Tang lễ tiễn biệt nhạc sĩ Phú Quang
Trong thời tiết giá lạnh ngày đông, từ sáng sớm, nhiều người đến tiễn biệt nhạc sĩ tài hoa. Họ lặng đi khi nghe bài hát Em ơi, Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Khúc mùa thu... phát tại tang lễ.
Di ảnh nhạc sĩ Phú Quang tại tang lễ sáng 13/12 ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Gần 9h, ông Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam - đọc điếu văn:
"Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Phú Quang là tác giả của hàng trăm ca khúc, phần lớn trong đó là ca khúc về Hà Nội. Ông xứng đáng là một tượng đài bất hủ với những bài hát khắc khoải, chứa đựng hồn cốt của mảnh đất này. Có thể kể đến một vài tác phẩm nổi tiếng như Hà Nội ngày trở về, Em ơi Hà Nội phố, Chiều phủ Tây Hồ...
Thậm chí, có bài hát không chữ nào nhắc đến Hà Nội nhưng khi giai điệu vang lên, người yêu nhạc đều thấy phong vị Hà thành... Có lẽ, là bởi ông quá yêu Hà Nội như chính ông có lần từng nói: 'Tôi yêu Hà Nội cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng, tôi đã thấy lá Hà Nội xanh hơn mọi nơi' ".
Sau đó, anh Phú Vương - con trai nhạc sĩ - đại diện gia đình cảm tạ mọi người. Phú Vương xin trò chuyện lần cuối cùng cha:
"Bố yêu quý ơi, hôm nay chúng con có mặt ở đây không phải để cùng bố ngồi uống cà phê, nghe bố trò chuyện mà để đưa bố về Phú Thọ - nơi bố sinh ra, gắn bó 5 năm. Nhờ bố, chúng con luôn ý thức làm người tử tế, giữ sự kiêu hãnh của một chính nhân. Gia tài bố để lại cho đời, để lại cho chúng con là sự tự hào. Bố đã dạy chúng con nên người, nuôi dưỡng chúng con bằng tình yêu. Bố đã cố gắng rất nhiều, bố chịu đau đủ rồi, giờ là lúc bố thanh thản. Bố sẽ mãi ở bên chúng con và những người yêu quý bố qua những bản tình ca bất hủ của bố".
Giây phút cuối tiễn linh cữu rời Hà Nội, tang lễ phát ca khúc Cho em và cũng là cho anh, qua tiếng hát cố nghệ sĩ Quang Lý: "Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về cuối trời/ Rồi thời gian cũng sẽ trôi qua cùng bao buồn vui/ Những nét chữ xưa cũng sẽ phai mờ theo năm tháng/ Mãi trong lòng ta vẫn còn bài ca".
Bà Trịnh Anh Thư (phải) bên linh cữu chồng - nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: Giang Huy
Lễ tang nhạc sĩ diễn ra trang nghiêm, đong đầy tình yêu thương của gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và khán giả. Nhiều người hâm mộ chưa từng gặp Phú Quang, yêu mến nhạc sĩ qua các tác phẩm, đến viếng ông.
Bà Trịnh Anh Thư - vợ nhạc sĩ - nghẹn ngào bên linh cữu. Gần hai năm ông đổ bệnh, bà túc trực chăm sóc ông. Chênh nhau 20 tuổi, hai người gắn kết nhờ tình yêu âm nhạc, hội họa, cùng có lối sống giản dị. Phú Quang viết tặng vợ ca khúc Mùa thu giấu em (phổ thơ Doãn Thanh Tùng), với những câu chữ tràn ngập tình ý: "Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế/ Phía cuối con đường anh kịp nhận ra em/ Em ào tới chợt xôn xao lá đổ/ Xóa nỗi cô đơn lạnh giá bên thềm...". Lấy nhau khi nhạc sĩ đã ở bên kia dốc cuộc đời, không có con chung. Bù lại, ông yêu thương con gái riêng của vợ, cô coi ông như cha ruột.
Nghệ sĩ piano Trinh Hương - con gái cả nhạc sĩ, cùng chồng - nghệ sĩ violin Bùi Công Duy - lo liệu hậu sự bố. Vợ chồng nghệ sĩ gắn bó, chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha nổi tiếng. Khi hai người còn làm việc ở Nga, ông khuyên con về nước, cống hiến cho quê hương.
Trinh Hương nói: "Từ ngày bố mất, tôi chông chênh, hụt hẫng. Nghe những ca khúc, đọc những điều mọi người viết về ông, tôi cảm thấy ông chưa rời khỏi nhân thế, vẫn ở đâu đó bên các con". Trong mắt nữ nghệ sĩ, bố yêu thương con cháu nhưng ít thể hiện tình cảm, kiệm lời. Ông ít khi nhờ vả các con. Mỗi lần nằm viện, ông đều gắng chịu đựng, không bao giờ kêu ca điều gì. Chị nhớ kỷ niệm hồi tháng 7, gia đình tổ chức sinh nhật, tặng hoa và bánh cho ông. Nhạc sĩ không nói được nhưng mắt rưng rưng. Ngoài nghệ sĩ Trinh Hương, ông còn con gái thứ Giáng Hương, con trai Phú Vương.
Anh trai ông - nhạc sĩ Phú Ân - đang bệnh vì đau buồn, không thể tiễn em. Ông hơn em chín tuổi, là người từng dạy Phú Quang những nốt nhạc đầu tiên, kèm cặp ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Hai anh em chơi kèn cor rồi chuyển sang sáng tác.
Nghệ sĩ Bùi Công Duy tại tang lễ nhạc sĩ Phú Quang - bố vợ anh. Ảnh: Giang Huy
Nhiều người bạn của Phú Quang như nghệ sĩ Quang Lý, nhạc sĩ Thế Song đã mất vài năm qua, con cháu đại diện đến viếng. Nhà thơ Thụy Kha - 72 tuổi, bạn thân nhạc sĩ - cảm động vì được tiễn bạn đúng lúc bài Khúc mùa thu vang lên: "Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy/Nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời". Ông nhớ những ngày tháng hai người và nhóm văn nghệ sĩ Hà Nội cùng ngồi cà phê, bát phố. Ông nói Phú Quang là nghệ sĩ tài năng, toàn diện, có trái tim nhân hậu. Vì thế, những nỗi buồn giản dị của nhạc sĩ chạm đến trái tim khán giả.
Các đồng nghiệp ở xa, có người về kịp thắp nén hương, người không thể thì thắp tâm hương.
Ở TP HCM, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn khóc vì không ra được Hà Nội viếng tang, do các bác sĩ khuyên tránh di chuyển xa sau đột quỵ. Hai người nhiều lần đi diễn trong, ngoài nước cùng nhau. Anh nhớ kỷ niệm khi sang Đức, khi nhận phòng, thấy chiếc giường chiều ngang vẻn vẹn 60 cm, Phú Quang nói: "Thôi kệ cháu ạ", khiến anh xúc động vì sự giản dị của nghệ sĩ lớn. Trần Mạnh Tuấn quay video thổi bài Nỗi nhớ mùa đông tưởng nhớ ông.
Ca sĩ Đức Tuấn từ TP HCM ra trước một ngày. Bốn năm qua, mối quan hệ giữa Đức Tuấn và ông không dừng lại giữa một ca sĩ, nhạc sĩ, cả hai coi nhau như người thân. Lần cuối cùng Đức Tuấn gặp Phú Quang là hồi tháng 3. Khi ấy, ông không nói được nhưng vẫn nhận ra người quen và mỉm cười. Nhạc sĩ đang viết dở một tác phẩm, Đức Tuấn muốn xin phép gia đình thể hiện ca khúc này.
Ca sĩ Minh Chuyên, ở Nha Trang (Khánh Hòa), kịp bay ra Hà Nội trước lễ viếng. Cô là giọng ca gắn bó với ông nhất trong những năm cuối đời nhạc sĩ. Mối duyên âm nhạc của hai người bắt đầu từ 10 năm trước, một lần Phú Quang tình cờ nghe Minh Chuyên hát ở một phòng trà, chủ động mời cô tham gia đêm nhạc của ông. Nhạc sĩ dành nhiều thời gian hướng dẫn cô tập nhạc, thu âm, nghiêm khắc với cô từ cách hát đến lối biểu diễn.
Nhạc sĩ Phú Quang qua đời hôm 8/12 sau gần hai năm nằm viện, điều trị biến chứng bệnh tiểu đường. Trước khi nhập viện, dù sức khỏe không tốt, ông vẫn miệt mài làm việc. Nhạc sĩ đôi lúc đãng trí những việc thường nhật, nhưng nhớ như in từng câu chuyện âm nhạc. Ông dự định ra thêm một cuốn sách mới, ghi chép những câu chuyện đáng nhớ trong cuộc sống của ông, tương tự cuốn Chuyện bình thường và Những mảnh hồi ức chợt hiện, nhưng chưa kịp hoàn thành.
Ông quê gốc Hà Nội, sinh năm 1949 ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về thủ đô. Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)... Ngoài ra, ông có series Chuyện bình thường, lấy cảm hứng từ một người yêu cũ.
Nhạc sĩ từng cho biết ông chỉ viết nhạc khi trái tim thực sự rung động. Tác phẩm của ông giàu cảm xúc, cơ sở nhạc lý vững chắc. Ông thần tượng các "Ông hoàng nhạc cổ điển" như Chopin, Mozart, Tchaikovsky... Trong nước, ông ngưỡng mộ nhạc sĩ Hoàng Vân.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/gia-dinh-dong-nghiep-tien-biet-nhac-si-phu-quang-4402128.html