'Thần dược chữa bệnh' trong mùa mưa bão
Tình hình bão lũ ở các tỉnh phía Bắc nước ta hiện vẫn đang có những diễn biến khó lường. Làm thế nào để có thể tránh mắc bệnh cảm lạnh, cúm, ho hay các bệnh dễ truyền nhiễm khác khi nhiệt độ xuống thấp, ô nhiễm môi trường tăng cao, nhất là khi vừa đi mưa, lội nước và bùn đất là điều nhiều người quan tâm.
Theo Bộ Y tế, để phòng tránh mắc bệnh, người dân cần ăn chín, uống chín, vệ sinh cá nhân và nhà cửa sạch sẽ. Ngoài ra, bạn có thể tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn các loại rau củ quả có nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, trong đó có củ gừng và củ hành tăm (củ nén, hành trắng). Đây là 2 loại củ được trồng nhiều ở nước ta, dễ bảo quản và được xem là “thần dược chữa bệnh”.
Củ hành tăm
Theo Lương y Đình Thuấn, trong Đông y, hành tăm vị cay, mùi hăng nồng, tính ấm có tác dụng ôn ấm tỳ vị, tiêu đờm, giảm ho, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, sát khuẩn, giải độc, trị cảm hàn, côn trùng cắn…
Sau đây là một số bài thuốc từ hành tăm:
Hành tăm có nhiều công dụng với sức khỏe nhưng ít người ăn.
Trị rắn độc và sâu bọ cắn: Dùng 7 củ hành tăm nhai nuốt nước lấy bã đắp vào nơi bị cắn cấp thời, rồi chạy thuốc khác.
Phòng cảm lạnh: Đi mưa, lội nước, bùn đất về nhai một nắm hành tăm rồi nuốt với 1 chén rượu trắng.
Trị cảm do thời tiết (nóng rét, đau đầu, ngạt mũi): Nấu cháo gạo tẻ, giã 20 củ hành tăm cho vào chảo, thêm 1 thìa giấm ăn khi còn nóng.
Trị trướng bụng, bí tiểu tiện ở trẻ nhỏ: Giã hành tăm sao nóng đắp vùng bụng dưới (vùng bàng quang). Trẻ nhỏ bí tiểu dùng củ hành tăm 4g giã dập chưng cách thủy với 1 chén con sữa mẹ, cho uống nóng (bỏ bã).
Ho gà: Củ hay lá hành tăm giã nhuyễn với đường phèn hấp cơm hoặc chưng cách thủy, chắt nước uống.
Bị trúng gió cấm khẩu: Giã 10g hành, ép lấy nước, dùng lông gà quét nước hành vào cổ họng cho nôn hết nhớt ra.
Ngộ độc thức ăn, ngộ độc chì: 6g hành tăm giã nhuyễn hòa rượu uống.
Thổ tả (bệnh tả) nguy cấp: Giã nát 100g hành tăm sao nóng lên rồi chườm lên rốn, khi hành nguội thì thay mới, làm vài lần trong ngày sẽ khỏi.
Côn trùng chui vào tai: Vắt nước củ hành nhỏ vào tai côn trùng sẽ tự chui ra.
Nghẹt mũi, thở không thông: Lấy 1 ít hành tăm sắc lấy nước uống ngày 2-3 lần, vài ngày sẽ khỏi.
Giun chui ống mật: Lấy 80g hành giã nát, vắt nước cốt trộn với 40ml dầu vừng hoặc dầu lạc để uống.
Chữa mụn nhọt: Củ hành tăm nướng rồi giã nát đắp vào mụn nhọt khi còn nóng.
Chữa tai biến mạch máu não: Ngay khi mới bị, giã nát nắm hành tăm trộn với nước tiểu trẻ em chắt lấy nước uống.
Chữa đau thần kinh sườn: 100g củ hành tăm tươi, 2 củ gừng sống, 2 miếng củ cải trắng giã nát, sao nóng cho vào khăn vải đắp vào chỗ đau.
Chữa viêm khớp: 60g củ hành tăm, 15g gừng già giã nát, cho rượu trắng vừa đủ, đánh đều đắp vào chỗ đau.
Chữa tay chân tê: Củ hành tăm 62g, gừng 16g, ớt 3g, đun nước uống ngày 2 lần.
Nhưng khi dùng hành tăm không được dùng chung với mật ong (sẽ gây buồn nôn, chóng mặt), kỵ với thuốc thường sơn, thục địa, sinh địa.
Củ gừng
Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, củ gừng là một loại gia vị rất phổ biến trong ẩm thực nước ta, được dùng dưới dạng tươi, khô, bột hoặc nước ép.
Theo Y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh Phế, Tỳ, Vị, có tác dụng tán hàn giải biểu, ấm dạ dày, cầm mửa, tiêu nước, dịu ho, cầm nôn, tiêu đàm, giải độc. “Vị cay thơm đặc trưng và tính ấm nóng của gừng là đặc điểm khiến cho gừng được sử dụng nhiều trong ẩm thực cũng như trong Y học cổ truyền”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Củ gừng cũng có thể phòng được nhiều bệnh trong mùa bão lũ.
Bác sĩ Vũ cho biết, gừng khi ăn tươi có tác dụng làm giãn các mao mạch, thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, giúp làm ấm cơ thể từ bên trong. Phương pháp này không chỉ hỗ trợ tuần hoàn máu tốt hơn mà còn có thể chống lại virus hợp bào hô hấp, ngăn cản các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Dân gian cũng sử dụng gừng để cạo gió trị cảm lạnh.
Gừng nướng chữa đau bụng, lạnh bụng, đi ngoài.
Gừng khô, gừng sao chữa đau bụng lạnh, đầy trướng không tiêu, thổ tả, chân tay giá lạnh, mạch nhỏ, đàm ẩm, ho suyển và thấp khớp. Ngày dùng 4-20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Bệnh tiêu hóa: Vào mùa bão lũ nhiều người hay bị tình trạng lạnh bụng, khó tiêu. Theo bác sĩ Vũ, củ gừng tươi có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh về đường tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, trào ngược dạ dày, buồn nôn, giúp tăng cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, sử dụng gừng làm gia vị thêm vào các món ăn để kích thích tiêu hóa, hoặc sử dụng trà gừng, ăn mứt gừng. "Sử dụng gừng tươi thường xuyên đúng cách có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ các khoáng chất, chất dinh dưỡng, duy trì hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Đau lưng, đau vai gáy do lạnh: Có thể dùng rượu gừng làm thuốc xoa bóp, massage cơ để cơ bắp được thả lỏng hơn. Hoặc chườm nóng vai gáy với gừng rang với muối hột.
Đau xương khớp: ngâm chân, tay hoặc tắm với nước thảo dược có thành phần là gừng tươi. Hoặc sử dụng gừng rang với muối hột chườm lên vùng đau.
Khi sử dụng gừng cần chú ý:
- Không nên sử dụng quá 5gr gừng/ngày.
- Những người chuẩn bị mổ hoặc mới mổ xong không dùng gừng.
- Không dùng cho những trường hợp chảy máu cam, chảy máu răng, băng huyết, ho ra máu...
- Không dùng cho người bị đổ mồ hôi nhiều, cảm nắng ...
- Khi thoa gừng lên da nên sử dụng trước ở một diện tích nhỏ xem có bị kích ứng không, chỉ nên giữ gừng trên da trong một thời gian ngắn vì có thể gây bỏng rát với người có da nhạy cảm.
- Nên rửa sạch vỏ gừng trước khi ăn, không nên gọt bỏ vỏ vì vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/2-loai-cu-phong-mac-benh-khi-di-mua-ngam-minh-duoi-duoi-o-viet-nam-trong-nhieu-nhung-loai-so-1-it-nguoi-biet-c131a608457.html