Thấy con có 7 tư thế ngồi có hại này, cha mẹ sửa ngay kẻo con cong vẹo cột sống
Vẹo cột sống là một vấn đề về xương phổ biến, 80% trong số đó phát triển từ giai đoạn trẻ 10 đến 15 tuổi. Đáng chú ý, trẻ em gái có nguy cơ bị cong vẹo cột sống cao hơn trẻ em trai.
Ở tư thế đứng, dù là nhìn từ phía trước hay phía sau, sắp xếp cột sống bình thường của con người phải đối xứng hai bên trái-phải theo một đường thẳng từ trên xuống dưới. Nếu bạn thấy cột sống bị cong và lệch sang bất kỳ bên nào của cơ thể trong tư thế đứng, đó có thể là chứng vẹo cột sống, gây ra khoảng cách không đối xứng giữa cánh tay trái và phải với thân mình, thậm chí trong một số trường hợp, một bên vai sẽ cao hơn bên kia.
Cúi đầu xem điện thoại trong một thời gian dài cũng có thể gây chứng cong, vẹo cột sống ở trẻ. Ảnh minh họa.
Đối với trẻ thiếu niên, nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống là do bàn ghế không phù hợp với chiều cao của trẻ, hoặc do cặp sách quá nặng, hoặc do tư thế ngồi đọc, viết không đúng. Nhiều trẻ mê thiết bị công nghệ còn nằm, ngồi ngả ngốn khi xem trong thời gian dài. Dưới đây là 7 tư thế xấu dễ gây cong vẹo cột sống ở trẻ mà cha mẹ nên tránh cho con.
- Trẻ cúi đầu để nhìn điện thoại, nghịch máy tính, làm bài tập về nhà... trong thời gian dài. Các cơ vùng cổ, vai và thắt lưng đã ở trạng thái căng, gây ảnh hưởng cột sống.
- Trẻ nằm bò trên bàn và ngoẹo cổ sang một bên, gây ảnh hưởng cơ vùng cổ và lưng.
- Trẻ nằm nghiêng, gối đầu cao.
- Trẻ ngồi nghiêng, xiêu vẹo, chống tay vào một bên tai khi ngồi bàn học. Tư thế này khiến cổ, thắt lưng và xương chậu của trẻ bị vẹo.
- Một số trẻ thường nằm trên giường và dùng tay chống đỡ đầu. Tư thế này lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến độ cong bình thường của cột sống thắt lưng và dễ gây căng cơ thắt lưng.
- Đeo, vác đồ nặng ở một bên: Tư thế này sẽ khiến cột sống bị nghiêng sang một bên, cơ thắt lưng hai bên không cân bằng, thắt lưng chịu tải trọng quá mức. Nếu trẻ phải mang cặp sách nặng thì vấn đề sẽ trầm trọng hơn và hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn.
Để tránh việc trẻ bị ảnh hưởng cột sống, các bậc cha mẹ nên chú ý những điều sau đây:
- Tránh mang vác vật nặng ở vai trái hoặc phải trong thời gian dài.
- Luôn giữ tư thế ngồi đúng (90/90/90), nghĩa là lưng và đùi, đùi và bắp chân, bắp chân và bàn chân giữ vuông góc 90 độ với nhau.
- Khuyến khích trẻ thực hiện các bài tập kéo căng cơ lưng như bơi lội và đu xà đơn.
- Uống nhiều sữa, ăn cá và trứng, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời... sẽ có lợi cho việc hấp thu canxi và magie.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/7-tu-the-ngoi-co-hai-tre-hay-mac-4223004.html