Thêm nhiều quốc gia quyết định công nhận nhà nước Palestine

08:00' 31-05-2024
Việc các quốc gia công nhận nhà nước Palestine mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là thực tiễn, nhưng đó là nguồn động viên lớn với cuộc đấu tranh của dân tộc này.


    Palestine có cờ riêng, có quốc ca, các nhà ngoại giao và thậm chí cả mã viễn thông quốc tế riêng. Trên thực tế, 3/4 trong 195 quốc gia trên thế giới, gồm 143 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cùng với Vatican và vùng lãnh thổ Western Sahara, đều tuyên bố Palestine là một nhà nước độc lập.

    Từ ngày 28/5, danh sách này sẽ tăng lên, khi quyết định công nhận nhà nước Palestine của ba nước châu Âu gồm Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha chính thức có hiệu lực. Quyết định được đưa ra gần 8 tháng sau khi xung đột Israel - Hamas bùng phát tại Dải Gaza và sau nhiều thập kỷ đối đầu gay gắt giữa người Israel và Palestine.

    Trẻ em Palestines giữa đống hoang tàn ở thành phố Rafah, nam Gaza, ngày 7/2. Ảnh: AFP

    Trẻ em Palestines giữa đống hoang tàn ở thành phố Rafah, nam Gaza, ngày 7/2. Ảnh: AFP

    Nhưng động thái này có ý nghĩa gì? Và liệu sự công nhận đó, mà Mỹ và các quốc gia lớn hơn ở châu Âu chưa tham gia, có giúp cải thiện cuộc sống của người dân Palestine hay không?

    Theo Rowan Nicholson, học giả về luật quốc tế tại Đại học Flinders, Australia, để đủ điều kiện trở thành nhà nước, một thực thể cần đáp ứng 4 tiêu chí phổ biến là dân số thường trú, lãnh thổ xác định, chính phủ và tính độc lập.

    "Các tiêu chí này đã phát triển qua nhiều thế kỷ thông qua hoạt động thực tiễn của các quốc gia. Không có một phiên bản cụ thể, chắc chắn nào về chúng. Những tiêu chí này đều khá mờ hồ và có nhiều cách diễn giải", Nicholson nói.

    Tuy nhiên, văn bản thường được nhiều người lấy làm cơ sở nhất là Công ước Montevideo năm 1933 về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia. Công ước này quy định một quốc gia với tư cách là chủ thể của luật pháp quốc tế nên có các tiêu chí gồm dân cư thường trú, lãnh thổ xác định, chính quyền và khả năng tham gia vào quan hệ với các quốc gia khác.

    "Nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, bạn không thể tạo ra nước mới bằng cách xâm chiếm bất hợp pháp một quốc gia hiện có và tách nó ra khỏi lãnh thổ cũ", Nicholson giải thích thêm.

    Trong trường hợp Palestine, một lý do để hoài nghi việc họ có đủ điều kiện trở thành nhà nước theo Công ước Montevideo và các công ước tương tự là họ không có nền độc lập thực sự tách rời khỏi Israel.

    Larry Garber, cựu giám đốc phái đoàn của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tại Bờ Tây và Gaza, cho biết Mỹ từ lâu đã duy trì quan điểm rằng bất kỳ sự công nhận chính thức nào đối với một nhà nước Palestine chỉ nên thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan, tức là giữa Israel và người Palestine.

    "Trong nhiều năm, tất cả chúng tôi đều làm việc dựa trên cơ sở rằng việc này nên được thực hiện theo từng giai đoạn", Garber nói. "Đầu tiên, Palestine nên xây dựng các đặc tính của một nhà nước, như quản trị tốt và một nền kinh tế độc lập hoạt động hiệu quả, sau đó trở thành nhà nước sẽ là mục tiêu cuối cùng".

    Đức và Pháp có cùng quan điểm này và vẫn duy trì lập trường như vậy.

    "Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Việc công nhận nhà nước Palestine không phải điều cấm kỵ đối với Pháp", Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne tuần trước cho hay, song thêm rằng "quyết định này phải hữu ích, nghĩa là nó phải tạo ra một bước tiến mang tính bước ngoặt ở cấp độ chính trị. Pháp không cho rằng các điều kiện đã hội đủ để quyết định như vậy tạo ra tác động thực sự".

    Mai'a Cross, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Đông Bắc Boston, nhận định những động thái gần đây của châu Âu về cơ bản là lời tuyên bố rằng họ công nhận "khát vọng" của một nhà nước Palestine trong tương lai.

    "Về mặt pháp lý, nó thuần túy mang tính biểu tượng. Nhưng tôi nghĩ nó còn hơn thế bởi thực tế mọi thứ không chỉ được phân định bằng tính biểu tượng và tính hợp pháp. Còn có tính chính trị ở giữa. Các mối quan hệ quốc tế đầy tính chính trị", Cross nói.

    Theo bà, một tác động "hữu hình" của việc công nhận nhà nước Palestine là thông điệp gửi tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Lãnh đạo Israel đã nhiều lần bác bỏ những lời kêu gọi về công nhận chủ quyền cho Palestine. Truyền thông Israel đưa tin ông Netanyahu thậm chí đã dành nhiều năm ủng hộ Hamas ở Gaza như một đối trọng với Chính quyền Palestine ở Bờ Tây, nhằm cản trở quá trình hướng tới giải pháp hai nhà nước.

    Các học giả pháp lý như Marc Weller, chuyên gia luật quốc tế và hiến pháp tại Đại học Cambridge, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông nhận định các quốc gia công nhận nhà nước Palestine dường như muốn nói rằng "bây giờ chúng tôi sẽ thay đổi trạng thái của Palestine từ một thực thể lẽ ra phải là một nhà nước thành một thực thể mà chúng tôi xác định là một nhà nước".

    Điều đó sẽ khiến Israel gặp khó khăn hơn trong việc từ chối quyền trở thành nhà nước của Palestine, Weller giải thích. "Việc công nhận được cố tình đưa ra nhằm phản đối những khẳng định từ Thủ tướng Netanyahu rằng không thể có giải pháp hai nhà nước".

    "Đây là một công cụ chính trị mạnh mẽ để cô lập sự phủ nhận từ phía Israel đối với tư cách nhà nước của Palestine", ông nói thêm.

    Theo Garber, việc công nhận nhà nước Palestine cũng có một số tác dụng nhất định. "Nó nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Palestine và quốc gia công nhận, trong đó có cả khả năng cho phép trao đổi đại sứ. Điều này tạo điều kiện để họ ký kết các hiệp ước chính thức hơn", ông nói.

    Nicholson, học giả pháp lý ở Australia, cho biết ngay cả khi thực thể chưa thực sự đáp ứng các tiêu chí, quốc gia công nhận nó sẽ thực thi các biện pháp mang tính thực tế như chấp nhận hộ chiếu, cấp quyền miễn trừ chủ quyền cho các quan chức và nhìn chung hành động như thể thực thể đó được công nhận có quyền quản lý lãnh thổ của chính mình.

    "Công nhận nhà nước Palestine không phải sự kết thúc, mà chỉ là khởi đầu của quá trình", Thủ tướng Ireland Simon Harris nhấn mạnh.

    Dù vậy, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo không nên quá lạc quan trước động thái mới nhất của một số quốc gia châu Âu đối với việc công nhận nhà nước Palestine.

    "Tất nhiên, chúng tôi đánh giá cao điều này, nhưng không chắc nó có thể giúp ích nhiều cho chúng tôi", Omar Shaban, nhà sáng lập tổ chức nghiên cứu chiến lược PalThink, trụ sở tại Gaza, cho hay. "Tình cảnh của người Palestine vẫn chưa được cải thiện, với cuộc xung đột ở Gaza, với chính quyền Israel, với mối chia rẽ của người dân, với nỗi sợ chúng tôi đang mang".

    Người Palestine muốn châu Âu giúp chấm dứt chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza hơn là công nhận nhà nước, ông nhấn mạnh. "Hãy giúp chúng tôi chấm dứt đổ máu".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Hikaru Sushi M-City Vùng: Seven Hills. Phone: 8512 0843
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/y-nghia-voi-palestine-khi-duoc-cong-nhan-la-nha-nuoc-4751473.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ