Tết là đừng làm mọi người phải cách xa
Có lẽ khoảng thời gian này là đang sắp tết, là tết đang đến vừa chầm chậm vừa nhanh nhanh. Trong đất trời, trong thành phố nhỏ rất bình yên này, và cả trong từng ngôi nhà lớn nhỏ khác nhau nữa, ngày nào tôi cũng lướt trên các báo mạng và đâu đó tôi thấy người ta viết về tết nói về tết rất nhiều. Như người ta so sánh tết xưa và tết nay, người ta còn chụp hình những công việc chuẩn bị cho tết rồi đưa lên báo đưa lên mạng làm tôi đọc thấy thích ơi là thích. Dù lòng tôi còn nhiều nỗi lo nặng lắm, những nỗi lo về chuyện sắm sanh chi tiêu cho tết, vì ai cũng biết tết đến là nhiều thứ để lo nhiều thứ để cần đến tiền, mà ai cũng khó khăn về kinh tế nên phải biết tính toán cẩn thận. Tôi cũng đã nhẩm tính xong rồi và sẽ cố gắng để tất cả mọi khoản nằm trong con số đó. Mà gia đình tôi cũng ít người và sinh hoạt ăn uống đi lại cũng đơn giản lắm, tôi chỉ mong tết và chỉ thấy vui vì cả nhà tôi được sum vầy bên nhau.
Với tôi, tết là vậy, tết là đừng xa nhau.
Người ta viết rất nhiều về những người vì hoàn cảnh vì lý do này kia nên không thể đón tết cùng quê hương cùng những người thân của mình, mà có người cũng đã nhiều năm. Tôi đọc mà thấy thấm thía tận cùng và đồng cảm với họ với tất cả lòng tôi, vì họ chỉ có mỗi lý do đó, là tiền. Cứ tết đến là người ta nói và nhắc nhiều đến chuyện tiền, nhưng có ai biết được có nhiều gia đình cũng được có mặt bên nhau, cũng được đón tết trong một tổ ấm, vậy mà họ cứ mãi cách xa. Họ gần như chẳng có nổi một bữa cơm thật sự được ngồi cùng nhau để có thể chuyện trò và hỏi han nhau những câu chuyện của cuộc sống của công việc, cùng nhau ngắm nhìn và cùng lắng nghe tết đang về đang đến rất gần đang lắng đọng ngay trong chính hơi thở của họ.
Gia đình bác Ba là một gia đình luôn có một cái tết như thế, đã mấy năm rồi từ ngày con gái lớn của bác tốt nghiệp và đi làm. Cả nhà lúc đó đều mừng rỡ, bác Ba như trút được một gánh nặng vì bác cứ lo con cái học xong khó xin được việc làm. Vậy mà nó vừa xong ngày hôm trước còn chưa kịp nghỉ ngơi thì ngày hôm sau đã ba chân bốn cẳng chạy đi nộp hồ sơ xin việc, rồi về nhà hớn hở khoe với cả nhà là nó đã được tuyển dụng. Nhưng niềm vui đó chẳng được bao lâu, vì cũng từ ngày con gái bác đi làm là gần như nó vắng bóng trong những bữa cơm gia đình. Bác cũng biết là công việc của nó là làm theo ca chứ không phải giờ hành chính như những công việc khác, rồi có lúc nó làm ca sáng có lúc nó làm ca chiều, mà có là ca nào thì nó cũng cứ bới vội một tô cơm và lua lua cho nhanh xong rồi bay lên phòng. Nó nói nó đi làm mệt lắm nên về đến nhà là nó chỉ muốn ngủ thôi nên đừng ai làm phiền nó.
Bác Ba nói mọi người hay khen bác có một đứa con gái giỏi giang ghê, được làm việc trong một khách sạn lớn nhất uy nghi nhất thành phố này, mà lại được đứng ngay ở vị trí mặt tiền vì nó là nhân viên lễ tân, rồi được tiếp xúc được biết bao người biết đến nó. Nhưng bác Ba cũng chỉ biết cười mà thôi, vì nếu bác nói ra thì chẳng có ai tin.
Mà bác thấy buồn nhất là những ngày tết đến, một năm chỉ có giờ khắc giao thừa và sáng mùng một là cả nhà được quây quần bên nhau. Cho dù năm đó có thành công hay chưa, cho dù một năm qua có sóng gió hay thuận buồm xuôi mái thì đó là những khoảnh khắc mà theo bác Ba là tất cả mọi thành viên trong gia đình đều cùng được ngồi sát nhau. Cùng nhâm nhi miếng mứt gừng thơm thơm cay cay cùng nhấp môi chén trà ấm nóng nhưng đầy vị ngọt ngào, và cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất cho năm mới.
Vậy mà trong gia đình bác thì luôn vắng bóng nó, vì cứ mới chín giờ tối là nó chui vào phòng, nó nói sáng mai nó phải lên ca sớm nên nó phải ngủ sớm. Rồi nó cũng chẳng biết giao thừa là như nào, còn lại chỉ mỗi hai bác và em gái nó mà ai cũng lặng thinh vì thiếu nó. Rồi sáng mùng một khi cả nhà còn đang ngủ thì nó đã lặng lẽ thức dậy một mình rồi lặng lẽ dắt xe ra khỏi nhà đi làm. Mà sao năm nào nó cũng lên ca đúng vào sáng mùng một đầu năm, nó nói vì cả phòng nó ai cũng có gia đình chỉ có nó còn son rỗi nên nó phải làm ca đó.
Rồi bữa họp mặt đầu năm mới cũng chẳng có nó luôn, bác không biết nó vào chỗ làm sẽ ăn sáng như nào, mà đến mãi tận hơn bốn giờ chiều nó mới về đến nhà. Rồi cũng cái câu quen thuộc là con mệt lắm con chỉ muốn ngủ, nếu có ai đến thì mẹ nói giúp là con không có ở nhà, bác Ba nói vậy là mới đầu năm mà đã phải nói dối rồi. Rồi nó ngủ mê mệt đến tận tám giờ mới xuống ăn tối, lúc đó cả nhà đã ăn xong từ lâu, chỉ mỗi mình nó cũng làm một tô rồi ăn đến ăn đại cho lẹ là nó lại bay vào phòng, rồi cứ miệt mài tiếp tục với những ca làm của nó. Nó còn nói những ngày tết ngày lễ là khách rất đông nên nó rất mệt, mà cứ để người ta đón tết trước còn mình đón tết sau cũng được. Mà cái tết sau của nó thì chỉ có mỗi mình nó chớ còn ai đâu, vì lúc đó đã mùng chín mùng mười rồi tết đã bay xa rồi.
Bác Ba nói bác không áp đặt hay quan tâm nhiều quá đến chuyện tiền hay lương thưởng của nó, bác chỉ muốn nó được cùng có mặt với gia đình trong những giờ phút quan trọng và ấm áp đó. Vậy mà đã mấy năm trôi qua, đã mấy cái tết trôi qua, nó gần như chẳng đón tết cùng gia đình dù nó vẫn sống cùng vẫn có mặt trong nhà. Mà bác nói ra thì ai tin được, vậy mà đó là sự thật, nó gần như chỉ biết có công việc.
Nó còn nói đã có mẹ đã có em lo mấy công việc dọn dẹp nấu nướng ngày tết nên con rất khỏe, nó chỉ muốn dồn hết công sức cho nơi làm của nó. Bác biết vậy và chỉ biết thở dài, chỉ mong nó ngồi vào bàn ăn cơm cùng mọi người, một điều ước quá nhỏ quá đơn sơ mà ai nghe chắc cũng bật cười, vậy mà bác đã ước bao năm rồi đó. Nhiều lúc bác cứ nghĩ phải chi nó cứ còn nhỏ như ngày xưa thì gia đình sẽ vui hơn. Đằng này cứ mỗi độ xuân về tết đến là bác cứ ao ước như vậy, dù nó vẫn sống ngay trong chính ngôi nhà của bác vẫn bên cạnh bác mỗi ngày.
Cái niềm ao ước đó cứ làm bác Ba trăn trở hoài mỗi khi từ tết xuất hiện, mong sao tết là tất cả được gần gũi bên nhau. Tết là đừng làm mọi người phải cách xa, vậy mà bác cứ ước hoài cũng có được đâu, là vì vậy đó.
Còn gia đình của anh Chín ở đầu xóm cũng vậy, chị Chín nói tết năm nào anh cũng dắt xe ra khỏi nhà từ rất sớm. Anh nói mấy ngày tết phải tranh thủ chứ người ta đi lại đông lắm. Mà những ngày tết là anh cứ miệt mài trên những con đường vì thu nhập được nhiều hơn nên anh rất vui, vì công việc của anh là chạy xe ôm mỗi ngày. Anh nói mấy mẹ con cứ ở nhà ăn tết và vui tết, ba đi đến tối ba về là có một khoản lớn cho cả nhà.
Mà bù lại thì suốt mấy ngày tết hai đứa con có được ba chở đi chơi đâu, rồi cũng thui thủi ngồi ăn cùng mẹ mà chẳng có ba, vì ba còn bận đi kiếm tiền ngoài kia. Rồi khi ba về đến nhà là hai đứa nhỏ đã đi ngủ hết rồi, rồi anh Chín lại lặng lẽ tắm rữa ăn uống một mình rồi lo ngủ lấy sức để ngày mai lại lên đường tiếp tục rong ruổi và mang nhiều tiền về cho chị Chín để còn lo cho con. Anh có biết đâu niềm hạnh phúc đơn giản và nhỏ nhoi của con trẻ là được ba chở đi chơi phố mấy ngày tết, được ngồi cùng ba cùng mẹ bên mâm cơm ấm cúng và được cười nói cùng nhau.
Tôi cứ thấy nghẹn lòng một chút và thầm tự hỏi không biết có bao nhiêu gia đình phải đón tết trong gần nhau và cả trong xa nhau như thế. Mà vì tính chất công việc của mỗi người hay vì những bức bách đòi hỏi của cuộc sống đến nỗi một năm chỉ có ba ngày tết mà cả gia đình cũng chẳng được tròn vẹn cùng bên nhau. Với những câu chuyện vui buồn, những dự định, những điều cùng được sẻ chia, cùng được yêu thương cùng nhau.
Gia đình chị Bảo cũng vậy đó. Chị Bảo là một bác sĩ của một bệnh viện lớn, mà có tết năm nào chị có mặt đầy đủ bên chồng bên con đâu. Cứ trực cấp cứu là chị gần như mệt rã rời đứt hơi cho một ca trực, cũng may các con chị đã lớn và tự lo được. Nhưng chị nói chị cứ mãi đeo đẳng khôn nguôi suy nghĩ đó, là chị chưa làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một người mẹ, của một người vợ trong gia đình. Nhất là những ngày tết đến, vì công việc của chị luôn đòi hỏi như vậy. Mà người ta có thể tết này xa nhau nhưng tết sau lại được sum vậy lại được sum họp, còn chị thì chắc suốt đời luôn, những ngày tết là chị có mặt trong bệnh viện có khi còn nhiều hơn ở nhà, biết làm sao được.
Và vì chị là một phụ nữ nên chị luôn ước vậy đó, là có một cái tết thật vẹn tròn bên chồng con. Chỉ ba ngày thôi mà, chỉ để được nhìn các con ăn uống hay được nghe chồng nói chuyện. Mà chị luôn tự hỏi tết đến để làm gì, không phải để người ta có thể tổng kết một năm và có những kế hoạch những dự định cho năm mới tiếp theo.
Hay để người ta có cơ hội nhìn lại những gì mình đã làm được trong một năm qua và sẽ cố gắng như nào cho những gì mình chưa làm được, để lại tiếp tục phấn đấu trong năm mới. Mà tết còn là khoảng thời gian quan trọng nhất, đó là lúc những người thân được gặp nhau được cùng nhìn nhau sau một năm cách xa. Vậy nên chị Bảo luôn ước như vậy, tết đến là được bên nhau chứ tết đừng cách xa, đừng xa nhau, để ngôi nhà chị luôn được ấm nhất bằng những tiếng cười.
Tôi cũng hay nhìn những người buôn bán trong những ngày tết. Rõ ràng họ biết tận dụng cơ hội là tết là dịp để làm ra tiền để kiếm tiền nhanh hơn, nên những quán ăn những hàng rong đây đó vẫn rộn vang khắp những con đường khắp những con phố. Mà ai nhìn vào cũng biết họ sẽ không có một cái tết trọn vẹn bên gia đình, vì thay vì được cùng ngồi bên nhau dẫu là ăn uống dẫu là tiếp khách hay dẫu là được đi rong để nhìn ngắm phố phường mấy ngày tết thì tết với họ chắc chắn luôn ươm nồng niềm ao ước đó, là tết là đừng xa nhau. Vì mấy ngày tết là qua nhanh lắm, rồi ai cũng lao vào cuộc sống với những bộn bề lo toan của riêng mình.
Tết là đừng xa nhau.
Tôi chúc cho tất cả như thế, và tôi mong tất cả được như thế.
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/tet-la-dung-xa-nhau-nw248082.html