Tân chủ tịch EC chủ trương xây dựng một EU “mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế”
Khẩu hiệu "một châu Âu xanh" mà tân Chủ tịch EC đưa ra vừa đánh dấu sự khởi đầu mới của Liên minh châu Âu (EU), vừa là bước tạo động lực trước một chặng đường còn nhiều chông gai để hồi sinh sức mạnh và vị thế của EU.
Có thể thấy bà Ursula von der Leyen tiếp quản chức Chủ tịch EC vào một thời điểm vô cùng tế nhị.
Nền kinh tế EU vốn uể oải đã lâu, thiếu động lực tăng trưởng và thiếu cả các xung lực chính trị. Bối cảnh quốc tế cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là “không thể hỗn loạn hơn.”
EU dường như đang phải tính toán để trụ vững trong bối cảnh mối liên minh xuyên Đại Tây Dương trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.
Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của một loạt nền kinh tế, đặc biệt là Trung Quốc, đang khiến vị thế của EU trong nhiều lĩnh vực trở nên “lép vế.”
Vài năm nay, người ta hay nói tới chuyện Lục địa Già vẫn đang “ngủ quên trên chiến thắng” và EU đang bị gạt sang một bên trong những “cuộc cách mạng,” như cách mạng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Có vẻ phần nào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của EU đang sa sút khi liên minh này suốt một năm qua “thất bại” trong việc giải quyết các vấn đề đối ngoại và đối nội lớn, như “nhiệm vụ” duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, hay xác định rõ một lộ trình để cuộc "ly hôn" EU-Anh không gây nhiều tổn hại.
Các nỗ lực của EU nhằm khẳng định đường lối độc lập trong hồ sơ hạt nhân Iran chưa đạt kết quả, kế hoạch xây dựng một lực lượng phòng thủ độc lập nhằm tránh phụ thuộc vào Mỹ cũng “giậm chân tại chỗ.”
EC mới đang đối diện trực tiếp với thách thức được coi là sống còn hiện nay với EU, đó là EU có khả năng hành động với tư cách một thế lực địa-chính trị độc lập và có uy lực trên trường quốc tế hay không, bởi nếu EU không tự khẳng định, sẽ có các thế lực khác thay thế.
Đó là lý do bà Ursula von der Leyen chủ trương xây dựng một EU “mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.”
Điều quan trọng của EU giờ đây không phải là vấn đề về đảng phái, chính trị, các quy tắc, quy định hay thị trường hay tiền tệ, mà trên hết đó là " phải chú trọng đến một dân tộc với những khát vọng của mình."
Có thể hiểu Chủ tịch EC muốn thúc đẩy để EU hồi sinh sức mạnh nhưng không làm mất đi “linh hồn” của Lục địa Già.
Các ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch EC von der Leyen trong 5 năm tới sẽ tập trung vào vấn đề khí hậu và nền kinh tế kỹ thuật số.
Toàn cảnh phiên bỏ phiếu bầu nhân sự của Ủy ban châu Âu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 27/11/2019. (Ảnh: THX)
Cam kết của bà là EU sẽ đi đầu trong bảo vệ khí hậu, điều tối quan trọng đối với hành tinh và công dân châu Âu cũng như toàn thế giới, cũng là động lực mới trong chiến lược tăng trưởng của EU.
Cụ thể, vào năm 2050, châu Âu sẽ trở thành lục địa đầu tiên đạt mục tiêu "trung lập về carbon" với những khoản đầu tư khổng lồ.
Tuy nhiên, Chủ tịch EC cũng lưu ý quá trình chuyển đổi sẽ "bền vững,” một thông điệp trấn an chủ yếu nhắm tới các quốc gia Đông Âu vốn vẫn phụ thuộc vào than đá và có dân số ít, những người đang rất lo sợ phải tăng gánh nặng hóa đơn thanh toán năng lượng của mình.
Để có thể nhanh chóng bắt tay thực hiện sứ mệnh đề ra, bà von der Leyen đã bổ nhiệm 3 phó chủ tịch điều hành, vốn từng là thành viên của EC nhiệm kỳ trước.
Hai đối thủ trong cuộc chạy đua vào chức chủ tịch EC, ông Frans Timmermans người Hà Lan và bà Margrethe Vestager người Đan Mạch, sẽ lần lượt chịu trách nhiệm phụ trách hai đại dự án hàng đầu là khí hậu và kỹ thuật số.
Phó Chủ tịch điều hành thứ ba là một người Latvia, ông Valdis Dombrovskis, sẽ có nhiệm vụ phức tạp là phụ trách vấn đề hòa hợp các mục tiêu kinh tế và xã hội.
Cùng với 4 phó chủ tịch khác, họ sẽ có vai trò điều phối trong các lĩnh vực khác nhau, đáp ứng những yêu cầu của bà von der Leyen về một nhiệm kỳ EC mới "linh hoạt, hiện đại và nhanh nhẹn.”
Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans, chịu trách nhiệm điều phối "thỏa thuận xanh,” sẽ phải trình bày được một kế hoạch chi tiết trong vòng 100 ngày đầu nhậm chức.
Dự kiến EU sẽ xây dựng một ngân sách trị giá 1.000 tỷ euro trong 10 năm để đầu tư vào quá trình chuyển đổi sinh thái. Cùng với đó, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ được chuyển đổi thành "ngân hàng khí hậu.”
Nhưng thách thức nằm trong chính các chi tiết của kế hoạch đầy tham vọng này với nguy cơ vấp phải sự phản đối từ nhiều phía.
Ví dụ như thuế phát thải và việc áp dụng thuế biên giới đối với hàng nhập khẩu có chứa carbon sẽ đi ngược lại quy tắc về thuế đã được các quốc gia thành viên nhất trí.
Các ngành công nghiệp cũng đặc biệt lưu tâm tới bất cứ điều gì có nguy cơ đe dọa tính cạnh tranh. Công dân, dù là bên được hưởng lợi, cũng sẽ có ý kiến phản đối nếu các biện pháp được áp dụng ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại, hoặc thậm chí đe dọa tới việc làm trong một số lĩnh vực nhất định.
Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager và ủy viên Thierry Breton người Pháp sẽ hợp tác để phát triển chiến lược cho một châu Âu kỹ thuật số. Lục địa Già nhận thấy cần khắc phục sự chậm trễ của mình và trở thành người tiên phong trên các công nghệ mới nhất.
Dự kiến một quỹ chuyên biệt với giá trị lên tới 100 tỷ euro sẽ được dành riêng cho mảng sáng tạo và "số hóa" các ngành công nghiệp truyền thống.
Trong lĩnh vực này, ngoài biện pháp đánh thuế quan trọng đối với 4 "gã khổng lồ" công nghệ của Mỹ (gồm Google, Amazon, Facebook, Apple) đã gần như thành công, thì rõ ràng vẫn thiếu vắng các "ông lớn" châu Âu. Và EU cũng phải cân nhắc một cách tiếp cận đặc thù trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một trong các biện pháp được tính tới là đưa ra những quy định về pháp lý cho các dịch vụ kỹ thuật số có tính đến một mô hình xã hội châu Âu, đặc biệt là đối với lực lượng làm việc cho các nền tảng kỹ thuật số.
Thái độ khác nhau của các quốc gia châu Âu về vai trò của hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei trong vấn đề mạng 5G đã bộc lộ những khó khăn để thống nhất được một cách tiếp cận chung phù hợp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Ủy viên thương mại Phil Hogan sẽ đảm nhiệm điều phối về Brexit và đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ.
Nếu Vương quốc Anh rời EU như kế hoạch vào ngày 31/1/2020, các cuộc đàm phán về mối quan hệ thương mại trong tương lai sẽ được khởi động sau đó, và khả năng hiệp định thương mại EU-Anh hoàn thành trước cuối năm 2020, như tuyên bố của Thủ tướng Anh Boris Johnson, bị cho là "ảo tưởng.”
Song song với hồ sơ khó khăn này, Brussels sẽ phải xem xét lại chính sách thương mại của mình giữa lúc căng thẳng địa-chính trị và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Nhiệm vụ của Chủ tịch EC khi đứng đầu cơ quan hành pháp EU sẽ càng phức tạp bởi thế đa số tại Nghị viện châu Âu vốn mong manh và ngày càng khó kiểm soát.
Sau khi liên minh thống trị truyền thống giữa nhóm đảng cánh hữu – đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và nhóm đảng Xã hội-Dân chủ (S&D) cánh tả bị mất đa số, từ nay bà von der Leyen phải tính đến một liên minh với đảng Renew và đảng Xanh, lực lượng đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Bà von der Leyen đã từng tuyên bố sẽ xây dựng một ủy ban "địa chính trị" trong nhiệm kỳ lãnh đạo này, tập trung vào nỗ lực tạo thế cân bằng mới tại Brussels để xây dựng một EC “uyển chuyển, mềm dẻo, hiện đại,” có năng lực mang lại “sức năng động mới” trong nội bộ khối, đáp ứng được đòi hỏi của các công dân. Có lẽ đây là lộ trình để EU khôi phục sức mạnh của mình.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/tan-chu-tich-ecmot-chau-au-xanh-de-eu-manh-me-hon-tren-truong-quoc-te/610614.vnp