó trong các bức ảnh từ paparazzi”, chủ của Aralda chia sẻ.
Những người sưu tập đồ cổ điển rất quan tâm đến việc bảo quản. Trong khi một số cửa hàng đồng ý bán các thiết kế, như Jones và Balch, những người khác chỉ cho thuê.
Haile Lidow - chủ công ty bán đồ cổ điển Lidow Archive - cho biết: “Về mặt tiền tệ, sẽ có lợi hơn nếu tôi bán. Tuy nhiên, tôi không chọn cách đó”.
Thay vì cho mượn đồ đi thảm đỏ, cô muốn hợp tác với các tạp chí hơn. Bởi Lidow cho rằng có nhiều rủi ro hơn khi đồ cổ điển được mặc tại một sự kiện trực tiếp hơn là buổi chụp ảnh.
Phá bỏ quy tắc ngầm
"Từ nhỏ, tôi được dạy phụ nữ không bao giờ để người khác nhìn thấy mặc một bộ đồ hai lần. Đó là quy tắc bất thành văn, đặc biệt với các tạp chí. Mọi thứ giờ lại khác. Họ thích đặt ra những câu hỏi như 'Tại sao bạn chưa mặc thứ gì đó cổ điển trên thảm đỏ?'", Balch chia sẻ.
Ruth Negga trong bộ váy cũ nhận nhiều lời khen. Ảnh: Smh. |
Xu hướng mặc đồ cổ điển đang được ưa chuộng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, không phải món đồ cổ điển nào cũng tốt. Balch cho biết nhiều món đồ quá mỏng manh hoặc không thích hợp dành cho các sự kiện lớn hiện tại. Sự cạnh tranh với các thương hiệu khác là thách thức với những người kinh doanh đồ cổ điển như Balch.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lần, các món đồ cổ điển tỏa sáng rực rỡ. Hồi tháng 9/2021, Ruth Negga được Vogue và nhiều chuyên gia thời trang ca ngợi khi mặc chiếc váy năm 1992 của Arnold Scaasi. Nhà tạo mẫu của Negga đã mượn chiếc váy từ tiệm Shrimpton Couture.
Bất chấp việc được truyền thông tung hô, Balch vẫn quyết định không tăng giá chiếc váy lên. Sau đó, nó đã được bán với giá khoảng 2.400 USD.
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/con-sot-mac-lai-vay-cu-post1290372.html