Tăng chiến đấu chủ lực Abrams của Mỹ khó giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường
Quân đội Ukraine đã tiếp nhận lô xe tăng M1A1 Abrams đầu tiên trong tổng số 31 chiếc mà Mỹ cam kết chuyển giao, với số lượng được cho là khoảng 6-8 chiếc. Mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực này dự kiến xuất hiện trên chiến trường Ukraine trong vài tuần nữa, sau khi binh sĩ hoàn tất khóa huấn luyện do chuyên gia phương Tây phụ trách.
M1 Abrams được đánh giá là một trong những vũ khí mạnh nhất của lục quân Mỹ. Dòng xe tăng này được đưa vào biên chế quân đội Mỹ từ năm 1986, sở hữu pháo nòng trơn 120 mm tầm bắn hơn 4 km, súng máy đồng trục 7,62 mm và súng phòng không 12,7 mm.
Xe tăng có thể đạt vận tốc tối đa 67 km/h với kíp lái 4 người gồm trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn và lái xe. M1 Abrams được cho là sở hữu nhiều tính năng vượt trội so với các dòng xe từ thời Liên Xô trong biên chế quân đội Ukraine, như năng lực tác chiến ban đêm và khả năng bảo vệ kíp lái.
Xe tăng M1A1 Abrams được Mỹ chuyển tới Đức hồi tháng 5 để huấn luyện binh sĩ Ukraine. Ảnh: US Army
Mỹ ban đầu cam kết chuyển giao xe tăng chủ lực M1A2 Abrams cho Ukraine, song sau đó cho biết chỉ viện trợ biến thể cũ M1A1 có lớp giáp mỏng và ít công nghệ hiện đại hơn để đẩy nhanh tốc độ bàn giao, do số xe tăng này có sẵn trong kho và mất ít thời gian để tân trang hơn.
Mẫu M1A1 Abrams mà Washington viện trợ cho Kiev cũng không được trang bị giáp uranium nghèo (DU) như phiên bản trong quân đội Mỹ, do đây là công nghệ tuyệt mật. Điều này khiến xe tăng Mỹ có nguy cơ tổn thương cao hơn trước nhiều loại tên lửa chống tăng mà Nga đang sử dụng trên chiến trường.
Dù vậy, Kyiv Post cho biết mẫu M1A1 này đã được hiện đại hóa đáng kể so với phiên bản nguyên gốc, bổ sung thêm camera ảnh nhiệt, hệ thống điều khiển hỏa lực được nâng cấp, giúp nó đạt năng lực chiến đấu tương đương M1A2 ở một số khía cạnh.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder hồi tháng 3 cũng cho biết xe tăng M1A1 cung cấp cho Kiev sẽ có "năng lực tác chiến rất giống M1A2", song từ chối nêu chi tiết sự khác biệt giữa các biến thể.
Các tính năng này của xe tăng Abrams nhiều khả năng sẽ đem lại nhiều lợi thế cho Ukraine cả về chiến thuật và tinh thần, trong bối cảnh quân đội nước này đang tăng cường chiến dịch phản công ở miền đông và miền nam.
Hỏa lực mạnh, lớp giáp tiên tiến và các công nghệ hiện đại của Abrams sẽ bổ sung đáng kể kho vũ khí để Ukraine tung vào trận, giúp họ đột phá qua các phòng tuyến Nga. Sự hiện diện của xe tăng Mỹ nhiều khả năng cũng đem lại nguồn khích lệ đáng kể cho binh sĩ Ukraine sau nhiều tháng giao tranh ác liệt.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng xe tăng Abrams khó có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường, khi nó được chuyển giao quá muộn với số lượng quá ít.
Trong giai đoạn đầu phản công, Ukraine áp dụng chiến thuật xung kích bằng tăng thiết giáp kiểu NATO, song đã phải chuyển sang cách đánh truyền thống, chủ yếu sử dụng bộ binh, sau khi mất một lượng lớn phương tiện do phương Tây viện trợ trước các bãi mìn dày đặc và hỏa lực tầm xa áp đảo của Nga.
Kyrylo Budanov, lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), tuần trước thừa nhận các bãi mìn của Nga là "thách thức lớn" đối với phương tiện bánh xích như xe tăng, vì một quả mìn cũng có thể khiến xe tăng đứt xích và mất khả năng cơ động, buộc kíp lái phải bỏ xe.
Ông cho biết thiết giáp hạng nặng hiện chủ yếu được quân đội Ukraine sử dụng làm phương tiện vận chuyển binh sĩ, ít khi được dùng cho các cuộc xung kích vào phòng tuyến Nga.
"Xe tăng Abrams chỉ nên được sử dụng một cách phù hợp trong các chiến dịch cụ thể và được chuẩn bị kỹ càng. Nếu dàn trận tham gia các trận đánh hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn, chúng sẽ không thể tồn tại lâu trên chiến trường", Budanov nói.
Ben Barry, cựu chỉ huy xe tăng Anh và là chuyên gia tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cho rằng xe tăng Abrams cũng sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc bảo dưỡng và sữa chữa, do đây là loại khí tài rất phức tạp, đòi hỏi nhân viên kỹ thuật có trình độ cao để bảo trì.
Kevin Butler, cựu trung úy quân đội Mỹ từng là chỉ huy trung đội xe tăng, cũng lo ngại M1 Abrams sẽ mang lại thách thức lớn về mặt hậu cần cho Ukraine, do dòng xe này tiêu thụ ít nhất 4,7 lít nhiên liệu mỗi km, đồng nghĩa các đơn vị Abrams cần phải được thường xuyên tiếp liệu để có thể duy trì đà tiến công.
Một thách thức khác mà xe tăng M1 Abrams phải đối mặt tại Ukraine là thời tiết. Giới chuyên gia cho rằng Mỹ đáng lẽ nên chuyển giao M1 Abrams sớm hơn, khi thời tiết còn thuận lợi, do các trận mưa lớn cuối thu sắp tới sẽ khiến mặt đất trở nên lầy lội và cản trở hoạt động hành quân.
Với trọng lượng hơn 57 tấn, xe tăng Abrams có thể dễ dàng mắc kẹt trên các cánh đồng trống trải của Ukraine khi mặt đất trở nên lầy lội. Đây được coi là nỗi kinh hoàng với kíp lái, bởi một chiếc xe tăng mắc kẹt sẽ trở thành mục tiêu tập kích dễ dàng của quân Nga.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/9 công bố video cho thấy hai xe tăng Leopard 2 Ukraine mắc kẹt trong bùn khi băng qua địa hình lầy lội trên cánh đồng tại Lugansk. Kíp xe tăng Ukraine đã phải bỏ xe lại trên chiến trường và cả hai phương tiện đều bị máy bay không người lái (UAV) tự sát Lancet Nga phá hủy.
Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận xe tăng Abrams là vũ khí "không thể coi thường", nhưng thêm rằng lực lượng Nga trong gần hai năm tham chiến ở Ukraine đã không ngừng tìm cách thích nghi với các loại vũ khí mới.
"Không có thuốc trị bách bệnh và không loại vũ khí nào có thể thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường", Peskov nói. "Chúng rồi cũng sẽ bị thiêu rụi".
Barry, cựu chỉ huy xe tăng Anh, cho rằng cảnh báo của Nga không phải là không có cơ sở, bởi các xe tăng hiện đại mà phương Tây cung cấp cho Kiev, trong đó có Leopard của Đức và Challenger của Anh, đều đã bị UAV Lancet phá hủy trên chiến trường.
"Abrams có nhiều lợi thế so với các xe tăng khác, khiến nó khó bị bắn trúng hơn, nhưng lực lượng Ukraine sẽ phải sử dụng chúng rất cẩn thận", Barry nói. "Bộ binh Ukraine sẽ phải có khả năng chống lại UAV tự sát Nga để bảo vệ những cỗ xe tăng quý giá này".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/xe-tang-my-abrams-kho-thay-doi-cuc-dien-chien-truong-ukraine-4658098.html