Thế giới nửa mừng nửa lo khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế Covid-19

18:00' 23-12-2022
Trung Quốc dần mở cửa sẽ tạo động lực kinh tế lớn cho khu vực, nhưng kèm với đó là nỗi lo xuất hiện biến chủng Covid-19 mới.


    Sau gần ba năm áp dụng chiến lược "Không Covid" nghiêm ngặt, Trung Quốc từ ngày 7/12 áp dụng loạt biện pháp nới lỏng, được đánh giá là một bước tiến lớn hướng tới nối lại cuộc sống bình thường.

    Albert Park, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đánh giá cách Trung Quốc đẩy nhanh nới lỏng và dỡ bỏ kiểm soát dịch sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế cho khu vực, nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định.

    Trước mắt, việc chấm dứt các yêu cầu về xét nghiệm và mã y tế đối với những người đi lại giữa các tỉnh và cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại sẽ thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc cũng như các đối tác kinh tế trong và ngoài khu vực. Tuần qua, tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương được tổ chức ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng tái khẳng định cam kết đưa nền kinh tế quốc gia trở lại đúng quỹ đạo tăng trưởng.

    Hàn Vấn Tú, quan chức Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc, dự báo kinh tế nước này sẽ nhanh chóng hồi phục trong nửa đầu năm 2023 dù trải qua một số trở ngại trong giai đoạn đầu của quá trình tái mở cửa.

    "Tác động từ chính sách tối ưu hóa các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch sẽ giúp hoạt động kinh tế tăng trưởng theo hình chữ J", ông Hàn nói, mô tả nền kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện chậm trong giai đoạn đầu, nhưng nhảy vọt sau đó.

    Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ di chuyển rào chắn tại một khu dân cư được dỡ phong tỏa Covid-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/12. Ảnh: AFP

    Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ di chuyển rào chắn tại một khu dân cư được dỡ phong tỏa Covid-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/12. Ảnh: AFP

    Theo ADB, các biện pháp chống dịch quyết liệt ở Trung Quốc thời gian qua là một trong ba trở ngại lớn khiến hồi phục kinh tế ở khu vực châu Á chưa đạt được tốc độ như kỳ vọng. Hai nguyên nhân còn lại kìm hãm động lực hồi phục sau đại dịch là ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ và chiến sự Nga - Ukraine kéo dài.

    ADB tuần qua hạ mức dự báo tăng trưởng năm trong tài khóa 2022 của Trung Quốc từ 3,3% xuống 3% vì những tác động lâu dài của các vấn đề trên trong suốt năm qua. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 được ADB kỳ vọng đạt 4,3%, còn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 4,6%.

    "Trung Quốc trở lại trạng thái bình thường càng sớm, họ càng có khả năng hồi phục thực chất về nhu cầu thị trường lẫn tiềm năng tăng trưởng không chỉ cho bản thân mà cả cho những nền kinh tế khác trong khu vực", chuyên gia kinh tế của ADB bình luận.

    Tuy nhiên, Albert Park lo ngại các làn sóng dịch bùng phát mạnh trong quá trình nới hạn chế sẽ dẫn đến thách thức lớn cho phục hồi kinh tế Trung Quốc nếu thiếu biện pháp thích ứng hợp lý. Các đợt bùng phát dịch có thể không xảy ra đồng loạt mà rải rác ở các địa phương với thời điểm khác nhau.

    "Chính quyền sẽ có lúc phải cân nhắc áp dụng lại các biện pháp kiểm soát hoặc giảm tốc độ nới lỏng kiểm soát. Tình trạng này sẽ làm xáo trộn hoạt động kinh tế", ông dự báo.

    Ngô Tôn Hữu, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc, tuần qua cảnh báo đợt bùng phát Covid-19 ở nước này sẽ đạt đỉnh trong mùa đông, chia thành ba đợt sóng trong vòng ba tháng.

    Theo ông Ngô, đợt sóng Covid-19 đầu tiên ở Trung Quốc sẽ kéo dài từ giờ đến giữa tháng 1/2023. Đợt sóng thứ hai tiếp nối không lâu sau đó, thúc đẩy bởi cuộc "đại di dân" về quê đón Tết của hàng trăm triệu người. Ông Ngô dự báo đợt sóng thứ ba xuất hiện vào cuối tháng 2 kéo dài đến giữa tháng 3, khi người dân nước này kết thúc kỳ nghỉ và trở lại làm việc.

    Người dân xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 27/11. Ảnh: AFP.

    Người dân xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 27/11. Ảnh: AFP.

    Chính quyền một số nước ở châu Á, trong đó có Singapore, bắt đầu quan ngại về nguy cơ xuất hiện biến chủng Covid-19 mới khi virus lây lan trong dân số 1,3 tỷ người ở Trung Quốc và có thể lan sang những nước khác.

    Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhận định Trung Quốc đang có những bước đi quyết đoán để mở cửa kinh tế và xã hội, do đó tỷ lệ mắc Covid-19 tăng mạnh là "khó tránh khỏi".

    "Singapore không quá lo ngại về điều này, vì đất nước chúng tôi có khả năng thích ứng cao và đã trải qua ba đợt bùng phát trong năm nay. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là khi Covid-19 lan rộng ở đất nước đông dân hàng đầu thế giới, trong đó phần lớn chưa từng nhiễm virus, chúng ta liệu có gặp thêm biến chủng mới hay không", ông chia sẻ lo lắng vào tuần qua.

    Giới chuyên gia y tế cho rằng ngay cả khi biến chủng mới xuất hiện ở Trung Quốc, các nước châu Á cũng không cần quá lo lắng. Theo Paul Tambyah, chủ tịch Hội Vi sinh học Lâm sàng và Truyền nhiễm châu Á - Thái Bình Dương, biến chủng tương lai nếu xuất hiện sẽ có khả năng lây nhiễm cao hơn Omicron, song độc tính sẽ thấp hơn. Đây là kịch bản tiến hóa của virus đã được nhiều chuyên gia dịch tễ nêu ra trong thời kỳ Covid-19 hoành hành trên thế giới.

    Dù vậy, một số chuyên gia cũng cho rằng các nước và cộng đồng khoa học vẫn cần đề cao cảnh giác và giám sát tình hình dịch bệnh, đề phòng xuất hiện biến chủng có đủ đột biến để xâm nhập hệ miễn dịch đã được định hình trong khu vực thời gian qua.

    "Điều đáng lo nhất là viễn cảnh xuất hiện một biến chủng mới khắc chế miễn dịch hiệu quả hơn. Chỉ cần lây nhiễm nhanh hơn, biến chủng đó sẽ đủ khả năng tạo ra những đợt bùng phát mới", Alex Cook, phó khoa chuyên trách nghiên cứu tại Trường Y tế Công Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), dự báo.

    Ông vẫn cho rằng, trừ trường hợp biến chủng nghiêm trọng hơn, những trường hợp khác sẽ khó tạo tác động đáng kể lên các bệnh viện và các nước trong khu vực không cần tái áp dụng loạt biện pháp kiểm soát Covid-19.

    Dale Fisher, giáo sư tại Trường Y học Yong Loo Lin thuộc NUS, cho rằng các nước cần chú ý đến số ca diễn tiến nặng tại Trung Quốc trong giai đoạn tới như một chỉ dấu tham khảo về biến chủng mới. Bên cạnh đó, các chính phủ trước mắt cần đầu tư trở lại vào phân tích mẫu bệnh phẩm để phát hiện tốc độ đột biến trong đợt bùng phát mới.

    David Cook cho rằng các nước không cần lo ngại về viễn cảnh nối lại trao đổi và đi lại bình thường với Trung Quốc. Phần lớn các quốc gia châu Á thời gian qua đã hình thành được lưới miễn dịch kết hợp giữa nhiễm virus và tiêm vaccine, giúp giảm nguy cơ bệnh nặng khi mắc Covid-19.

    "Nếu biến chủng gây bệnh nhẹ lại bùng phát, các nước có thể có thêm động lực dỡ bỏ hoàn toàn mọi biện pháp chống dịch và có thể Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ tuyên bố đại dịch chấm dứt. Chúng ta có thể hy vọng vào viễn cảnh này", ông dự báo.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
Big Sam Market Vùng: Niddrie. Phone: 9366 2237
Xem thêm

chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/chau-a-vua-mung-vua-lo-khi-trung-quoc-noi-han-che-covid-19-4550249.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ