-
Giới chức sắc từ các cường quốc từng tham gia cuộc chiến tranh đã tụ hội về Verdun ở đông bắc của nước Pháp. Đây là nơi đã từng diễn ra cuộc chiến đẫm máu kéo dài suốt 11 tháng trong năm 1916 khiến 300.000 người thiệt mạng.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã dâng hoa bày tỏ sự tiếc thương và lòng kính trọng đối với những hy sinh và mất mát của “8,5 triệu người đã chết, 21 triệu người bị thương, 4 triệu goá phụ và 8 triệu trẻ em mồ côi" trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ I. Phát biểu tại ngôi làng Douaumont – nơi nhìn ra chiến trường đẫm máu năm xưa và nơi vẫn còn tro cốt của 130.000 binh lính bị thiệt mạng trong trận chiến ở Verdun, Tổng thống Sarkozy đã nói về sự cần thiết phải “vinh danh những người đã khuất, không có bất kỳ ngoại lệ nào."
Thái tử Charles của Anh, Chủ tịch Quốc hội Đức Peter Muller và Toàn quyền Australia Quentin Bryce cũng đến tham dự lễ kỷ niệm ở Fort Douaumont, trung tâm của trận chiến Verdun. Ngoài lễ kỷ niệm chính ở Verdun, những lễ kỷ niệm nhỏ hơn cũng đã được tổ chức trên khắp Anh, Pháp và những nước đã từng tham gia vào cuộc chiến thảm khốc này. Tại Mỹ, các chính trị gia cũng tham gia vào lễ kỷ niệm Ngày Quân nhân ở nghĩa trang Arlington, gần thủ đô Washington. Tổng thống Bush đã bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với các cựu chiến binh trên khắp nước Mỹ “vì đã đứng lên khi đất nước cần các bạn nhất". Trong khi đó, Tổng thống mới đắc cử Barack Obama đã tưởng niệm những binh lính đã khuất tại đài tưởng niệm chiến sĩ ở Chicago.
Tại Australia, nơi đã mất hơn 60.000 người con trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ I, các hoạt động kỷ niệm cũng diễn ra trên khắp cả nước. Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã có bài phát biểu tại Đài Tưởng niệm chiến tranh Australia ở Canberra, trong đó ông kêu gọi hoà bình trên khắp thế giới. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có mặt ở Warsaw để kỷ nhiệm ngày độc lập của Ba Lan cũng trùng với ngày 11/11/1918.
Chiến tranh thế giới thứ I là cuộc chiến tranh công nghiệp hoá đầu tiên của thế giới. Cuộc chiến này đã lật đổ 4 đế chế ở Châu Âu, dẫn tới sự ra đời của nhà nước Xô viết và đánh dấu sự chấm dứt của thời đại bá chủ toàn cầu kéo dài rất lâu của Châu Âu.