Thế giới ghi nhận hơn 150 triệu ca nhiễm nCoV
Thống kê được AFP công bố ngày 30/4 cho thấy số ca nhiễm mới hàng ngày tăng gấp đôi so với tháng 2 do biến thể nCoV mới dễ lây lan và tình trạng không tuân thủ các hạn chế ngăn virus lây lan. Các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm cao nhất thế giới là Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Số ca nhiễm mới sau 24 giờ ở châu Á cao hơn các châu lục còn lại, phần lớn do đợt bùng phát tại Ấn Độ khiến các bệnh viện và lò hỏa táng ở nước này quá tải.
Ấn Độ ghi nhận thêm 350.000 ca nhiễm, mức tăng kỷ lục thế giới, và gần 3.500 người chết. Nhiều chuyên gia nghi ngờ tính xác thực của dữ liệu trong báo cáo do giới chức Ấn Độ đưa ra.
Hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết hỗ trợ y tế cho Ấn Độ. Không quân Mỹ điều vận tải cơ C-5M chuyển hơn 400 bình oxy, gần một triệu bộ xét nghiệm và các thiết bị bệnh viện khác đến Ấn Độ hôm 30/4. Cộng đồng Ấn Độ ở nước ngoài thu gom vật tư cần thiết để giúp bạn bè, người thân và đồng bào trong nước.
Nhân viên y tế Ấn Độ chuyển bình oxy tới cho bệnh nhân Covid-19 tại một trung tâm chăm sóc ở New Delhi ngày 28/4. Ảnh: AFP.
Số ca nhiễm nCoV tại Ấn Độ tăng cao được cho do nước này chưa triển khai được chương trình vaccine cần thiết. Tới nay tại Ấn Độ, chỉ các "nhân sự tuyến đầu" như nhân viên y tế cùng nhóm người trên 45 tuổi hoặc có bệnh nền mới được tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Covaxin do nước này phát triển.
Giới chức Ấn Độ quyết định tiêm vaccine Covid-19 cho toàn bộ người trưởng thành từ ngày 1/5, đồng nghĩa thêm 600 triệu người đủ điều kiện sẽ được tiêm.
Tuy nhiên, một số bang Ấn Độ cảnh báo họ thiếu nguồn dự trữ vaccine và mở rộng chương trình tiêm chủng gặp trở ngại do vấn đề hành chính, nhầm lẫn giá cả và trục trặc kỹ thuật trên nền tảng theo dõi của chính phủ.
Brazil đang vật lộn triển khai chương trình tiêm vaccine Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao. Brazil là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất trong đại dịch, với 189 ca tử vong trong 100.000 dân. Brazil ghi nhận 3.001 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 401.186.
Giới chuyên gia nhận định đợt bùng phát một phần do "biến thể Brazil" của nCoV, được cho xuất hiện trong hoặc xung quanh thành phố Manaus ở khu rừng nhiệt đới Amazon hồi tháng 12/2020.
Tuy nhiên, nhiều người quy trách nhiệm cho Tổng thống Jair Bolsonaro. Thượng viện Brazil đang điều tra Tổng thống Bolsonaro về việc có bỏ lọt tội phạm trong xử lý đại dịch hay không.
Khoảng 28 triệu người Brazil được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên trong liệu trình hai mũi, chiếm khoảng 10% dân số. Cơ quan y tế Brazil tuần này cho biết sẽ từ chối vaccine Sputnik V do Nga sản xuất do chứa một loại virus gây cảm cúm thông thường.
Nhân viên y tế Brazil tiêm vaccine Covid-19 cho một phụ nữ cao tuổi tại Nossa Senhora Livramento ngày 9/2. Ảnh: AFP.
Châu Âu ghi nhận hơn 50,2 triệu ca nhiễm, chiếm hơn 1/3 tổng số toàn cầu. Các quốc gia châu Âu bắt đầu mở cửa trở lại khi triển khai các chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19.
Các điểm tham quan tại xứ Scotland thuộc Anh sẽ được mở cửa từ ngày 30/4, lần đầu tiên trong năm nay và sau đợt đóng cửa lâu nhất sau Thế chiến II, khi giới chức quyết định nới lỏng lệnh hạn chế ngăn nCoV lây lan.
Tổng thống Emmanuel Macron cho biết các quán cà phê, địa điểm văn hóa và kinh doanh sẽ được mở cửa trở lại theo từng giai đoạn trong tháng 5. Toàn bộ người trưởng thành tại Pháp sẽ được tiêm vaccine Covid-19 từ 15/6, mở màn chiến dịch tiêm chung được Macron hy vọng sẽ đưa quốc gia châu Âu trở lại bình thường.
Nhiều hãng bia của Bỉ, vốn chịu ảnh hưởng nặng do nhiều tháng đóng cửa, đang gấp rút đảm bảo nguồn cung khi các cơ sở mở cửa trở lại vào tuần tới. Trong số các doanh nghiệp hân hoan với việc mở cửa trở lại có AstraZeneca, hãng dược phẩm của Anh.
AstraZeneca ngày 30/4 thông báo doanh thu 275 triệu USD từ vaccine Covid-19 trong ba tháng đầu năm 2021. Sản phẩm do AstraZeneca phối hợp phát triển cùng Đại học Oxford đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng thần tốc của Anh.
Trong khi đó Pfizer và BioNTech, hai đơn vị khác phối hợp phát triển vaccine Covid-19, cho biết đã đề xuất các cơ quan quản lý ở châu Âu cấp phép sử dụng trên nhóm 12-15 tuổi, một bước quan trọng trong mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng.
Trẻ em và thanh thiếu niên được đánh giá ít nguy cơ biến chứng nặng khi nhiễm nCoV, họ chiếm phần lớn dân số và việc tiêm chủng cho nhóm này được đánh giá là chìa khóa để chấm dứt đại dịch Covid-19.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/covid-19-toan-cau-vuot-150-trieu-4271051.html